Tâm lý thực dụng chi phối mục tiêu và phương pháp dạy học?

(Dân trí)-Chúng ta đã từng nhấn mạnh về việc thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện cũng như đổi mới phương pháp dạy và học, nhưng trên thực tế không chuyển biến bao nhiêu. Phải chăng nhà trường chúng ta đang bị chi phối bởi tâm lý thực dụng?

Trong  hội nghị bàn về chất lượng giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức gần đây, nhiều đại biểu là lãnh đạo, hiệu trưởng của các trường THPT, các sở giáo dục đã bày tỏ nhiều băn khoăn, bức xúc, kiến nghị về việc thực hiện chương trình phân ban, sách giáo khoa mới...Nổi lên, trong đó là thực trạng " Thi gì, học nấy" đang diễn ra khá phổ biến, do tâm lý thực dụng của học sinh, thầy cô giáo, cả cán bộ giáo dục... tạo nên. Là người trong cuộc, chúng tôi hiểu hơn hết những biểu hiện của thực trạng này.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Họp tổ chuyên môn triển khai công tác chuyên môn cho năm học mới,  nhiều giáo viên tổ tôi  phát biểu: "Năm học trước do mình chưa biết, chưa có giới hạn, cấu trúc đề thi tốt nghiệp thì mình còn dạy hết, dạy kĩ mọi bài. Còn năm nay đã có cấu trúc đề thi rồi, biết rõ môn văn sẽ ra giới hạn trong đấy, thì từ năm học này trở đi mình cứ căn cứ vào đó mà dạy, các bài đọc thêm, không ra thì dạy qua thôi, chứ quan trọng gì". Không riêng giáo viên tổ, trường tôi, nhiều giáo viên tổ khác, trường khác cũng có nhận thức và giảng dạy  như thế.

Mấy đứa cháu tôi đang học bậc THCS và THPT, có lần kể:" Các thầy cô giáo dạy các môn toán, lý, hóa vào lớp dạy, hay đề cao môn của mình lắm, chú ạ. Và khuyên bọn cháu, cả lớp, chỉ cần tập trung học, luyện kĩ ba môn chính ấy thì mới thi đỗ đại học. Còn những môn không thi đại học thì bỏ hết đi, học chi cho nhọc thân."

Phần lớn học sinh bây giờ không còn quan tâm, đầu tư, học hành cho nghiêm túc các môn như giáo dục công dân, công nghệ, hướng nghiệp nghề, sử, địa, văn nữa, vì từ lâu đã coi nó là môn "phụ", môn không thi tốt nghiệp, hoặc không thuộc khối thi của mình. Lâu nay, chất lượng các môn này thấp, học sinh chán học, chúng ta hay đổ lỗi cho thầy cô giáo, sách giáo khoa các môn đó có vấn đề. Mà quên mất rằng, nguyên nhân chính của nó là tâm lí thực dụng của xã hội, học sinh, phụ huynh đang chi phối, ngự trị, làm cho chất lượng dạy và học các môn đó giảm sút. Kể cả những  thầy giàu tâm huyết cũng càng ngày càng nản lòng, nhụt chí.

Nhiều năm qua ở kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH, CĐ, đề thi các môn : Ngoại ngữ, vật lý, hóa học, sinh học được Bộ Giáo dục Đào tạo ra theo hình thức trắc nghiệm. Mặc dù trong các văn bản chỉ đạo, Bộ yêu cầu các trường trong giảng dạy và kiểm tra phải kết hợp trắc nghiệm và tự luận, nhưng các trường lại hướng tới thực tế thi cử. Do đó, quá trình dạy học ở các môn ấy, giáo viên và học sinh  dành nhiều công sức cho việc luyện làm bài thi trắc nghiệm. Giả dụ như môn ngoại ngữ được xem là môn học áp dụng phù hợp nhất hình thức thi trắc nghiệm. Nhưng cách tổ chức thi trắc nghiệm của chúng ta chỉ đòi hỏi thí sinh có kỹ năng đọc, hiểu. Còn kỹ năng nghe, nói thì không bao giờ đả động đến. Như vậy, thì làm sao đòi hỏi học sinh bậc THPT có thể giao tiếp những nội dung đơn giản với người nước ngoài?

Cũng vì học để thi mà việc giáo dục đạo đức, thực hiện các chuẩn kỹ năng, cung cấp những kiến thức cơ bản, toàn diện cho học sinh, cũng như đổi mới phương pháp dạy học trở nên mờ nhạt,  không cần thiết với đại đa số học sinh cũng như giáo viên. Làm cho mục tiêu giáo dục đề ra sớm đi vào con đường bế tắc, không có lối thoát.
 
Học để thi có nhiều hệ lụy tiêu cực kéo theo, chúng ta đều thấy. Nhưng để khắc phục nó không hề dễ chút nào. Học mà không thi cử gì, thì dẫn đến tâm lí khác" không thi, không học".

Học lệch lạc, phiến diện, học chỉ nhắm đến thi cử, lỗi của học sinh thì ít, lỗi của người lớn, của cha mẹ, của thầy cô giáo, nhà trường thì nhiều. Họ nhận thức về mục tiêu giáo dục chưa đầy đủ, tư duy, tầm nhìn còn hạn hẹp nhiều. Căn bệnh chuộng thành tích đang có dấu hiệu trỗi dậy sau vài năm lắng xuống nhờ chủ trương nói không với tiêu cực và bệnh thành tích trong thi cử, giáo dục. Đến nay, việc đánh giá trở nên dễ dãi, nhẹ nhàng hơn, khiến cho học sinh, phụ huynh khinh nhờn, không coi trọng thực chất, giáo dục toàn diện. Mặt khác, cái tâm lí thực dụng, chuộng bằng cấp, vốn  đã ăn sâu vào tiềm thức số đông trong xã hội ta.

Đến bao giờ, giáo dục phổ thông khởi sắc, những mục tiêu tốt đẹp của Bộ đề ra trở thành hiện thực, có sức sống lâu bền trong nhà trường, học sinh, thầy cô giáo? Câu hỏi ấy, dành cho tất cả chúng ta, nhất là đội ngũ cán bộ, giáo viên đang gánh vác sứ mệnh trồng người.

                                         Thanh Bình

                                          Quảng Ngãi

 

LTS Dân trí - Nói đến mục tiêu giáo dục cũng như bàn luận về đổi mới phương pháp dạy và học mà chỉ khép kín trong đội ngũ làm giáo dục thôi thì chưa đủ, bởi điều đó còn bị chi phối bởi tâm lý xã hội. Mọi gia đình cho con cái đi học thường nhằm mục tiêu thiết thực trước mắt là thi đỗ tốt nghiệp, rồi đỗ đại học, cao đẳng hay ít nhất là một trường chuyên nghiệp. Điều đó dẫn tới tình trạng giáo dục phiến diện bằng biện pháp thi gì học nấy; thi kiểu gì dạy kiểu nấy như tác giả bài viết trên đây đã nêu.

 

Vì vậy, việc thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện cũng như đổi mới phương pháp dạy học không chỉ phụ thuộc vào sự phấn đấu của đội ngũ thầy cô giáo mà còn bị chi phối bởi nội dung và cách thức thi cử cũng như tâm lý thực dụng và chuộng bằng cấp còn nặng nề trong xã hội ta.

Muốn thay đổi được tình hình này, đi đôi với việc thực hiện những chủ trương và biện pháp đúng đắn thuộc về trách nhiệm ngành giáo dục, còn cần sự phối hợp tích cực của phụ huynh học sinh cũng như của các tổ chức đoàn thể nhằm xác định động cơ học tập đúng đắn cho thế hệ trẻ.