Hà Nội:

Quản lý đất đai tại quận Long Biên: Chỉ là sự “nhầm lẫn”?

(Dân trí) - Sau bài viết “Cưỡng chế thu hồi đất trái luật tại quận Long Biên” được đăng tải, đã có rất nhiều bạn đọc đồng tình, ủng hộ và cung cấp thêm cho Dân trí nhiều vụ việc liên quan đến quy trình thu hồi đất đang gây bức xúc tại địa bàn Quận Long Biên.

Gia đình bà Liễu mong đợi sự vào cuộc giải quyết dứt điểm nội dung khiếu nại từ UBND quận Long Biên
Gia đình bà Liễu mong đợi sự vào cuộc giải quyết dứt điểm nội dung khiếu nại từ UBND quận Long Biên
 
Bà Nguyễn Thị Liễu (SN 1957) có chồng là ông Đinh Công Bạt (SN 1954) cùng ngụ tại Tổ 7, Tư Đình, phường Long Biên, quận Long Biên gửi đơn đến Dân trí trình bày một sự việc “nhầm lẫn” rất hy hữu trong việc quản lý đất đai tại quận Long Biên liên quan đến 02 thửa ao nhà bà, khiến bà cùng một lúc mất 02 thửa ao.

Ao cho HTX mượn bị… người khác sử dụng!

Năm 1949, bố chồng bà Nguyễn Thị Liễu là cụ Đinh Văn Thẩm mua một cái ao của cụ Vũ Văn Đanh được xác lập bởi “Bản văn tự bán đứt ao” ngày 14/8/1949, có điểm chỉ và kí tên của vợ chồng ông Đanh (bên bán). Gia đình cụ Thẩm sử dụng diện tích ao trên thả cá.

Đến năm 1968, thực hiện chính sách phát triển HTX của nhà nước, chủ nhiệm HTX nhỏ là ông Vũ Văn Thỏa mượn (thỏa thuận bằng miệng) ao này của cụ Thẩm để ươm cá giống, đến khi cá lớn thì thả ra các ao to của làng Tư Đình. Sau đó, ông Thỏa tự ý đưa ao của cụ Thẩm vào ao tập thể mà không được sự đồng ý của vợ chồng cụ.

Năm 1978 khi HTX nông nhiệp Hợp nhất toàn xã Long Biên thành lập thì các ao tư nhân đều được trả lại cho chủ cũ. Gia đình ông Thẩm cũng đã viết đơn đòi lại ao nhưng chưa được trả lại. HTX vẫn quản lý diện tích ao này.

Năm 1986, gia đình ông Thẩm đề nghị Chủ tịch UBND xã Long Biên trả lại ao nhưng Chủ tịch UBND xã Long Biên khẳng định: do bờ của diện tích ao trên bị phá liền với ao sen to giữa làng nên rất khó khăn để giải quyết. Và HTX sử dụng quản lý cho đến năm 1993.

Và rồi, không hiểu nhờ sự “phù phép” nào, thửa ao trên lại đương nhiên nằm trong bản đồ đo vẽ năm 1993 -1994 của UBND phường Long Biên bằng tên 02 người khác. Đó là 02 gia đình liền kề, gồm ông Nguyễn Văn Dương lấn gần 200m2 tại thửa số 234 (có tổng diện tích là 493m2), và bà Nguyễn Thị Long chiếm hơn 100m2 tại thửa số 212 (có tổng diện tích là 248m2).

Cụ Thẩm mất, bà Liễu tiếp tục thay bố chồng khiếu nại đến các cơ quan công quyền. Và ngày 24/01/2005, UBND TP. Hà Nội đã có công văn số 261/UB-NNĐC yêu cầu UBND quận Long Biên điều tra, xác minh nguồn gốc thửa đất số 212 và 234 trên. Tại cuộc họp với UBND, ông Dương và bà Long đã thừa nhận là tự lấn chiếm ao công.

Tưởng như sự thừa nhận lấn chiếm đất công của ông Dương, bà Long sẽ là căn cứ để xác minh, làm rõ nguồn gốc đất đai, để rồi cấp có thẩm quyền có hướng giải quyết tích cực đối với diện tích ao gia đình bà Liễu bị lấn chiếm. Thế nhưng, sự việc thậm chí còn diễn biến theo chiều hướng phức tạp hơn. Tranh chấp chưa giải quyết xong, năm 2005, UBND quận Long Biên còn đồng ý cho ông Nguyễn Văn Dương chia tách thửa đất số 234 thành 04 mảnh và còn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ba mảnh, gồm: mảnh 234-2 diện tích 100m2 mang tên ông Nguyễn Mạnh Cường, mảnh 234-3 diện tích 100m2 mang tên ông Nguyễn Văn Hùng, mảnh 234-3 diện tích 100m2 mang tên ông Nguyễn Quang Điệp theo Quyết định số 2397/QĐ-UB ngày 30/12/2005.
Công văn của Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước
Công văn của Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước
đề nghị UBND TP. Hà Nội giải quyết khiếu nại của bà Nguyễn Thị Liễu

Ao không cho HTX mượn cũng bị…thu hồi

Năm 1954, trước khi đi di cư vào Nam, ông Đinh Văn Toàn đã viết giấy ủy quyền ngày 09/8/1954 cho cụ Đinh Văn Thẩm (bố chồng bà Liễu) quản lý, sử dụng toàn bộ diện tích 493m2 đất ao. Từ khi nhận diện tích ao trên, gia đình bà Liễu đã quản lý và sử dụng, không hề có tranh chấp nào trong suốt từ năm 1954 đến năm 2002. Trước năm 1993, gia đình bà thực hiện nghĩa vụ sử dụng đất đai với Ban bảo quản Công giáo; và từ năm 1993 đến nay, gia đình bà tiếp tục thực hiện nghĩa vụ thuế đất cho nhà nước đối với quyền sử dụng thửa ao này.

Năm 2002, bà Đinh Thị My là cháu gái của cụ Thẩm gửi đơn tranh chấp về quyền sử dụng đất, cho rằng bà My cũng có quyền quản lý và sử dụng chung diện tích 493m2 đất ao này. Theo các quy định của pháp luật về đất đai năm 1993, các bên đã tìm đến UBND phường Long Biên (trước là UBND xã Long Biên) để giải quyết.

Tuy nhiên, thay bằng giải quyết tranh chấp dân sự giữa hai bên, UBND phường Long Biên đã ban hành báo cáo số 119/BC-UB ngày 19/4/2003 với nhận định rằng: Trước năm 1954 diện tích 493m2 đất ao là của ông Đinh Văn Toàn; sau năm 1954 ông Đinh Văn Toàn di cư vào miền Nam sinh sống, để lại toàn bộ đất, tài sản hoa màu trên thửa đất đó và không giao cho ai quản lý và sử dụng; từ năm 1958 đến năm 1977, với quan niệm diện tích 493m2 đất ao trên là vô chủ, không ai sử dụng nên Hợp tác xã nông nghiệp thôn Tư Đình (sau này là Hợp tác xã nông nghiệp hợp nhất xã Long Biên) đứng ra quản lý và sử dụng.

Không hiểu UBND phường Long Biên căn cứ vào đâu mà nhận định thửa ao do gia đình bà Liễu sử dụng liên tục trong suốt gần 60 năm là “ao vô chủ” và do HTX quản lý? Trong khi đó, ông Vũ Văn Thịnh chủ nhiệm HTXNN phường Long Biên và ông Nguyễn Trung Tình (thành viên Ban kiểm soát HTX) thừa nhận: “HTXNN không quản lý ao của ông Đinh Văn Thẩm và ao vẫn để cho gia đình sử dụng”.

Phải chăng, do nhầm lẫn giữa hai thửa ao của gia đình cụ Thẩm mà UBND phường Long Biên đã nhận định thiếu căn cứ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình bà Liễu?

Căn cứ vào báo cáo số 119 của UBND phường Long Biên, UBND quận Long Biên (trước là UBND huyện Gia Lâm) đã ban hành quyết định số: 2060/QĐ-UB ngày 03/12/2003 quyết định thu hồi diện tích 493m2 đất ao và giao cho UBND phường Long Biên quản lý và lập kế hoạch sử dụng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bà Liễu khiếu nại quyết định này thì UBND TP. Hà Nội đã bác khiếu nại của bà tại Quyết định số 4940/QĐ-UBND ngày 10/12/2007.

Cũng như gia đình bà Yến, suốt nhiều năm qua, bà Liễu cũng bỏ bê ruộng vườn, nhẫn nại đi kêu cứu khắp các cơ quan có thẩm quyền những mong tìm được công lý. Thế nhưng lời khẩn cầu của gia đình bà đến nay vẫn chưa được bất kỳ cơ quan chức năng nào giải đáp. Dù cho ngày 11/5/2012, Đại biểu Quốc hội khóa XIII Nguyễn Sơn và ngày 16/5/2012 Trụ sở tiếp dân của Trung ương Đảng và Nhà nước đã chuyển đơn thư của gia đình bà đến UBND TP. Hà Nội chỉ đạo, yêu cầu xem xét, giải quyết.

Trong khi gia đình bà Liễu đang chờ đợi kết luận của cơ quan chức năng về vụ việc thì ngày 04/05/2012 UBND TP. Hà Nội lại tiếp tục ban hành quyết định số:1858/QĐ-UBND về việc thu hồi 463m2 đất tại tổ 7 Tư Đình do UBND phường Long Biên quản lý, tức diện tích đất ao của gia đình bà Liễu.

Như vậy, bỗng dưng gia đình bà Liễu bị xâm phạm cả 02 thửa ao có nguồn gốc hợp pháp. Ngược lại, người lấn chiếm đất ao nhà bà thì được chính quyền cho phép mua bán, cấp GCNQSDĐ ngay khi đang có tranh chấp. UBND quận Long Biên vô tình hay hữu ý khi làm mọi việc ngày càng trở nên phức tạp? Đề nghị các cơ quan chức năng kịp thời chỉ đạo giải quyết triệt để vụ việc này, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Ngày 24/7, trao đổi với PV Dân trí, bà Liễu cho biết, hiện nay bà đã gửi đơn khởi kiện yêu cầu hủy quyết định số 4940/QĐ-UBND ngày 10/12/2007 của UBND TP. Hà Nội đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền.
 
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Vũ Văn Tiến