Phạt nhẹ là nhờn

(Dân trí) - Liên tục trong một tuần, báo chí liên tục đưa tin về chuyện gian lận trong sản xuất, buôn bán các loại hàng hóa trên thị trường. Người tiêu dùng bị móc túi, bị xâm hại sức khỏe và thậm chí bị đe dọa tính mạng.

Ồn ào nhất là xăng dầu. Hàng trăm cây xăng vi phạm về đo lường và chất lượng, hay nói theo dân gian là ăn gian.  Mẹo cân thiếu, đong thiếu chợ búa được các ông chủ cây xăng vận dụng vào để đong xăng, nhưng tăng cường bằng công nghệ điện tử hiện đại như dùng các con chip để tính sai lệch, khách hàng không thể nào biết được.

Theo tính toán của cơ quan kiểm định, với mưu chước tinh vi này, trung bình 100 lít xăng bán ra, các ông chủ cây xăng ăn gian được gần 10 lít. Tính ra mỗi ngày, một cây xăng lắp đặt thiết bị ăn gian có thể kiếm lợi hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Với con số này, có thể nói là ăn cướp cũng không quá lời.

Thuốc tây giả hoành hành suốt từ đầu năm đến nay. Bệnh nhân đáng thương tin vào thuốc đắt tiền vì nghĩ rằng đó là thuốc tốt, chóng lành bệnh, nhưng họ không biết chính loại thuốc có giá cao lại bị làm giả nhiều nhất. Bệnh nhân uống thuốc giả là uống thuốc độc, không những bệnh không thuyên giảm mà còn rước thêm bệnh khác vào người. Thuốc tây giả nguy hiểm ở chỗ nó gián tiếp giết người, giết từ từ và ai cũng có thể là nạn nhân của vụ sát hại đó, nhưng không ai có thể biết được để tự vệ.

Các loại gian và giả đáng sợ đó thu lợi bất chính từ lối làm ăn bất lương nhưng chưa được pháp luật nghiêm trị. Thông thường, làm hàng gian, hàng giả chỉ xử phạt hành chính 20 triệu đồng, nếu có gây thiệt hại thì bồi thường dân sự. Ở đây thật khó xử cho chính xác, bởi vì người tiêu dùng là cả xã hội, biết ai đổ bao nhiêu lít xăng để bồi thường? Đối với  thuốc tây giả cũng vậy, thuốc giả trôi nổi khắp nơi, biết bệnh nhân nào đã uống, rồi mức độ tác hại của uống thuốc giả là sức khỏe, làm sao định lượng được để bồi thường? Cứ nói bồi thường chung chung và phạt vài chục triệu đồng chỉ thêm "nhờn thuốc". Cho nên để người tiêu dùng không bị thiệt hại thì vấn đề là chặn từ gốc nạn làm hàng gian, hàng giả.

Dư luận cho rằng để ngăn chặn nạn làm hàng giả thì phải xử thật nặng, răn đe bằng pháp luật. Về hành chính, cần tăng mức lên hàng chục lần so với mức tối đa hiện nay và rút giấy phép kinh doanh. Nhưng quyết liệt hơn, đó là truy cứu trách nhiệm hình sự. Người thực hiện hành vi lừa đảo, móc túi, tàn phá sức khỏe của cả xã hội thì phải xem đó là hoạt động tội phạm nghiêm trọng, không phải là lỗi kinh doanh thông thường.

Lê Chân Nhân