Sao lại có vụ kỷ luật vô lý như vậy?

Em thấy cách xử phạt đó hoàn toàn thiếu công minh, những kẻ đánh bạn thì bị kỷ thuật thật nhẹ, chỉ tội cho Quỳnh Anh bị đánh và lăng nhục, còn bị kỷ luật nặng!

Một HS lớp 11 của Trường THPT Trần Nhân Tông

 

Em hoàn toàn đồng ý với thầy giáo viết bài nói trên. Tại sao xử phạt với những học sinh đánh bạn tàn nhẫn, lại còn cố ý làm nhục bạn bằng cách quay cảnh đánh đạp dã man rồi tung lên mạng mà sao chỉ bị kỷ luật nhẹ thế; có thể nói rất nhẹ so với Quỳnh Anh. Em thấy cách xử phạt đó đúng là thiếu công minh và thiếu công bằng. Mấy học sinh đánh bạn đó bị kỷ luật chẳng đáng gì, lại trở thành “nổi tiếng” là “dân chơi”, nhiều học sinh khác phải nể và sợ! Chỉ tội cho bạn Quỳnh Anh thôi, người bị đánh mà bị xử phạt rõ nặng, đã thế còn bị bạn bè nói là nhục, là hèn, là ngu vì bị nó đánh mà không dám phản ứng gì. Bị chúng đánh phải ngậm miệng, rồi bị Hội đồng kỷ luật nhà trường xử nặng hơn những kẻ hành hung cũng phải ngậm miệng!

Em cũng là học sinh nên em hiểu cái tính của mấy đứa có hành vi xấu đó, lúc bị trường xử phạt, khóc lóc ghê lắm, xin tha thứ liên tục luôn, nhưng biết đâu đấy. Lời nói gió bay, nói thế thôi chứ có thật lòng hối cải hay không còn phải có thời gian thử thách .

Các thầy cô trong Hội đồng kỷ luật xử như vậy khác nào khuyến khích những học sinh hay gây gổ đánh bạn, bới vì chúng là những kẻ hành hung mà chỉ bị kỷ luật nhẹ hơn người bị đánh cơ mà!

Em rất bức xúc trước những chuyện bất công như vậy, và thấy buồn vì các thấy cô trường mình trong Hội đồng kỷ luật đã không công minh khi xem xét kỷ luật để cho dư luận xã hội phải bất bình, lên tiếng.

 

Chúng em biết những học sinh đánh bạn đó là người như thế nào rồi, nhưng có trường hợp là biết đấy nhưng lại nhảy vào chơi cùng, ùa theo để lấy cái tiếng “Tao chơi được với cái con hôm trước đánh bạn đã đưa lên ti vi đấy, thế là có người bảo kê rồi”. Như thế là cái xấu có cơ hội lan truyền…

Chỉ thiệt cho bạn Quỳnh Anh, tuy bạn đó cũng có lỗi nhưng lỗi đó là do tâm lí sợ hãi của người bị đánh, xử phạt như thế thật quá nặng . Mong thầy cô và nhà trường xem xét lại, chứ kỷ luật kiểu đó không ổn chút nào. Theo em nếu không xử lại vụ này, còn nhiều ý kiến bất bình hơn nữa.

 

Bạn đọc: Nguyễn Đức Thạch

Tôi thấy vụ kỷ luật này, đáng nói nhiều nhất về mức kỷ luật quá nặng nề và không đúng đối Quỳnh Anh. Từ một xích mích rất nhỏ, Quỳnh Anh đã bị Ngọc Diệp tụ tập bạn bè cùng băng nhóm đánh đập và quay phim, làm tổn hại cả thể xác lẫn tinh thần. Chuyện xích mích, va chạm trong cuộc sống là điều khó tránh khỏi, quan trọng là cách xử sự của mỗi người. Quỳnh Anh dù có xô xát đôi chút với Ngọc Diệp trước đó thì lỗi ấy của em hoàn toàn không đáng bị xếp loại hạnh kiểm yếu. Theo thầy Hiệu trưởng, lý do để đưa ra mức độ kỷ luật này đối với Quỳnh Anh là “em va chạm với bạn nhưng lại không báo cáo cô chủ nhiệm mà tự tìm cách giải quyết; hơn nữa, lại không thật thà khi khẳng định với cô giáo rằng mình không có mặt trong clip".

Lý do ấy hoàn toàn không thỏa đáng.

Thứ nhất, sau những va chạm nói trên, trong ý thức của mình, Quỳnh Anh đã xem như khép lại vụ việc, không hề có ý gây gổ gì với bạn thì việc em không báo cáo với giáo viên chủ nhiệm không thể xem là một “lỗi” để hạ hạnh kiểm. Người tìm cách “giải quyết” là Ngọc Diệp chứ không phải Quỳnh Anh, chúng ta không thể “buộc” lỗi vào cho em như vậy.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Thứ hai, để hiểu vì sao em “không thật thà khi khẳng định với cô giáo rằng mình không có mặt trong clip" thì chúng ta cần phải tự đặt mình vào hoàn cảnh của em để có thể thông cảm. Khi bị đánh “hội đồng”, trước sự uy hiếp của số đông, em đã không thể phản kháng. Quá sợ hãi những người bạn hung hãn, em thậm chí còn phải giấu cả bố mẹ mình, chỉ âm thầm chịu đựng nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần thì việc em không dám thừa nhận với giáo viên chủ nhiệm cũng là điều dễ hiểu. Đó chính là sự sợ hãi quá mức vì cảm thấy mình không được bảo đảm an toàn chứ không phải vì “không thật thà” như thầy Hiệu trưởng đã kết luận. Những người vì một xích mích nhỏ đã có thể hành xử dã man như vậy hoàn toàn có thể hành xử tệ hơn nếu em thừa nhận với cô giáo khiến họ bị kỷ luật!

Em Quỳnh Anh đã bị đau đớn về thể xác, bị tổn hại rất nhiều về mặt tinh thần, mong rằng các thầy cô trong Hội đồng kỷ luật đừng làm em bị tổn thương thêm vì quyết định kỷ luật vô lý như thế. Nếu em mất niềm tin vào lẽ công bằng, vết thương tâm hồn sẽ khó lòng khép miệng. Như vậy một quyết định sai của Hội đồng kỷ luật nhà trường có thể dẫn hậu quả tai hại về lâu dài đối với học sinh.

Bạn đọc: H. Hạnh

Tôi đã đọc bài viết trên Diễn đàn Dân trí phản ánh về các hình thức kỷ luật mà trường THPT Trần Nhân Tông đối với các học sinh trong vụ đánh bạn dã man vừa qua. Tôi không thể đồng ý với cách xử phạt như vậy. Không có lý do gì để một người bị đánh đập, sỉ nhục lại bị xử phạt nặng tội hơn những người gây ra vụ đánh “hội đồng” và cố tình lăng nhục người khác. Không hiểu Hội đồng kỷ luật trường THPT Trần Nhân Tông đã suy nghĩ như thế nào hoặc chịu “sức ép” nào mà lại đưa ra một mức phạt thiếu công bằng đến như vậy.

Theo như phản ánh của dân cư mạng thì tình trạng bạo lực học đường ở nước ta hiện nay đã diễn ra ở mức phổ biến, vì vậy cần phải đưa ra một khung xử phạt hợp lý và công bằng để răn đe và giáo dục các em, lập lại kỷ cương nền nếp học đường.

Sự việc xảy ra tại trường THPT Trần Nhân Tông không chỉ dừng lại ở cấp độ trường, hiện nay tất cả những ai đã và đang theo dõi sự việc đều rất quan tâm xem lãnh đạo nhà trường kỷ luật các em như thế nào, nhưng qua sự việc vừa rồi thiết nghĩ có lẽ ban lãnh đạo nhà trường đang cố gắng để “xử phạt” mang tính chất  “xoa dịu” đối với kẻ hành hung và ngược lại xử rất nặng đối với học sinh bị các bạn hành hạ.

Đề nghị các cơ quan quản lý cấp trên của ngành giáo dục vào cuộc để xét xử lại vụ việc này, trả lại sự công bằng cho em Quỳnh Anh để mọi người quan tâm đến vụ việc không còn bức xúc với cách kỷ luật của trường THPT Trần Nhân Tông nữa.

Bạn đọc: Lê Truyền

Tôi rất đồng tình với bài báo đăng trên Dân trí về hình thức kỉ luật chưa đúng người đúng tội; thiết nghĩ hình thức kỉ luật của người bị hại lại là nặng nhất thì rất vô lý.Thử hỏi sau này ai dám lên tiếng đòi công lý nữa. Kiểu xử phạt như trường THPT Trần Nhân Tông có khác nào muốn tuyên bố rằng: học sinh nào bị đánh hãy im miệng lại và tự giải quyết với nhau theo luật giang hồ; không được làm ảnh hưởng tới trường. Thiết nghĩ ban giám hiệu trường này chỉ mang tính hình thức, một khi dư luận quan tâm thì cố làm ra vẻ ta đây có trách nhiệm. Họ không đánh giá đúng tính chất nghiêm trọng để xử cho đúng người đúng tội, đúng pháp luật.

Qua cách làm việc của ban giám hiệu trường THPT Trần Nhân Tông còn nói lên một điều về giáo dục ở nước ta là:coi trọng hình thức, sợ sự thật và không dám đối diện sự thật. Trong công tác quản lý trường chỉ mang tính đối phó với cấp trên và dư luận chứ không thật tâm. Nếu một cỗ máy đào tạo con người mà như thế thì làm sao mà tạo ra một thế hệ trẻ dám nghĩ dám làm dám dấn thân!

Bạn đọc: Nguyễn Đức Hải

Tôi và người dân xung quanh Trường THPT Trần Nhân Tông được biết vụ việc này và thấy rất bức xúc và thề rằng không bao giờ cho con em mình đi học ở đây nữa dù là gần nhà đi lại thuận tiện nhưng làm sao có thể tin cậy để gửi gắm con mình vào cái trường dung dưỡng cho những bất công và tội ác. Đang ở tuổi vị thành niên, lại là con gái mà đánh bạn theo kiểu tra tấn dã man, nhìn cách túm tóc và đấm đá bạn chẳng khác nào bọn côn đồ đích thực. Ấy vậy mà nhà trường lại nhẹ tay với bọn này, và ngược lại, xử thật nặng đối với học sinh bị hành hung. Điều đó đã nói lên lương tâm và phẩm hạnh của ông hiệu trưởng và những giáo viên ở đây.

Bạn đọc: Hồ Văn Vũ

Tôi rất tán thành với ý kến của thầy Đại! Sự thật là trong thời gian gần đây tình trạng học sinh đánh nhau xuất hiện ngày càng nhiều, đó là chưa tính đến “phong trào” học sinh văng tục, chửi bậy đang ngày càng phổ biến. Giáo dục là cái gốc của quốc gia, là khuôn mẫu để con người phát triển toàn diện. Muốn cho cỗ máy giáo dục hoạt động tốt, có hiệu quả thì tất yếu phải lau chùi các “vết bẩn”, phải thay thế các “bộ phận” đã lỗi thời. Cách xử lý vụ việc của Hội đồng kỷ luật trường Trần Nhân Tông khiến tôi cảm thấy thật đau lòng và hết sức bất bình. Tôi nghĩ những người có lương tri, có trách nhiệm với sự phát triển của dân tộc này cũng sẽ nghĩ như vậy. Chúng ta muốn nâng cao chất lượng giáo dục thì trước hết phải nâng cao đạo đức, đó là cái gốc của con người, có cái đức thì mời cần đến cái tài. Muốn khắc phục tình trạng bạo hành học đường  thì phải “trị” tên cầm đầu, phải xử nghiêm minh thì mới có sức răn đe. Theo tôi phải xử mức phạt cao như đuổi học một năm đối với hai học sinh trực tiếp đánh bạn và quay phim tung lên mạng. Tôi rất thất vọng với Hội đồng kỹ luật này, có lẽ các ông, các bà ấy “bị mờ mắt” trước tình trạng bạo hành trong học đường, “bị điếc” trước sự phẫn nộ của dư luận. Theo tôi cơ quan chức năng nên điều tra làm rõ vụ việc này, nếu có khuất tất hay do thiếu năng lực thì xin mời  “các bác” rời khỏi ngành giáo dục cho.

 

 

LTS Dân trí - Không những đông đảo bạn đọc mà cả phụ huynh và học sinh của Trường THPT Trần Nhân Tông đều rất bất bình về kỷ luật không công minh, thậm chí còn thiên vị đối những học sinh có hành động không khác gì bọn côn đồ đối với người bạn cùng học; ngược lại, trường này đã xử lý kỷ luật quá năng đối với học sinh bị đánh đâp, hành hạ. Dư luận đặt câu hỏi: vì sao có sự thiên vị đó, có điều gì khuất tất ở đây. Ông hiệu trưởng và các thành viên trong Hội đồng kỷ luật nhà trường còn giữ được lương tâm trong sạch của người thầy nữa hay không ?

Trả lời câu hỏi này, chúng tôi nghĩ rằng là trách nhiệm của cơ quan quản lý cấp trên của Trường THPT Trần Nhân Tông. Chỉ có xử lý công minh vụ đánh bạn dã man có tính điển hình này, chúng ta mới lập lại được kỷ cương học đường và ngăn chặn kịp thời tình trạng bạo lực học đường đang có chiều hướng gia tăng.