Sau DEHP còn hoá chất nào nữa?

Thông tin chất tạo đục công nghiệp DEHP gây ung thư vừa mới được phát hiện trong một lô sản phẩm thạch rau câu khoai môn mang nhãn hiệu Taro của Cty New Choice Foods ở Bình Dương đang khiến dư luận quan tâm.

Sau DEHP còn hoá chất nào nữa?  - 1

Câu hỏi được đặt ra, ngoài thạch khoai môn, liệu DEHP có được sử dụng trong các sản phẩm nào khác?

Tại cuộc tọa đàm về VSATTP vừa được tổ chức mới đây ở TPHCM, GS Chu Phạm Ngọc Sơn - Chủ tịch Hội Hoá học, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật TPHCM - đã đưa ra hình ảnh minh họa một bé gái chỉ mới 23 tháng tuổi nhưng đã có bộ ngực của trẻ đang dậy thì gây chấn động tại Châu Âu. Qua kiểm tra, phân tích các xét nghiệm, các nhà khoa học đã khẳng định, bé gái trên đã nhiễm DEHP.   

Theo GS Sơn, DEHP (Bis(2-ethylhexyl) phathalate) là một loại hoá chất công nghiệp có trong các loại bao bì, thảm trải nhà, áo đi mưa bằng PVC, DBP (mỹ phẩm)... Điều đáng nói, đây là hoá chất chỉ được dùng trong sản xuất công nghiệp, tuy nhiên, nhiều nhà sản xuất vì lợi nhuận đã sử dụng nó vào trong chế biến thực phẩm. Thực tế đã được chứng minh khi Đài Loan phát hiện đồ uống chứa DEHP có mặt trên thị trường và sản phẩm thạch có hoá chất này cũng đã có ở VN. Đến thời điểm này, không ai dám khẳng định DEHP chỉ xuất hiện trong một loại thạch khoai môn hiệu Taro của Cty New Choice Foods.

Thông thường, trong sản xuất thực phẩm như thạch rau câu, thạch dừa, sữa đậu nành, xirô cam chanh, nước ép hoa quả các loại, hạt trà sữa trân châu... nhà sản xuất đều có sử dụng chất tạo đục. Chất tạo đục trong thực phẩm được chế biến từ nguyên liệu tự nhiên như cùi chanh, cùi cam, vì vậy không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Lý thuyết là thế, nhưng thực tế lại khác, nếu thử so sánh giá của chất tạo đục thông thường và chất tạo đục công nghiệp mới thấy sự có sự chênh lệch quá lớn, gần 10 lần. Chính vì điều này, một số nhà sản xuất đã cố tình chọn chất tạo đục trong công nghiệp để cho vào thực phẩm. Cụ thể, chất tạo đục “xịn” dùng trong chế biến thực phẩm của Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan... thường có giá từ 200.000 – 230.000 đồng/kg và từ 250.000 - 270.000 đồng/kg là hàng của Mỹ, Đức, Australia, Hàn Quốc...

Dân bán hoá chất khẳng định: “Tiền nào của nấy!”, hàng có giá tiền cao thường thể hiện ở chỗ thời gian giữ màu lâu và độ khúc xạ ánh sáng đẹp hơn. Thông thường, chất này giữ màu đục tốt nhất từ 5-7 tháng và sau đó để càng lâu càng trong dần. Trong khi đó, chất tạo đục trong công nghiệp cũng có xuất xứ như trên nhưng giá chỉ từ 30.000 – 40.000 đồng/kg. Nếu thử làm phép so sánh về giá cả đầu vào việc cạnh tranh trên thị trường thì dễ dàng trả lời được câu hỏi tại sao thực phẩm lại có DEHP. 

Cũng cần cảnh báo với nhà sản xuất thiếu lương tâm rằng, tác hại của DEHP rất ghê gớm. Theo các bác sĩ, DEHP nếu dùng trong thực phẩm có thể gây ung thư, phá vỡ tuyến nội tiết và làm thay đổi lượng hoócmôn trong cơ thể. Đối với nữ giới sẽ làm rối loạn hoócmôn sinh dục và giảm lượng tinh trùng đối với nam giới.

Theo GS Sơn, VN hiện nay chưa quản lý chặt chẽ, rạch ròi trong kinh doanh giữa hoá chất trong thực phẩm và hoá chất công nghiệp. Tại chợ sỉ hoá chất Kim Biên ở TPHCM, hoá chất được bán xen lẫn với phụ gia thực phẩm. Chính vì điều này đã tạo kẽ hở cho nhà sản xuất từ lớn đến nhỏ dễ dàng mua và sử dụng hoá chất không nằm trong danh mục cho phép để chế biến thực phẩm, chủ yếu nhằm mục tiêu lợi nhuận. Cụ thể nhất là số liệu trong năm 2005, có 15% số vụ ngộ độc thực phẩm từ hoá chất, thì năm 2010, con số này tăng lên thành 60%.    

    Theo Võ Tuấn
(Báo Lao động)