Sai phạm khủng tại khu nghỉ dưỡng “Điền viên thôn”: Chủ đầu tư có thể bị xử lý hình sự!

(Dân trí) - Vụ việc hơn 50 căn biệt thự tại Khu nghỉ dưỡng Điền Viên Thôn (Yên Bài - Ba Vì – Hà Nội) của Công ty CP Đầu tư Thăng Long Xanh được xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp vẫn đang được dư luận đặc biệt quan tâm bởi mức độ sai phạm khủng. Vậy những cá nhân, đơn vị liên quan sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào?

Từ năm 2011, các công trình xây dựng trên đất nông nghiệp, sử dụng đất sai mục đích trong khu nghỉ dưỡng này đã được kiểm tra, lập biên bản vi phạm và ban hành quyết định xử lý. Tuy nhiên, cho tới nay, mặc cho báo chí đã liên tiếp thông tin về sai phạm khủng trong dự án, các căn biệt thực vẫn đang tồn tại và được chào bán trên các trang mạng. Vậy cơ quan nào, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm đối với những sai phạm trong việc xây dựng trên và trách nhiệm của cơ quan, cá nhân đó ra sao? Chúng tôi đã có buổi trao đổi với Luật sư Phan Thị Lam Hồng - Giám đốc Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội để làm rõ hơn về vấn đề này.


Luật sư Phan Thị Lam Hồng: Với sai phạm khủng tại khu nghỉ dưỡng Điền viên thôn, chủ đầu tư có thể bị xử lý hình sự.

Luật sư Phan Thị Lam Hồng: Với sai phạm khủng tại khu nghỉ dưỡng Điền viên thôn, chủ đầu tư có thể bị xử lý hình sự.

PV: Thưa luật sư, xin luật sư cho biết ai là người phải chịu trách nhiệm đối với việc xây dựng trái phép các căn biệt thự tại xã Yên Bài, huyện Ba Vì?

Luật sư Phan Thị Lam Hồng: Ở đây, việc xây dựng Khu nghỉ dưỡng Điền Viên Thôn của Công ty CP Đầu tư Thăng Long Xanh đã có sai phạm đó là: Sử dụng đất không đúng mục đích (xây dựng công trình trên đất nông nghiệp) và xây dựng công trình mà không lập dự án đầu tư, không lập báo cáo đầu tư xây dựng và xây dựng mà không có giấy phép xây dựng.

Căn cứ theo quy định tại Điều 143 Luật Đất đai năm 2003 thì Chủ tịch UBND các cấp có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương. Cụ thể, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm phát hiện và ngăn chặn kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép; phát hiện và áp dụng các biện pháp ngăn chặn kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.

Về phía UBND cấp huyện: tại Điều 100 Luật tổ chức HĐND và UBND cũng đã quy định trong lĩnh vực xây dựng, UBND cấp huyện có nhiệm vụ đó là Quản lý việc xây dựng, cấp giấy phép xây dựng và kiểm tra việc thực hiện pháp luật về xây dựng; tổ chức thực hiện các chính sách về nhà ở; quản lý đất ở và quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn.

Sai phạm khủng tại khu nghỉ dưỡng “Điền viên thôn”: Chủ đầu tư có thể bị xử lý hình sự! - 2
Sai phạm khủng tại khu nghỉ dưỡng “Điền viên thôn”: Chủ đầu tư có thể bị xử lý hình sự! - 3

Hàng chục biệt thự mọc trên đất nông nghiệp thể hiện sự tê liệt của hệ thống chính quyền huyện Ba Vì.

Hàng chục biệt thự "mọc" trên đất nông nghiệp thể hiện sự tê liệt của hệ thống chính quyền huyện Ba Vì.

Ngoài ra, theo quy định tại Nghị định số 46/2005/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Xây dựng (đã được thay thế bằng Nghị định 26/2013/NĐ-CP) và Thông tư liên tịch số 20/2008/TTLT-BXD-BNV ngày 16/12/2008 của Bộ Xây dựng và Bộ Nội vụ Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp xã về các lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc ngành Xây dựng thì trách nhiệm của Đội thanh tra xây dựng cấp huyện là tổ chức thực hiện các hoạt động nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm hành chính về lĩnh vực hoạt động quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng, lập hồ sơ và đề xuất tới người có thẩm quyền để xử lý hành vi vi phạm trong lĩnh vực phụ trách.

Như vậy, đối với hành sử dụng đất không đúng mục đích, xây dựng công trình vi phạm pháp luật xây dựng của chủ đầu tư xây dựng Khu nghỉ dưỡng Điền Viên Thôn thì trách nhiệm ở đây thuộc về các tổ chức, cá nhân đó là: Ủy ban nhân dân huyện Ba Vì, chủ tịch UBND huyện Ba Vì, UBND xã Yên Bài, chủ tịch UBND xã Yên Bài và Đội thanh tra xây dựng huyện Ba Vì.

Về phía chủ đầu tư xây dựng công trình: Công ty CP Đầu tư Thăng Long Xanh đã có hành vi vi phạm pháp luật đất đai và pháp luật xây dựng đó là: Sử dụng đất không đúng mục đích và xây dựng công trình không được sự cho phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Do đó, chủ đầu tư cũng sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hành vi vi phạm của mình.

PV: Vậy trách nhiệm của những cá nhân đã có sai phạm được pháp luật quy định ra sao thưa luật sư?

Luật sư Phan Thị Lam Hồng:

Thứ nhất là đối với chủ đầu tư xây dựng công trình:

Ở đây, chủ đầu tư đã có các hành vi vi phạm quy định của pháp luật đó là: Hành vi sử dụng đất không đúng mục đích (hành vi bị nghiêm cấm theo Điều 15 Luật Đất đai năm 2003); hành vi xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng (là hành vi bị nghiêm cấm theo khoản 2 Điều 10 Luật Xây dựng năm 2003).

Với cách hành vi vi phạm này, chủ đầu tư có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 105/2009/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai và Nghị định 121/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng…

Tuy nhiên, vì việc sử dụng đất không đúng mục đích đã diễn ra từ trước năm 2011 nên căn cứ theo quy định tại Điều 4 Nghị định 105/2009/NĐ-CP thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đã hết. Do đó, chủ đầu tư sẽ không bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà chỉ bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điều 5 của Nghị định 105/2009/NĐ-CP (biện pháp buộc khôi phục tình trạng ban đầu…).

Sai phạm khủng tại khu nghỉ dưỡng “Điền viên thôn”: Chủ đầu tư có thể bị xử lý hình sự! - 5
Sai phạm khủng tại khu nghỉ dưỡng “Điền viên thôn”: Chủ đầu tư có thể bị xử lý hình sự! - 6

Sau khi xây trái phép, mỗi căn nhà vườn tại dự án Điền viên thôn được rao bán tràn lan với giá lên tới trên dưới 1 tỷ đồng.

Sau khi xây trái phép, mỗi căn nhà vườn tại dự án Điền viên thôn được rao bán tràn lan với giá lên tới trên dưới 1 tỷ đồng.

Đối với hành vi xây dựng trái phép: căn cứ theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP thì thời hiệu để xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng là 02 năm. Thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là thời điểm chấm dứt hành vi và đối với đối với dự án đầu tư xây dựng công trình thì thời điểm chấm dứt hành vi là ngày dự án được bàn giao, đưa vào sử dụng . Xét ở đây, theo thông tin phản ánh thì việc xây dựng công trình vẫn đang được tiến hành (04 căn đang trong quá trình hoàn thiện). Do đó, tính đến thời điểm phát hiện hành vi vi phạm thì hành vi vi phạm của chủ đầu tư vẫn đang còn thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính. Theo quy định tại Điều 35 Luật Xây dựng 2003, Điều 13 Nghị định 12/2009/NĐ-CP thì công trình xây dựng này thuộc trường hợp phải lập dự án do đó, căn cứ theo quy định tại điểm c, khoản 6 Điều 13 Nghị định 121/2013/NĐ-CP thì việc chủ đầu tư xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng có thể bị xử phạt hành chính như sau:

“6. Phạt tiền đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng như sau:

c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với xây dựng công trình thuộc trường hợp phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình hoặc lập dự án đầu tư xây dựng công trình.”.

Ngoài ra, căn cứ theo quy định tại Điều 270 Bộ luật hình sự thì:

Điều 270. Tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở

Người nào chiếm dụng chỗ ở, xây dựng nhà trái phép, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Nhà ở, công trình xây dựng trái phép có thể bị dỡ bỏ, trưng mua hoặc tịch thu.

2. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.”.

Xét cấu thành tội này có thể thấy rằng:

Hành vi khách quan của tội này đó là hành vi chiếm dụng chỗ ở trái phép hoặc hành vi xây dựng trái phép (xây dựng công trình mà không được sự cho phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền). Người phạm tội thực hiện hành vi với lỗi cố ý.

Điều này có nghĩa là nếu trước khi xây dựng công trình này, chủ đầu tư (Công ty CP Đầu tư Thăng Long Xanh) đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm dụng chỗ ở hoặc hành vi xây dựng công trình trái phép hoặc đã bị kết án về tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở mà chưa được xóa án tích thì việc chủ đầu tư xây dựng biệt thự thuộc Khu nghỉ dưỡng Điền Viên Thôn mà không có giấy phép sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở theo Điều 270 của Bộ luật hình sự do đã thỏa mãn cấu thành của tội này.

Thứ hai, về trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước:

Như đã chỉ ra ở trên, đối với các sai phạm của chủ đầu tư, UBND xã Yên Bài, UBND huyện Ba Vì và Đội thanh tra xây dựng huyện Ba Vì cũng có trách nhiệm do đã không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình. Sai phạm này thuộc về công chức, viên chức thuộc các cơ quan này.

Căn cứ theo quy định tại Điều 1 Nghị định 81/2013/NĐ-CP Hướng dẫn thi hành Luật xử phạt vi phạm hành chính thì việc xử lý đối với cán bộ, công chức, viên chức và cơ quan nhà nước thực hiện hành vi vi phạm quy định khi đang thi hành công vụ, nhiệm vụ được giao, các cán bộ, công chức, viên chức có sai phạm có thể bị xử lý kỷ luật với hình thức như sau:

+ Với viên chức: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc (Nghị định 27/2012/NĐ-CP).

+ Với công chức: Khiển trách; Cảnh cáo; Hạ bậc lương; Giáng chức; Cách chức; Buộc thôi việc (Nghị định 34/2011/NĐ-CP).

Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ, hành vi vi và hậu quả, những cá nhân trên cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 285 BLHS) nếu thỏa mãn cấu thành tội phạm của tội phạm này.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, do việc để xảy ra vi phạm là từ trước năm 2011 và kéo dài cho đến nay nên có thể cán bộ, công chức, viên chức có vi phạm đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu. Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Nghị định 34/2011/NĐ-CP thì: Trường hợp công chức đang nghỉ công tác chờ làm thủ tục hưu trí mà bị phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian thi hành công vụ thì cơ quan, tổ chức, đơn vị dừng việc giải quyết thủ tục hưu trí cho đến thời điểm có quyết định kỷ luật hoặc có kết luận công chức không vi phạm pháp luật của người có thẩm quyền xử lý kỷ luật.

Việc xây dựng trái pháp luật của Công ty CP Đầu tư Thăng Long Xanh đã kéo dài suốt nhiều năm nay. Mặc dù các cơ quan đã có biên bản xác định rõ vi phạm của chủ đầu tư nhưng đã hơn 05 năm nay, chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp xử lý dẫn tới việc chủ đầu tư vẫn ngang nhiên thực hiện hành vi vi phạm (số lượng công trình vi phạm đã lên tới hơn 50 căn hộ). Điều này không chỉ cho thấy sự “tê liệt” của chính quyền địa phương trước những sai phạm vô cùng nghiêm trọng của chủ đầu tư mà còn gây mất niềm tin của nhân dân vào chính sách pháp luật của nhà nước, gây nhiều bức xúc trong dư luận. Các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc để làm rõ các sai phạm của các cá nhân, tổ chức có liên quan, xử lý kịp thời các sai phạm này đồng thời thắt chặt hơn việc quản lý đất đai và trật tự xây dựng trên địa bàn.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế - Thanh Trầm