Phát ấn đền Trần: Cấm hay không?

(Dân trí) - Nếu không tổ chức phát ấn trong cả lễ hội thực chất là một hình thức cấm, tức là chính quyền bất lực trong việc quản lý và lặp lại bài toán cũ: “Không quản được thì… cấm!”.

Phát ấn đền Trần: Cấm hay không? - 1
 
(Minh họa: Ngọc Diệp)
 
Hôm 18/7 vừa qua, Viện Văn hóa - Nghệ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo về mô hình tổ chức, quản lý lễ hội đền Trần tại Khách sạn Vị Hoàng, TP. Nam Định. Sau một ngày làm việc cật lực (khai mạc lúc 8 giờ, kết thúc lúc 16giờ20), Hội thảo đã không “thành công tốt đẹp” như hầu hết các hội nghị, hội thảo ở ta xưa nay vì tại Hội thảo này, các ý kiến vẫn còn chưa thống nhất. Nhìn vào danh sách tham gia, mình biết ngay vị nào ủng hộ, vị nào không. He! Cách đây cả mấy ngàn năm, Nhà pháp trị Hàn Phi Tử với không đầy 500 chữ đã chứng minh rằng con người ta đồng tình hay phản đối đều bắt đầu từ chữ Lợi. Thôi, chuyện này sẽ bàn vào dịp khác vậy.

 

Trở lại với lễ Khai ấn ở đền Trần. Mấy năm nay, năm nào mình cũng tham gia và năm nào cũng chứng kiến cảnh chen lấn, xô đẩy kinh hoàng. Không, phải nói là hỗn loạn. Giá các loại dịch vụ thì tăng vô tội vạ, nhất là vé gửi xe thì ôi thôi thôi, kinh khủng hàng trăm ngàn đồng/xe ô tô.

 

Theo những gì mình biết thì tục lệ khai ấn đền Trần là bởi thời Trần, cứ đến ngày 23 tháng chạp triều đình gói ấn tín đem về quê phát tích Thiên Trường để cúng bái trời đất, tổ tiên. Đến ngày 14 tháng giêng thì mở lễ khai ấn để trở lại công việc bình thường. Chắc nhân dịp năm mới, triều đình có ban phát bổng lộc, chức tước gì đó nên sau này, việc xin ấn đền Trần được coi như cơ duyên nhận bổng lộc, chức tước từ thần thánh, tổ tiên ban cho. Theo mình, đây là nét văn hóa đẹp, cần gìn giữ nhưng cách tổ chức, quản lý thì kém, vô cùng kém. Nó kém đến mức nếu không có biện pháp mạnh mẽ thì trong thời gian gần, rất gần nó sẽ tự tan.  

 

Mình thấy những người tham gia Lễ Khai ấn đền Trần về cơ bản gồm ba loại. Thứ nhất là những người sắp có chức tước hay đang có chức, rồi đã có tước nhưng mong muốn có vị trí cao hơn nữa hoặc có chức tước nhưng chưa chắc chắn, dễ bị lung lay. Thứ hai là những người chả có chức tước gì (và chắc chắn chả bao giờ có) cũng mơ chức tước. Đây là cái bệnh của không ít người Việt có tên là “Bệnh hám quan”. Ngày xưa “Một kẻ làm quan, cả họ được nhờ” chứ bây giờ một kẻ làm quan nhiều họ được nhờ, cả làng cả xã được nhờ nên chuyện người ta “ôm giấc mơ quan” cũng chả có gì là lạ. Thứ ba là những người đi chơi xuân (trong đó có mình). Đám này gồm những người chả có chức tước gì mà cầu và cũng biết có cầu cũng chả được, đi chủ yếu là để du xuân nên việc xin được ấn hay không cũng không là vấn đề quan trọng.

 

Mấy năm nay, lịch trình của mình như sau. Khoảng hơn 4 giờ chiều, chú Hùng Chủ tịch HĐQT Công ty taxi VIC đánh xe đến đón mấy anh em. Khoảng 7 giờ có mặt dự Lễ khai trương năm mới cũng của bác Hùng GĐ Công ty điện thông Nam Định. Ăn uống, hò hát đến khoảng 9 giờ 30 thì ra Đền Trần để lễ rồi về công ty nhậu tiếp để chờ. Đến đúng 12 giờ, bà xã bác Hùng ra đền lĩnh ấn về phát cho anh em. Năm nào mình cũng lấy mấy cái mà cả chục năm nay “chức tước” vẫn thế và binh tình này, chắc là “nguyễn y vân” đến lúc về hưu. Hu! Hu!

 

Nhớ dạo năm kia (2009), mấy anh em vào đặt lễ ra lâu lắm rồi nhưng có một chú vẫn chưa ra. Chú này tính tốt, có năng lực nên mới ngoài ba mươi tuổi đã hàm vụ phó. Lúc ra, thấy mồ hôi nhễ nhại, mình kéo ra một góc:

- Chú cầu hơi kỹ đấy. Mà chú cầu gì cầu lâu thế?

- Dạ, em cầu tiến bộ thôi…

- Thôi chết, chú làm thế là phạm thượng đấy. Đừng nói với ai nhé.

- Em có làm gì đâu…?

- Sao lại không làm? Chú cầu chú tiến bộ, đúng không?

- Dạ, vâng.

- Mà tiến bộ tức là thăng quan, tiến chức, đúng không?

- Dạ…!

- Thôi chết rồi. Chú thăng chức thì ông anh vụ trưởng của chú đi đâu? Về hưu thì chưa đến tuổi. Lên thứ trưởng thì không thuộc qui hoạch. Có mỗi cái ghế vụ trưởng đang ngồi, chú đòi tiến bộ để ngồi mất thì bác ấy kê dép ngồi xuống đất à?

- Anh đừng nói gì nhé… Sếp hiểu nhầm là chết em đấy. Cu cậu lắp bắp.

- Đương nhiên rồi!

Mình đùa thế mà mặt cu cậu tái dại hẳn đi.      

 

Trở lại với cuộc Hội thảo “không thành công tốt đẹp”, Đề án được Viện Văn hóa - Nghệ thuật trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có hai phương án. Một là không tổ chức phát ấn trong cả lễ hội. Hai là phát sau 14 tháng giêng và kéo dài nhiều ngày. Tất nhiên, cả hai phương án trên đều không nhận được sự đồng thuận của dòng tộc họ Trần và các cụ cao niên của phường Lộc Vượng.

 

Giờ đây, Nam Định đang đối mặt với một bài toán rất nan giải. Nếu không tổ chức phát ấn trong cả lễ hội thực chất là một hình thức cấm, tức là chính quyền Nam Định bất lực trong việc quản lý lễ hội và lặp lại bài toán cũ: “Không quản được thì… cấm”. Nếu tổ chức phát ấn trong nhiều ngày thì sẽ mất đi giá trị linh thiêng và nét đẹp văn hóa vốn đã ăn sâu vào tiềm thức nhân dân. Còn nếu vẫn duy trì phát ấn theo thời gian như hiện nay thì cần có mô hình tổ chức, quản lý như thế nào để Lễ Phát ấn không là lễ “cướp ấn” với rất nhiều hỗn loạn?

 

Đây là bài toán khó, rất khó nhưng mình nghĩ, không có bài toán nào không có lời giải. Trong trường hợp này, nếu như các nhà khoa học chưa tìm ra lời giải thì cách tốt nhất là hãy xin ý kiến rộng rãi trên các diễn đàn. “Dễ vạn lần không Dân cũng chịu - Khó vạn lần Dân liệu vẫn xong” - (Thanh Tịnh). Hi vọng mọi người hãy chung tay đóng góp cùng Nam Định và “cầu giời”, những góp ý của chúng ta sẽ được đến với các nhà lãnh đạo Nam Định.

 

Bùi