Phí gửi xe - chuyện không nhỏ về “tiền lẻ”

(Dân trí) - Những nỗi bực dọc dù nho nhỏ khi chỉ xoay quanh khoản tiền được cho là “bạc lẻ” gửi xe (xe đạp, xe máy), nhưng vẫn như những mũi kim châm gây nhức nhối bởi cũng cung cách phục vụ tùy tiện, trong khi sự quản lý vẫn lỏng lẻo, thậm chí là thả nổi.

Phí gửi xe - chuyện không nhỏ về “tiền lẻ” - 1
 
Điểm trông giữ xe của công ty Khoán quản 901 (ảnh: Châu Như Quỳnh) 
 

Nỗi khổ chẳng của riêng ai

 

Người ngày càng đông, đất ngày càng chật, đất dành làm nhà  ở còn chưa đủ, nói gì tới dành cho các dịch vụ công cộng khác. Tình trạng thiếu dẫn tới khan hiếm chỗ đậu xe, gửi xe của người dân ngày càng trở nên trầm trọng, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh.

 

Người có khả năng sắm được xế hộp đi lại cho mát mẻ, tránh mưa, tránh nắng, tránh được cả những hệ lụy của ô nhiễm môi trường, thì cũng không tránh khỏi được tình trạng  “đau ví” bởi mỗi lần đậu xe giờ là  phải chi tới hàng chục ngàn đồng mà có khi cũng chẳng có được một tấm vé làm bằng. Dù sao thế cũng còn may hơn cảnh phải chạy lòng vòng đốt xăng,  nếu không tìm được chỗ gửi giữa trung tâm thành phố. 

 

Với đại đa số người dân có thu nhập thuộc loại tầm tầm trở xuống tới… khó khăn, thì phương tiện đi lại chủ yếu trông chờ vào xe máy, xe đạp. Nếu mỗi ngày chỉ phải gửi xe 1 lần còn cảm thấy cũng chịu được. Chứ phải đôi ba lần ra vào thì những khoản tiền lẻ gửi xe tích tiểu thành đại cũng ra tấm ra món. 

 

Đã vậy, gần như đã thành thông lệ, phí gửi xe nhà nước quy định một đằng, các điểm trông giữ xe đều đồng loạt thu tăng lên theo các nẻo khác nhau. Điểm “nguội” tăng ít gấp một đôi lần, những điểm “nóng” thì có thể tăng vô tội vạ, nhất là vào những dịp lễ, Tết.

 

Trước tới nay đã có bao lời phàn nàn của người dân về chuyện phải mất tiền oan tại các bãi gửi xe. Đã vậy các chiêu quay vòng vé, không ghi vé hành chính, thu phí cao hơn mức quy định nhiều lần, quát nạt khách…vẫn diễn ra tại không ít điểm trông giữ xe. Chỉ đi gửi xe thôi mà chẳng  hiếm khi những cái đầu dù muốn lạnh cũng thành nóng.

 

Người dân kêu ca bị các điểm trông giữ xe chặt chém. Sau đó thấy lực lượng chức năng ra quân kiểm tra, xử phạt… ai nấy đều khấp khởi mừng, thậm chí còn hy vọng mọi chuyện rồi sẽ đi vào khuôn khổ chứ “thời đại nào rồi mà trật tự kỷ cương cứ bị vi phạm  hoài như vậy" (?)

 

Nhưng đùng một cái, Sở Tài chính Hà Nội lại nhanh chóng thông báo kế hoạch tăng mức phí trông giữ xe trên địa bàn, mà theo Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Thị Hà Ninh, là “sẽ trình Hội đồng nhân dân Thành phố vào kỳ họp sau”.

 

Lý giải của bà Ninh rằng "mức phí hiện nay không phù hợp với tình hình kinh tế và nhằm hạn chế bãi xe tự ý thu quá giá" lập tức gây ra nhiều phản ứng.

 

Phí và quản lý

 

Có vẻ như đã quá quen thuộc với những động thái tương tự của các ngành chức năng mỗi khi chuẩn bị tăng giá một mặt hàng (hoặc phí của một lĩnh vực) nào đó, người dân tuy kêu ca, phàn nàn nhưng xem ra đành phải cam chịu vì “xu  hướng chung theo thị trường” là vậy. Nhưng cái khiến họ băn khoăn vẫn là tỉ lệ giữa mức phí với chất lượng dịch vụ và sự quản lý, kiểm tra, giám sát của các lực lượng chức năng, liệu có không tái diễn cảnh mất tiền mà vẫn phải cam chịu?

 

Tình hình này, nhân dân càng bức xúc. Với 1 điểm trông giữ xe, riêng ban ngày trông khoảng 500 xe với mức phí 2.000 đồng thì họ đã có trong tay 1 triệu rồi, chưa kể ban đêm với mức phí cao hơn nữa. Tính ra thu nhập của 1 điểm trông xe 1 tháng sẽ không dưới 40 triệu.

 

Đây chỉ là tính với con số 2.000đ thôi, giờ thì điểm nào cũng thu 5.000đ là ít nhất rồi nên thu nhập hàng tháng của họ lên đến 100 triệu là mức thấp nhất. Các điểm trông giữ "hot" như khu vực xung quanh Hồ Gươm hay bệnh viện...mỗi tháng họ kiếm không dưới 1 tỷ, vậy mà chúng ta không quản lý được sao???”Daithuonghai: daithuonghai007@yahoo.com

 

Tôi ở Sài gòn nhưng có ý kiến thế này: Xin quý Bộ Tài chính cứ thu 500VNĐ/xe đạp,  1.000VNĐ/xe gắn máy và 5,000VNĐ/xe 1,5 tấn trở xuống. Một bãi giữ xe hốt cả vài chục triệu mỗi ngày (lời quá), chứ các bác ở bộ này bộ kia cứ ra quy định chỉ có chết dân nghèo, trong khi có lẽ các bác lại rủng rỉnh” - Loan Phạm:  loan.pham@gmail.com.

 

Làm gì có chuyện phi lý như vậy, Là cơ quan quản lý thì phải dựa trên các cơ sở quy định pháp luật, các quy định do mình ban hành. Chứ đâu lại làm theo kiểu ban hành quy định nhưng không quản lý được thì đành chịu và làm theo thị trường? Thế thì đâu cần cơ quan quản lý, CHỈ KHỔ DÂN, VÀ ĐẶC BIỆT LÀ NHỮNG BẠN SINH VIÊN ĐANG CÒNG LƯNG ......GÁNH GIÁ” - Phạm Đặng Duy:  phamdangduy8@gmail.com.

 

Vậy khi tăng giá điểm đỗ xe thì có dám chắc rằng những điểm trông xe này không tăng giá không? Hiếm khi thấy điểm trông xe nào trên địa bàn HÀ NỘI thu đúng giá nhà nước qui định. Không hiểu cơ quan chức năng thành phố có biết việc này không? Hay là chúng tôi gửi bài bình luận thì chúng tôi lại đọc bài bình luận của nhau thôi, liệu những lời bình này có đến được nơi cần đến hay không?” – Ngô Trung Kiên: trungkien1677@yahoo.com.

 

Tôi không đồng ý với ý kiến của bà Ninh. Đó không phải là cách giải quyết vấn đề mà chỉ làm tăng gánh nặng cho người dân. Hiện nay lạm phát đang cao, người dân đang phải chống đỡ với sự tăng giá của nhiều mặt hàng. 2000đ/lần nghe có vẻ rẻ nhưng ví dụ nếu một người phải gửi xe vài lần/ngày như có người thân ở bệnh viện, thì tổng số tiền không hề rẻ.

 

Hơn nữa, để xử lý các điểm thu giữ xe thì không phải là tăng giá tiền, mà cái gốc là cách quản lý. Tại sao không phạt thật nặng, ví dụ lần đầu vi phạm dù chỉ với 1 người phạt 10 triệu đồng, lần 2 phạt 20 triệu đồng, lần 3 rút giấy phép kinh doanh vĩnh viễn. Luật phải nghiêm, rõ ràng và có giám sát thì mới thành công. Vấn đề đơn giản nhưng sao cứ phức tạp và vòng vo vậy”Nguyễn Công Luật:  congluat@gmail.com.
 
Phí gửi xe - chuyện không nhỏ về “tiền lẻ” - 2

Điểm trông giữ xe do ga Hà Nội quản lý (ảnh: Châu Như Quỳnh) 

Nghề không hẳn “ngon ăn”

 

Ngược lại,  cũng có những ý kiến cảm thông với cái nghề mà nhiều người cho rằng na ná kiểu “buôn thất nghiệp, lãi quan viên” này.

 

Không ngờ chỉ có mấy nghìn tiền lẻ thôi mà các bạn bức xúc thế này. Tôi nhớ rất nhiều lần tôi đưa mấy cháu nhỏ đi chơi, vào bãi gửi xe tôi thấy công việc trông xe cũng rất vất vả, cơm đường cháo chợ. Nếu như ở các nước tiên tiến, tôi thấy người trông giữ xe còn được ‘bo’ thêm tiền đấy.

 

Với tình hình hiện nay, các điểm trông xe máy thu 5.000đ tôi thấy là hợp lý, vì công việc này rất vất vả mà tỷ lệ rủi ro lại rất cao. Nếu để xảy ra mất cắp, thử hỏi người trông xe lấy tiền đâu mà đền ?... Các bạn cũng không nên cứng nhắc dựa vào quy định quá, phải căn cứ vào tình hình thực tế. Các bạn thử đặt mình vào người trông xe, các bạn sẽ hiểu. Cám ơn các bạn. Cám ơn Dân Trí đã cho tôi được chia sẻ cảm nghĩ của mình” - Sinh viên:  ytelinhchi@yahoo.com.

 

Các bạn tưởng trông xe mà dễ lắm à? Tôi hỏi bạn 'daithuonghai': 1 bãi trông xe bây giờ phải nộp thuế rất cao cho nhà nước, lại còn tiền 'bôi trơn' cho các nơi nữa. Đó là chưa kể trường hợp xấu nhất là mất mát, còn phải bồi thường nữa, giả dụ 1 tháng mà bị mất 1 xe Wave thôi là đã méo mặt rồi…

 

Các bạn phàn nàn về việc tăng giá trông xe, nhưng có biết là bao nhiêu con người phải dựa vào nó để sống không? Quy định cũ từ năm 2009, lúc đó thịt lợn có giá 6.000đ, bây giờ là 13.000đ, giá trông xe vẫn như cũ. Lương nhà nước trả có đáng là bao?  Vào các bạn, các bạn có chịu được không?  Mong Dân trí đăng bình luận của tôi!” - Miu:  nhocsieuquay1294@gmail.com.

 

Vâng, cứ cái đà nước nổi thì  bèo cũng phải nổi này, người dân dù có kêu bao nhiêu đi chăng nữa thì cung chẳng đủ cầu, không cắn răng gửi xe còn biết làm sao? Đành lại phải chịu mà lòng đầy ấm ức.

 

Lại là cái cớ để người dân phải đóng phí gửi xe cao gấp 2-3 lần giá quy định thôi. Nước lên thì bèo lên. Khổ nhất vẫn là người dân. Còn sướng nhất là ai thì… mọi người tự hiểu” - Chung:  Chungvua2004@yahoo.com.

 

Bảo tăng giá để kiểm soát giá gửi xe, vậy hãy kiểm soát giá gửi xe hiện tại đi. Bây giờ không kiểm soát được thì sau này cũng vậy. Lại chỉ tạo điều kiện cho các điểm trông giữ xe lấy cớ tăng thêm giá và các mặt hàng khác cũng tăng giá theo. Chỉ khổ người dân mà nhất là sinh viên và những người lao động thu nhập thấp mà thôi. Xin hãy nghĩ cho họ....” - Nguyễn thị Phương Liễu:  phuonglieu_05c8@yahoo.com.

 

Xem ra điều bạn Liễu đề nghị tưởng là dễ bởi lẽ ra phải vậy, nhưng thế mà vẫn đã, đang và sẽ… khó lắm thay (!!!) dù  người dân cũng đã đề xuất một số giải pháp:

 

“... Nói hoài, nói mãi nói té ra là không quản lý nổi nên phải làm vậy. Mà tăng mức phí vậy rồi các bãi giữ xe lại tự ý tăng tiếp thì các cán bộ ngồi ăn lương nhà nước sẽ làm gì, hay lại tiếp tục tăng?

 

 Nói như bạn minhly8507@gmail.com là đúng đấy,  ghi số điện thoại nóng lại. Còn phương án kia,  theo tôi thanh tra thì ít mà các phường thì nhiều, không thể ngày nào cũng đi thanh tra được. Chỉ có giao về phường quản lý và báo cáo theo tuần, vì phường là người sát các điểm trông giữ xe nhất và có thể đến kiểm tra hàng ngày  được” - Vuthiha:  vuhaphuong2010@gmail.com.

 

Theo cá nhân tôi, không biết ở nước ta thì thế nào, nhưng trên thế giới họ luôn có một lực lượng xử lý nhanh hay cơ động về từng công việc. Nếu nơi nào tự ý tăng giá gửi xe hay tương tự thì sẽ có lực lượng phản ứng nhanh giải quyết, như vậy tạo ra được sự bình ổn hơn” - Lực:  nguyenthelucpt@gmail.com.

 

Nghịch lý thật! Nước đã nghèo cái gì cũng tiền, còn những nước giàu thì họ miễn phí.Tôi đang sống tại Singapore, tôi đi xe máy đi làm có bao giờ bị thu vé đâu. Hầu hết building đều có chỗ để xe máy miễn phí, hay các khu vực dân cư nhà HDB đều miễn phí cho xe máy. Tôi chỉ để cập xe máy thôi vì cái này là miễn phí, còn ôtô thì họ vẫn thu bình thường. Không biết mấy lời này có đựoc đăng không, nhưng dù sao cũng nói lên vài điều” - Ngọc Quý:  ngocquy@yahoo.com.

 

Dù sao, chúng tôi cũng đồng tình với ý kiến của bạn Lê Đức Lợi leducloi.52@gmai.com:

 

Nếu tăng phí mà quản lý được và thu đúng giá thì là điều tốt, vì nhà nước đã được thêm một khoản thu. Nhưng nếu không quản được thì đây chính là một sự tiếp tay gián tiếp cho các hành vi nâng giá trục lợi hợp pháp của các điểm trông giữ xe, mà người dân không thể thắc mắc và nhà nước mất thêm một khỏa thuế lớn hơn trước”.

 

Kiều Anh