Bạn đọc viết:

Sinh viên đổ xô đi... học thuê

(Dân trí) - Học kiến thức là để cho mình, vậy mà không ít sinh viên thời nay mải "lo" những chuyện khác, phải kiếm người "đóng thế" đi học thay. Chuyện kỳ dị vậy vẫn đang diễn ra ở nhiều trường đại học, cao đẳng.

Sinh viên đổ xô đi... học thuê  - 1

Từ cầu…

Mới là sinh viên năm 2, song Tùng Anh (cao đẳng Giao thông Vận tải) lại có vẻ thích chơi hơn thích học. Với cậu, học cũng chỉ để thi, vì thế khi nào thi hãy học, mà không học thì dùng “phao”. Thế là xong. Đến lớp nhiều cũng… chẳng để làm gì. Vừa mất công dậy sớm, vừa lếch thếch đi bộ cả cây bắt xe bus mệt người. Quan trọng là lúc điểm danh nhờ người hô “có” hộ mình một tiếng là xong.

Thấu suốt tư tưởng đó, mùa đông cũng như mùa hè, Anh đến lớp “bữa đực bữa cái”. Đi muộn về sớm, thế nhưng hầu như môn nào cậu cũng được thi.

Nói về cái “bí quyết” tinh ranh của mình Tùng Anh cho biết: Thật ra cũng dễ thôi, mình không đi học nhưng nhờ mấy đứa bạn “ruột” điểm danh hộ, lớp đông thầy biết đâu mà lần. Nhưng điều quan trọng nhất là phải “bắt tay” được với tên lớp trưởng, môn nào thầy cô dễ tính nó cho qua là Ok. Còn môn nào khó khăn thì chịu khó đến lớp vài buổi cho đủ điều kiện thi, cho biết bè biết bạn.

Còn Hồng Ngọc (cao đẳng Du Lịch) cũng có nhu cầu khá lớn về việc thuê “người đóng thế” mình trên giảng đường. Cứ khi bận việc cô nàng lại nhờ cô em trong xóm đi học hộ. Mỗi buổi như thế, Hồng trả cho họ từ 30-40 nghìn đồng tùy thuộc buổi học ít hay nhiều. Còn mình thì vi vu theo các tour.

Theo Hồng, kiếm được một việc làm trong tour du lịch ngon lành là không dễ. Mỗi chuyến đi may mắn cũng kiếm được vài triệu đồng. Không những đủ nuôi bản thân mà còn góp được một phần cho cậu em học tập.

“Việc học cũng quan trọng, nhưng nghỉ vài buổi rồi nhờ người học hộ cũng chẳng sao. Quan trọng là được thi và lúc thi mình làm bài tốt là được”- Hồng quả quyết.

Cũng “bận bịu” như Hồng, Thu Hương (đại học KHXH&NV Hà Nội) tuy là bí thư của lớp, song chả mấy khi cô đoái hoài đến công việc. Suốt ngày “xăm soi” mấy cái đề tài viết lách kiếm tiền.

Đến lớp thì “bữa đực bữa cái”, 1h chiều vào học nhưng có khi 1 rưỡi, 2h có hôm tận 3h chiều mới thấy cô nàng “mò” đến. Nhưng, học thì ít mà… ngủ thì nhiều.

Hôm nào bận đi cơ sở, đi quay chương trình không đến được, cô nàng lại nhờ ngay em lớp dưới cùng xóm trọ đến điểm danh hộ cho đủ buổi.

Đến cung

Từ xưa đến giờ vẫn thế, có cầu ắt sẽ nảy cung. Và học thuê cũng không nằm ngoài quy luật đó. Cả tháng nay Yến Hoa (Học viện Hành Chính) có vẻ tất bật lắm, khi mỗi chiều tan học lại đạp xe cả mấy cây số ra tận trường ĐH Kinh tế quốc dân học hộ cho chị bạn.

Theo Hoa, mỗi tuần cô đi học hộ khoảng 3,4 buổi thì cả tháng cũng kiếm được mấy trăm nghìn đồng. Học hộ vừa nhàn vừa đỡ mất tiền “mai mối”, đặt cọc như gia sư hay những công việc khác, mà nhất là không sợ bị lừa.

“Với lại đến lớp học thuê, nhất là những lớp văn bằng 2 hay tại chức thì có nhiều người học hộ như mình lắm, chẳng lo không có đồng minh.   Dạo này có mấy người bên trường ĐH Thương Mại và ĐH Mỏ địa chất cũng thuê mình học nhưng trùng giờ nên mình không dám nhận thêm”- Hoa nói.

Phạm Thị Hương (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cũng có vẻ “ngon ăn” lắm, khi mấy tháng trước “ẵm” được trọn gói việc học thuê cho chị bạn đang học văn bằng hai ở trường ĐH Ngoại thương.

Hương cho biết: “Mình học buổi chiều còn, buổi sáng đi học hộ nên cũng không ảnh hưởng tới việc học tập lắm. Loi choi cả ngày, tuy hơi mệt nhưng cũng kiếm được. Đi học hộ cũng có học mấy đâu, toàn chơi thôi vì kỳ đầu toàn những môn đại cương mình học ở trường rồi nên lúc thi thì cũng làm được đôi chút” – Hương chia sẻ.

Còn Tiến Dũng (ĐH Công Đoàn) có dự định “khả thi” lắm khi thay vì về quê làm xây dựng với bố như mọi khi, hè năm nay cậu quyết định ở lại học thuê cho mấy đứa bạn ở trường CĐ Giao thông Vận tải cho “nhàn thân”.

Dũng tiết lộ: “Mấy đứa bạn mình bên đó chơi nhiều, trốn học nhiều nên phải học lại nhiều lắm. Khổ nỗi toàn trùng tiết, trùng giờ nên bọn nó không thể 3 đầu 6 tay mà đi học hết được. Thế nên mình mới “có chân”. Ở lại đi học vừa được tiếng giúp bạn, vừa kiếm được tiền, sướng quá còn gì”.

Và những chuyện bi hài

Học thuê, điểm danh hộ như nhận định của nhiều sinh viên là việc làm nhàn mà có tiền. Nhưng cái gì cũng có hai mặt của nó, bên cạnh những khoản thù lao hậu hĩnh là những chuyện cười ra nước mắt.

Vốn lười học, nên mỗi khi đến lớp Tùng Anh lại trở thành gương mặt lạ đối với các thầy cô giáo. “Có đợt lâu ngày không đến trường, chính mình lại trở thành người đi học hộ, thầy giáo thấy lạ nên quyết đuổi ra bằng được. May mà có cậu lớp trưởng nhanh trí nói hộ vài câu, không thì cũng toi”

Còn Tiến Dũng (ĐH Công Đoàn) lại phát xấu hổ với cả lớp thằng bạn khi đi học hộ buổi đầu tiên đã bị thầy giáo tóm ngay lên bảng “vẽ vời” về cầu đường bộ. “Lúc mới nghe tên mình đã giật bắn cả người, học kế toán, biết quái gì về cầu đường bộ đâu mà trả lời. Thế là mình cứ ngồi yên tại chỗ. Thầy gọi thế nào cũng quyết không lên. Và hôm đấy ẵm ngay “cây mía tím” về cho thằng bạn” – Dũng bùi ngùi nhớ lại.

Không may như Dũng, Hồng Hạnh còn bị thầy giáo tóm gọn xuống văn phòng khoa lập bản kiểm điểm sau buổi học hộ chị bạn cùng xóm. “Vừa khóc vừa mếu, viết bản kiểm điểm, năn nỉ xin thầy. May mà lần đầu tiên, thầy bỏ qua. Nếu không bị đuổi học thì vỡ mặt, sau lần đấy mình cạch luôn, không học thuê, học hộ gì nữa, rách việc lắm”- Hạnh nói.

Phạm Lâm 
(Lớp Báo in K28A1, Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền)