Sự mập mờ của văn bản hay sự vô cảm của con tim?

Tôi là thương binh chống Mỹ nhưng vẫn tiếp tục công tác trong quân đội cho đến gần đây mới nghỉ hưu. Vì vậy tôi phải đến Sở LĐ-TB-XH Hà Nội để chuyển hồ sơ về cho địa phương quản lý và chi trả trợ cấp.

Cầm trong tay tờ Giấy giới thiệu của đơn vị và một tập hồ sơ rất dày dặn gồm “Giấy chứng thương”, “Biên bản giám định pháp y”, “Quyết định công nhận thương binh” cùng bản sao “Quyết định nghỉ hưu” và “Sổ hộ khẩu gia đình” tôi nghĩ rằng mọi việc sẽ thuận lợi, nhanh chóng. Nhưng không phải như vậy!

Người đầu tiên tôi gặp là một công chức ở bộ phận “một cửa” tên là O (tạm gọi là O1). Sau khi xem bộ hồ sơ cô nói tôi thiếu một thứ giấy tờ là “Phiếu lập sổ trợ cấp”. Sau khi đọc kỹ một văn bản cô hướng dẫn cụ thể cho tôi về chuẩn bị lại theo một trong hai cách: xin lại văn bản còn thiếu hoặc một bản “Trích lục hồ sơ thương binh”. Vì ở đơn vị không tìm thấy bản gốc “Phiếu lập sổ trợ cấp” nên tôi đề nghị cấp cho tôi hai bản “Trích lục hồ sơ thương binh” như hướng dẫn rồi lại đạp xe lên Sở, lòng những khấp khởi đã đủ giấy tờ và hy vọng mọi việc sẽ nhanh chóng được giải quyết. Vì cô O1 đi học nên tôi nộp hồ sơ cho một nhân viên khác cùng cả bản hướng dẫn do cô O1 viết. Cô nhân viên này vui vẻ nhận hồ sơ và viết giấy hẹn cho tôi. Tôi thở phào nhẹ nhõm tưởng mọi việc thế là xong. Tuy nhiên, việc vẫn chưa xong!

Đến hẹn tôi lại đạp xe lên Sở. Cô nhân viên ở bộ phận một cửa nhận hồ sơ của tôi hôm trước thông báo: “Phòng Chính sách người có công không chấp nhận bộ hồ sơ này vì vẫn thiếu”. Tôi đề nghị được gặp trực tiếp Phòng này.

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Người tiếp tôi tại Phòng CSNCC là một nữ nhân viên cũng tên O. (tạm gọi là O2). Cô O2 này giải thích rằng: “Cô O1 đã hiểu không đúng văn bản nên đã hướng dẫn cho tôi làm sai”. Không biết có mối hiềm khích gì từ trước mà tôi còn phải chứng kiến một cách “bất đắc dĩ” màn mạt sát của cô ta: “cái bọn một cửa này là một lũ ăn hại, chả biết cái gì ra cái gì” rồi cao hơn nữa: “cái nhà nước này không biết tại sao lại sinh ra cái một cửa để làm khổ nhau?” v.v…

Tôi đề nghị được xem văn bản. Cô O2 đưa cho tôi xem văn bản số 1528/TBLSNCC ngày 05 tháng 10 năm 1999 của Cục TB, LS và người có công thuộc Bộ LĐ-TB và XH. Xin trích đăng một phần để bạn đọc cùng tham khảo:

“I- DI CHUYỂN VÀ TIẾP NHẬN HỒ SƠ TB:

TB được xác nhận từ 01/01/1995 đến 31/12/1998: Hồ sơ gồm:
- Giấy chứng nhận bị thương.

- Biên bản giám định thương tật

- Quyết định cấp giấy chứng nhận TB và trợ cấp ưu đãi

- Phiếu lập trợ cấp thương tật.

- Giấy chứng nhận TB (xuất trình khi đến chuyển)

- Giấy giới thiệu di chuyển cùng các tài liệu liên quan khác.

2- TB được xác nhận từ 01/01/1999 trở đi: HS cũng cơ bản như trên.

3- TB bị thương trong KC chống Pháp và từ 1967 trở về trước: HS cũng tương tự

4- TB được xác nhận từ 01/1968 đến 31/12/1994: Hồ sơ gồm:

- Một giấy chứng nhận bị thương.

- Một biên bản giám định thương tật.

- Một quyết định cấp GCN thương binh.

- Một phiếu lập sổ và cấp giấy chứng nhận TB

- Một GCN Thương binh (xuất trình khi nộp HS)

- Một giấy giới thiệu di chuyển.

      * Trường hợp HS không đủ theo quy định trên (do thất lạc) thì HS gồm:

- Hai bản trích lục HS thương tật của TB do thủ trưởng Cục Chính sách- BQP ký tên, đóng dấu.

- Một Giấy chứng nhận TB (xuất trình khi nộp HS).

- Một giấy giới thiệu di chuyển.”

Đọc kỹ văn bản 1528/TBLSNCC tôi nhận thấy quả có phần mập mờ thật. Như vậy cô O1 đã hiểu rằng cái chú thích “*” là áp dụng cho cả 4 đối tượng TB nên đã hướng dẫn cho tôi làm theo. Còn cô O2 thì bảo rằng cái chú thích “*” đó chỉ dành riêng cho đối tượng TB thứ 4. Tôi có nêu ý kiến vậy 3 đối tượng TB từ 1 đến 3 mà thiếu giấy tờ thì giải quyết thế nào cô O2 trả lời dứt khoát: “Tôi không biết! Còn cái chú thích này chỉ dành riêng cho đối tượng 4. Chúng tôi làm thế mãi rồi!”. Tôi không thể tranh luận được với cô ta và đành đạp xe về nhà ngồi chờ các cơ quan “nghiên cứu”.

Đã ba lần đi lại vì một việc tưởng chừng vô cùng đơn giản mà vẫn chưa xong tôi thầm nghĩ: “Mình như vậy vẫn còn may. Chân tay còn đủ, vẫn đạp được xe. Từ nhà đến cơ quan cũ và đến Sở cũng không xa lắm. Đi lại vài ba lần thì có thấm gì! Chỉ thương những người đồng đội không may mất chân tay, nhà lại ở xa cơ quan, cứ mỗi lần như vậy thì khổ biết bao”.

Nhân sự việc này đề nghị với các cơ quan Nhà nước có soạn thảo văn bản gì cũng nên rõ ràng hơn để tránh tình trạng hai công chức của Nhà nước cả mà mỗi người hiểu một kiểu như trên. Và nói thật tôi cũng không hiểu trong trường hợp này là do văn bản mập mờ hay là sự vô cảm của những con tim. Một thương binh có đủ cả Giấy chứng thương, Biên bản giám định pháp y, Quyết định công nhận thương binh mà vẫn chưa đủ thủ tục giấy tờ để chuyển về địa phương quản lý (khi nghie hưu) thì không biết họ còn đòi hỏi những gì nữa đây?

Nguyễn Anh Trang

LTS Dân trí - Đặt địa vị vào trường hợp người thương binh trong bài viết trên đây thì quả thật ai cũng phải buồn lòng và bực mình về thủ tục giấy tờ quá nhiêu khê, lại không rõ ràng và sự làm việc thiếu trách nhiệm của các cán bộ, nhân viên Sở LĐ-TB-XH Hà Nội, làm người ta phải đi lại đến ba lần vẫn chưa xong thủ tục nhận trợ cấp thương tật.

Qua ví dụ trên, một lần nữa cho thấy các cơ quan công quyền cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính hơn nữa để giải quyết công việc nhanh gọn cho người dân, nhất là các đối tượng cần được trân trọng và dành sự ưu tiên như thương binh, gia đình liệt sĩ.