Quan hệ láng giềng: Đôi điều muốn nói

Mối quan hệ Láng giềng - cần thiết lắm, hệ trọng lắm. Bởi đó là mỗi quan hệ gần gũi, gắn bó cuộc đời chúng ta với cộng đồng, có ý nghĩa quyết sự yên bình trong cuộc sống hằng ngày.

Có lần một cháu thanh niên hỏi tôi: “Tại sao đã có câu anh em như thể tay chân , lại có câu: bán anh em xa mua láng giềng gần?”. Tôi biết rằng, ngay cả khi cố ý hiểu “anh em xa” trong trường hợp này, có ý ám chỉ quan hệ họ hàng… xa, chứ không phải anh em ruột thịt… sinh sống ở nơi xa, thì cũng vẫn không thỏa đáng - bởi vì chúng ta còn thường nói: “một giọt máu đào hơn ao nước lã” và “khác máu tanh lòng”! Vậy thì “bán” và “mua” trong trường hợp này, nên hiểu là thế nào? Tôi ngờ rằng câu nói đó rất… sặc mùi “thị trường”. Tức, câu “bán anh em xa” và đặc biệt là câu  “mua láng giềng gần”, chỉ có mỗi một nghĩa đen mà thôi! Bán cái quan trọng này để mua cái khác quan trọng hơn - sự bình yên!

Kiểm lại cuộc sống hàng ngày, cái ý “mua” láng giềng gần trong thời hiện tại, khá là phổ biến. Người ta có thể mâu thuẫn với kẻ xa lạ, chứ rất ngại va chạm với hàng xóm láng giềng. Cùng một sự việc, nếu xẩy ra ở giữa đường, giữa chợ, chúng ta sẵn sàng tranh luận phải, trái; nhưng nếu với hàng xóm, nhất là hàng xóm cận kề, sát vách; chắc là chả ai dám… làm rõ trắng đen.
 
Đọc lại vài trang báo cũ để thấy rõ hơn vấn đề này:          

(LĐ) - Tết này là cái tết thứ ba các bàn thờ trong nhà ông Đỗ Đức Trạch (75 tuổi, ngụ ấp Chợ - Kinh Nước Mặn, xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước), trong đó có 1 bàn thờ liệt sĩ, chịu cảnh ngổn ngang với các vật dụng thờ cúng bị đập vỡ.

Đã 6 đám giỗ và 2 lần rước, tiễn ông bà vào dịp Tết, ông Trạch phải bày cúng ngoài sân. Mặc dù ông Trạch đã nhiều lần gửi đơn khiếu nại, kể cả đến cấp T.Ư nhưng sự việc vẫn chưa được xem xét, xử lý.

(VietNamNet) - Hà Nội: Một gia đình bị hàng xóm bịt cổng ra vào

Cửa bị xây kín, gia đình bị nhốt gửi đơn kêu cứu Ngày 24/1/2006 Văn phòng chính phủ có công văn hỏa tốc gửi UBND TP.Hà Nội có nội dung : “Đề nghị UBND TP.Hà Nội giải quyết dứt điểm vụ việc nói trên theo pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của công dân, thông báo cho Văn phòng Chính phủ biết kết quả giải quyết”.

Ông Trần Đức Tiến cho biết: “Tôi đã mất hết niềm tin vào các cơ quan chức năng, có cảm giác là công dân sống giữa Thủ đô nhưng vẫn bị các cơ quan chức năng “bỏ rơi”.

Kể từ ngày bị hàng xóm bịt mất lối đi (14/9/2005), sau nhiều động thái quan tâm của chính quyền địa phương (ông chủ tịch UBND TP.Hà Nội cũng phải trèo tường mới vào thăm được gia đình), gia đình ông Tiến vẫn lầm lũi sống trong "nhà không cửa"

TTXVN (12/5/2008): Hai cụ già bị hàng xóm "nhốt" suốt 2 năm

Đó là cụ bà Nguyễn Thị Kim Uyên và cụ Nguyễn Thị Phương Nhã thuộc xóm Gò Thờ, thôn Phú Hữu, xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc.

Mới đây, phóng viên TTXVN thường trú tại địa phương đã trực tiếp đến nơi và chứng kiến hoàn cảnh của các cụ đã trình bày trong đơn, gửi các cơ quan chức năng: từ 2 năm nay, các cụ không có lối ra, con cháu muốn vào thăm cũng phải bắc thang trèo qua tường.

Mọi thứ đồ ăn thức dùng phải đưa qua lỗ tường khoét, khi hai cụ đau ốm phải nhờ thày thuốc trèo tường vào khám ! Đến ngày 28 tết Mậu Tý vừa qua, hộ ông Nguyễn Khắc Lành có chung tường với hai cụ thương tình cho phép đục tường thông sang nhà họ để đi ra !

Cụ Nguyễn Thị Kim Uyên sinh năm 1935, có 2 người anh trai là liệt sĩ.Cụ Nguyễn Thị Phương Nhã sinh 1948 đã 40 năm tuổi đảng. Hai cụ đều là cán bộ, công nhân viên nhà nước nghỉ hưu, đều goá chồng.          

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Đấy là những chuyện lớn, chuyện “tầy đình”. Hãn hữu thôi. Còn thường ngày, thì nhiều vấn đề tưởng như rất nhỏ nhặt, nhưng lại nan giải khó xử lắm như cái chuyện “con chó, con mèo”, cạnh khóe, đổ phân đổ rác sang địa phận nhà nhau, thì… như “cơm bữa” rồi! Xin kể chuyện này: Khu nhà tập thể nọ, vốn không phải là đường phố kinh doanh, Nhà nước xây nên từ thời bao cấp, với mục đích để làm chỗ ở cho các gia đình. Nay có một gia đình bán lại cho một chủ mới. Chủ mới này mở cửa hàng sản xuất hàng cơ khí, suốt ngày từ sáng tinh mơ tới chiều tối, cứ chan chát tiếng đe, tiếng búa, tiếng máy khoan, máy hàn… Rồi hơi sơn xì, hơi thép cháy,… Môi trường bị ô nhiễm, ảnh hưởng nhiều nhất là những gia đình hàng xóm cận kề. Nhưng nói ra thì dễ bị quy kết là “ghen ăn tức ở”, im lặng thì chịu không nổi!
 
Cũng có lần bạo dạn lắm, mới sang tỉ tê: “bác ơi, đúng là công việc kiếm sống hàng ngày của bác, nhưng bác sống thì bác cũng phải cho chúng tôi sống với chứ?!.”. Nghe hợp lý quá, ông chủ cơ khí cũng đành cho thu gọn lại ít hôm. Chỉ ít hôm thôi, rồi đâu lại vào đấy; bởi “Hợp đồng nhà cháu kì này nhiều quá,phải gọi thêm thợ làm khẩn trương cho khách! Mong mọi người thông cảm!”.
 
Chính quyền đường phố cũng… lờ. Sát nhất là tổ trưởng, là bí thư chi bộ… Nhưng mấy vị này lại hay có mặt chén chú chén anh với ông chủ trẻ này lắm. Thế là đành hậm hực. Hậm hực sống, hậm hực tức tối, hậm hực bất mãn, hậm hực chửi… đổng. Vâng, chỉ hậm hực thôi!

Phải chăng chính vì vậy, mà từ rất xa xưa, cha ông ta đã sớm xây dựng những Hương ước, nhằm thống nhất hóa, tiêu chuẩn hóa các mối quan hệ, các sự ràng buộc xã hội trong phạm vi một làng xóm. Quyền tự do của mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi họ tộc, dù đặc thù thế nào, cũng nhất thiết phải tôn trọng nguyên tắc chung đã được xây dựng, đã được cụ thể hóa trong mỗi hương ước. Việc xử lý, nhờ thế mà đơn giản, tránh được những va chạm, mâu thuẫn không đáng có; củng cố thêm mối quan hệ hàng xóm, láng giềng. Hương ước là sản phẩm của làng xã và việc dùng hương ước để quản lý xã hội tồn tại song song với pháp luật, từng giữ vai trò là công cụ để điều chỉnh các mối quan hệ trong cộng đồng và để quản lý làng xã. Nó là phương tiện để chuyển tải pháp luật và tư tưởng Nho giáo vào làng xã, hỗ trợ và bổ sung cho pháp luật. 

Và nếu liên hệ rộng ra, “hàng xóm” còn là đồng nghiệp, cùng cơ quan, thì ta càng thấy cái “lẽ đời” cứ phải né tránh “láng giềng” như vậy, thật sự là hiện tượng phổ biến. Không vậy, không  sống… bình yên được! Nếu anh (hay chị) lại “đang phấn đấu”, đang có “hướng phát triển”…thì cái sự “quan hệ”với “hàng xóm”, lại càng phải chu đáo cẩn thận hết mực. Nếu không, khi có việc “bỏ phiếu tín nhiệm, thăm dò”, thì chỉ có… toi!.. Người phương Tây thế nào không biết, chứ Dân ta thì tôi đoan chắc, nhiều người rất thích cái trò… “dậy cho nhau một bài học” về cái “nhẽ ăn ở” như vậy lắm lắm!

“Ghen ăn ghét ở” là căn bệnh kinh niên khá phổ biến trong cộng đồng. Câu nói “chú tiến, anh mừng” chỉ là đầu lưỡi, chứ thực trong bụng không mấy ai nghĩ vậy. Làm sao mà “khách quan” cho được? Mà đã không khách quan, thì làm sao “công bằng”?

Thiết nghĩ, trong mỗi cơ quan, doanh nghiệp cũng cần có những Quy chế - Quy ước quản lý phù hợp - một thứ “ước” nơi công sở! Để tình “láng giềng” thật sự đầm ấm, theo đúng nghĩa “tối lửa tắt đèn có nhau”.

Trần Huy Thuận
Nam Định

LTS Dân trí - Quan hệ hàng xóm - láng giềng đúng là hệ trọng cho cuộc sống  yên bình của các gia đình gần kề nhau. Lúc “tối lửa tắt đèn có nhau’ cho nên “một điều nhịn là chín điều lành”. Đấy là mối quan hệ hàng xóm truyền thống thường thấy ở thôn quê, còn quan hệ hàng xóm ở đường phố thường không đậm đà gắn bó nhiều đời như ở nông thôn.

Do là hàng xóm gần kề nhau cho nên dễ có điều kiện gần gũi thân tình nhưng cũng nảy sinh không ít những va chạm, mâu thuẫn vì những quyền lợi lặt vặt hoặc không hợp tính nết của nhau.

Ngày xưa ông cha ta đã biết xây dựng hương uớc để giữ gìn mối quan hệ làng xóm được thuận hòa. Ngày nay chúng ta càng cần xây dựng mối quan hệ tốt đẹp của mọi cộng đồng dân cư. Phong trào xây dựng Gia đình văn hóa, Cụm dân cư văn hóa, Khu phố văn hóa. Làng xã văn hóa…là việc làm thiết thực nhằm xây dựng nếp sống văn hóa trong mọi cộng đồng dân cư.