Sau Tết, đừng kéo dài quán tính chơi bời

(Dân trí) - Trong những ngày Tết, hầu như từ trẻ em đến người lớn đều có dịp được nghỉ ngơi và vui chơi thỏai mái, nhưng sau Tết đừng để quán tính đó kéo dài…

Sau Tết, đừng kéo dài quán tính chơi bời - 1
Tệ nạn cờ bạc trong những ngày tết diễn ra công khai.
 
1- Không để nạn bỏ học diễn ra!

Năm nào cũng vậy, thời gian cận Tết và đặc biệt là sau Tết, tình trạng học sinh bỏ học, nghỉ học ở các trường phổ thông, nhất là khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa cũng gia tăng đáng kể.

Cách đây hai năm, số học sinh phổ thông nghỉ học sau Tết, đạt mức kỷ lục trên hai trăm ngàn em (theo thống kê của Bộ GD & ĐT). Có nơi, có trường ở miền núi, học sinh bỏ gần hết, mỗi khối chỉ còn mấy chục em, trường lớp điu hiu, trống trơn. Nhà trường, thầy cô giáo phải thay nhau đi đến nhà phụ huynh, vận động con em quay trở lại trường.

Tại sao, học sinh phổ thông lại hay chọn thời điểm sau Tết để nghỉ học? Phải nói ngay rằng, phần đông diện học sinh này học tập yếu kém, đạo đức sa sút, không thiết tha việc học hành nữa. Thêm vào đó, Tết đến, thấy nhiều thanh thiếu niên cùng trang lứa đã nghỉ học, đi làm ăn xa, Tết về rũng rỉnh tiền bạc, ăn mặc, chơi bời sành điệu, thoải mái, các học sinh ấy liền bị cám dỗ, lôi kéo.

Bố mẹ ra sức khuyên bảo, can thiệp, nhiều khi cũng không còn hiệu lực. Điều kiện kinh tế khó khăn, học sinh miền núi buộc phải nghỉ học, tham gia lao động, làm thuê để kiếm sống, đỡ gánh nặng cho gia đình, cộng với nhận thức về học tập của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn lệch lạc, hạn chế.

Đấy cũng là nguyên nhân quan trọng làm gia tăng tình trạng bỏ học sau Tết. Nhiều biện pháp hạn chế, ngăn chặn đã được địa phương, nhà trường áp dụng, như đến nhà vận động, cấp tiền và gạo hằng tháng. Biện pháp đó đạt được kết quả nhất định, nhưng tính bền vững chưa cao, năm sau vẫn tiếp diễn.

Chúng tôi thiết nghĩ, chúng ta đã biết trước thực trạng ấy hay tái diễn sau tết rồi, thì công tác giáo dục, tuyên truyền, nhắc nhở nên được đẩy mạnh trong thời gian trước Tết, qua các hình thức sinh hoạt lớp, chào cờ, trong đó vai trò, khả năng thuyết phục của thầy cô giáo chủ nhiệm là rất quan trọng.

Sâu xa hơn, nhà trường, thầy cô cần tạo cho tất cả học sinh có được nhiều niềm vui, phấn khởi trong học tập, tránh “hành xác”, gây căng thẳng quá mức. Nói cách khác, chủ trương “Nhà trường thân thiện, học sinh tích cực” rất đúng đắn của Bộ GD&ĐT đưa ra mấy năm nay, phải được hiện thực hóa thật sự, chứ không phải là những lời hô hào, lý thuyết suông.

Trong số học sinh bỏ học đó, có nhiều em chán học, học quá tệ, học không nổi, do cha mẹ, gia đình ép buộc, mà phải học, học trong trạng thái bất đắc dĩ. Trường hợp này, tốt nhất, chúng ta nên định hướng cho các em đi học nghề gì đấy, không nhất thiết phải học hết văn hóa lớp 12. Vì việc học chữ đâu phải phải dễ, một trăm em, chỉ có một nửa số đó là học được. Con đường học tập, lập nghiệp rộng, dài, có nhiều cách khác nhau, hà cớ gì, cứ phải hết lớp 12 mới được?

Nhận thức chưa thông của phụ huynh, nhiều nhà trường, thầy cô giáo, một số nhà quản lý giáo dục về giáo dục phổ thông, cho nên công tác phân luồng học sinh, từ cấp 2 lên cấp 3 của chúng ta trong thời gian dài không có chuyển biến, vẫn sa đà vào con đường bế tắc.

2- Chống tâm lí “xả hơi”

Năm nay, là năm đầu tiên giáo viên, học sinh, sinh viên, cán bộ, công viên chức nhà  nước được nghỉ Tết dài ngày nhất. Đây là dịp đầy ý nghĩa để mọi người nghỉ ngơi, chúc tụng nhau, thăm nom gia đình, ông bà, anh em sau thời gian lao động, làm việc, học tập vất vả.

Nhiều năm trước, đã hết thời gian nghỉ Tết mà không ít công sở, cơ quan, trường học có tình trạng cán bộ xả hơi, vẫn tiếp tục vui chơi quá mức, quên cả nhiệm vụ. Đến cơ quan, nói ba câu, ba sợi gì đó, chưa được mười phút đã kiếm đường tuông hay rủ nhau thành đoàn đi chơi tới bến. Ăn uống, say xỉn không biết chán. Công việc Nhà nước thì bỏ bê.

Những người dân có việc cần đến cơ quan công quyền nhờ cậy, ngồi chờ rủ chân, đợi mỏi mắt, cũng chẳng thấy cán bộ đâu. Bảo vệ trực bảo khéo, cán bộ, anh ấy nay đi công tác dưới cơ sở rồi, hẹn hôm khác đến. Phải mất công, tốn thời gian, đi dăm ba lần nữa mới gặp được. Rất phiền hà cho dân.

Còn đám học sinh, sinh viên thì khỏi phải nói, mấy tuần học trước khi nghỉ Tết và mấy tuần học sau khi nghỉ Tết, coi như chơi mút chỉ, bài vở không đụng lấy một chữ. Cái ý thức, chơi ra chơi, học ra học, làm ra làm của cán bộ, học sinh, sinh viên, lâu nay không rõ ràng, thường bị lạm dụng. Nó tạo thành tiền lệ, tập quán xấu, khó bỏ.

Phải chăng, phần nào đó, do cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan còn thiếu tính gương mẫu, thái độ làm việc, xử lý cán bộ cấp dưới chưa nghiêm? Không để không khí, dư vị ngày Tết lấn áp công việc Nhà nước, đó là vừa trách nhiệm, vừa là lương tâm của người cán bộ làm công ăn lương của dân, của nước. 

3- Loại bỏ tệ nạn “ăn theo” Tết

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Sau tết, đầu năm mới, hàng loạt hoạt động văn hóa, phong tục, tín ngưỡng, lễ hội... thường được tổ chức khá sôi nổi, rầm rộ trên khắp mọi vùng miền cả nước. Bên cạnh cái được, cái tốt, cần giữ gìn và phát huy  thì những cái xấu, cái hủ tục, cái không tốt... lại có dịp bùng phát, gây bức xúc dư luận xã hội. Đó là nạn bẻ cây, hủy hoại môi trường.

Người Việt Nam ta có phong tục đi hái lộc vào đêm giao thừa và những ngày đầu năm để cầu phúc, cầu may, mong năm mới được mọi điều tốt lành. Cành lộc thường được chọn là loại cây có phong cách người quân tử, thể hiện sự bao dung và nhân ái (ví dụ như các loại cây:  sung, si, đa...).

Thế nhưng, do thiếu hiểu biết, một số người  cho rằng cứ hái được cành to, nhiều lộc lá thì sẽ được hưởng nhiều lợi… cho nên thi nhau bẻ cành cây không thương tiếc, nhiều cây chỉ còn khúc thân, đầy thương tích. Đó là nạn đốt hương nhang, hàng mã, xả giấy, rác bừa bãi.

Đi lễ chùa, cúng bái, mong ước, cầu phúc, cầu tài... là một tuyền thống, nét đẹp văn hóa đáng quý. Đền, chùa thì nhỏ, chật hẹp, còn lượng người đến thì đông đúc. Chỉ cần, mỗi người đốt một cây nhang, đốt, xả vài tờ giấy thôi, thì khói, lửa, tro đã mịt mù, không gian nơi đấy trở nên ngột ngạt, ô nhiễm.

Nhiều chùa đã có biển to ghi: “Đừng nên đốt nhang, có lòng thành là được”. Nhiều người thấy, nhưng vẫn cứ làm ngơ. Người này làm, người kia làm theo. Phật nào lại vui lòng và phù hộ cho những người thiếu ý thức bảo vệ môi trường sống?

Đó nạn mê tín dị đoán, xem bói toán, đồng bóng...những tưởng đã tàn lụi từ lâu rồi, thế mà nó lại rất thịnh trong thời hiện đại. Đầu năm, đầu tháng, nhà nhà, người người đi coi bói, xem thầy. Thầy phán lời nào, tin sái cổ lời đó. Về khu dân cư, đến cơ quan, phao tin, tuyên truyền bậy bạ đủ điều.

Đối tượng tham gia, đi làm chuyện đó nhiều nhất, đông nhất lại là cán bộ đủ cấp, đủ ngành của ta. Có anh công an, bạn tôi, nói vui “Nếu bây giờ ta nhờ các anh thầy bói tuyên tuyền giúp về phòng chống tham nhũng đến các vị cán bộ, lãnh đạo thì chắc hiệu quả lắm lắm!”

Những biểu hiện không lành mạnh cần khắc như: bắt chẹt khách về giá cả, trộm cắp, xin đểu... vẫn thường diễn ra phức tạp ở các lễ hội, đình chùa đầu năm. Do đó, các địa phương, cơ quan, cần tăng công tác tuyên tuyền, giáo dục, nhắc nhở và có biện pháp cụ thể, kiên quyết để sớm khắc phục những tệ nạn xấu nói trên, góp phần làm cho môi trường xã hội và môi trường tự nhiên trong những ngày sau Tết thêm trong lành, ấm áp.

Đỗ Tấn Ngọc
Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng - Sơn Tịnh - Quảng Ngãi

LTS Dân trí - Sau những Ngày Tết cổ truyền vui tươi, chúng ta phấn chấn bước vào một mùa xuân mới của năm Canh Dần. Tuy họat động trong nhiều  lĩnh vực khác nhau nhưng mọi người đều có chung mục tiêu phấn đấu  cho mọi nhà được ấm no hạnh phúc và đất nước ngày càng phồn vinh, vững mạnh.

Để đạt được mục tiêu đó, chúng ta không thể kéo dài không khí nghỉ ngơi thỏai mái của những ngày Tết, mà phải bắt tay ngay vào công việc của năm mới mang tên Canh Dần.

Mọi người, dù họat động trên lĩnh vực nào, đều nỗ lực phấn đấu hết sức mình, đóng góp tích cực vào nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tiến tới Ngày đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và kết thúc thắng lợi kế họach phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010.