Sân trường đổ máu vì đâu?

(Dân trí) - Chỉ trong vòng 9 ngày xảy ra tới 6 vụ đánh “hội đồng”. Quả là một con số đau lòng và đáng báo động cho đạo đức học đường của giới trẻ hiên nay. Xin được điểm lại 6 vụ việc nổi cộm trong 9 ngày qua.

Những câu chuyện đau lòng

Ngày 10/3/2010, cộng đồng mạng xôn xao vì đoạn phim một nữ sinh bị đánh “hội đồng” rất dã man ở một vườn hoa ngay giữa Hà Nội nhưng không ai can ngăn. Sau khi dư luận lên tiếng, Sở Giáo dục - đào tạo và Công an TP Hà Nội vào cuộc, đến ngày 15/3 đã có kết quả điều tra. Cơ quan công an xác định vụ việc bắt nguồn chỉ vì cái giẫm chân trong giờ ra chơi. Có đến 10 cá nhân liên quan vụ việc, trong đó chủ yếu là học sinh lớp 10, 11.

Ngày 15/3, một đoạn phim mới xuất hiện trên mạng quay cảnh một nữ sinh bị đánh “hội đồng” và lột áo dài gần 4 phút. Có ba cô gái trực tiếp thay phiên nhau đánh với gần 10 thanh niên khác đứng xung quanh.

Ngày 17/3, tại Bình Dương xôn xao đoạn phim quay bằng điện thoại cảnh bốn học sinh nữ cùng nhảy vào xé áo, kéo tóc, ném dép vào người rồi đạp và tát vào mặt một học sinh nữ khác. Sự việc được thầy hiệu trưởng Trường THPT Bình Phú (thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương) xác định diễn ra ở trường này.

Trưa 17/3 ở cổng Trường cấp III dân lập Victoria Hoàng Diệu (Hà Nội), hai thanh niên bất ngờ rút dao giấu trong áo chém tới tấp làm học sinh N.M.T. (lớp 11D6 trường này) nhập viện.

Chiều 18/3, em N.T.T.L., học sinh lớp 11 Trường THPT Phan Bội Châu, TP Pleiku (Gia Lai), bị một nhóm học sinh đánh ở cổng trường. Nhóm học sinh sau đó chở L. vào rừng thông rồi quay lại đánh tiếp N.T.T.H.. Đến tối cùng ngày, nhóm học sinh trên mới chở em L. về nhà.

Ngày 19/3, tin từ Gia Lai cho biết chiều 13/3, thấy bạn cùng phòng trong ký túc xá bị đánh, L.V.L. (học sinh lớp 8) vào can ngăn và xảy ra xô xát với U.G.S. (lớp 7). Sau đó L. đã đến nhận lỗi với S... Khoảng 11g30 ngày 14/3, S. cùng hai học sinh T.T.H. và L.B.H. tìm đến phòng của L. ở ký túc xá để đánh “hội đồng”. Hậu quả L. bị tụ máu dưới da đầu và đa chấn thương phần mềm (theo kết luận của bệnh viện).

Trước đó năm 2009, cũng liên tiếp xảy ra nhiều vụ bạo lực học đường, trong đó có vụ đã tước đi sinh mạng của học sinh khiến dư luận xã hội hoang mang, lo lắng. Phải chăng bạo lực học đường đã trở thành căn bệnh trầm kha của ngành giáo dục?

Thiếu kỹ năng sống

Trong số rất nhiều những vụ việc nói trên, khi tìm hiểu nguyên nhân thì thật bất ngờ, có những “hung thủ” bản tính vốn rất hiền lành nhưng chỉ vì một xích mích, mâu thuẫn nhỏ với bạn bè mà đã có những hành động nông nổi, đáng tiếc như báo chí phản ánh.

Theo các chuyên gia tâm lý, nguyên nhân ở đây là do các em thiếu kỹ năng sống, đó là “kỹ năng mềm” trong ứng xử với các mối quan hệ xã hội. “Kỹ năng mềm” được hình thành qua các hoạt động xã hội, Đội, Nhóm...Thế nhưng trong các trường học hiện nay, có thể dễ nhận thấy là rất thiếu sân chơi để hình thành những “kỹ năng mềm”, các trường hầu như chỉ lo nhiệm vụ dạy chữ chứ chưa làm tốt nhiệm vụ dạy người. Cụ thể là các hoạt động Đoàn chỉ mang tính phong trào, không hiệu quả, chưa thực sự là sân chơi bổ ích, thu hút được đông đảo học sinh tham gia. Bên cạnh đó, những hoạt động ngoại khoá cũng chưa hiệu quả. Có thể khẳng định, nơi nào có thanh niên vi phạm thì nơi đó tổ chức Đoàn, Hội chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ. Môi trường sinh hoạt, hoạt động của tổ chức Đoàn, Hội ở đó chưa thật sự hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của thanh thiếu niên, chưa tổ chức tốt, hiệu quả các hoạt động rèn luyện kỹ năng ứng xử văn hóa, phòng ngừa bạo lực trong thanh thiếu niên.

Vì thế khi được hỏi về giải pháp cho tình trạng bạo lực học đường, tiến sĩ Vũ Thanh Mai - phó trưởng ban thanh niên trường học Trung ương Ðoàn - cho biết: "Chương trình hành động của Ðoàn luôn đặt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho thanh thiếu niên là nhiệm vụ hàng đầu và thường xuyên. Ðoàn thanh niên luôn có nhiều phong trào, môi trường lành mạnh cho thanh thiếu niên, học sinh sinh hoạt, hướng các em đến những giá trị chân, thiện, mỹ, tránh xa các hoạt động thiếu lành mạnh. Như vậy bạo lực học đường được ngăn chặn từ đầu khi chưa hình thành, chứ không phải để khi xảy ra vụ việc cụ thể mới tìm cách xử lý, lúc đó bị xem là mang tính đối phó".

Thiết nghĩ, đã đến lúc xem trọng việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh bằng việc tạo ra nhiều sân chơi lành mạnh, bổ ích, trong đó chú trọng đẩy mạnh hiệu quả hoạt động Đoàn, Hội, và tổ chức sinh hoạt ngoại khoá phong phú và thiết thực.

 

Thu Thuỷ