Tư vấn pháp luật:

Phân chia tài sản khi ly hôn

(Dân trí) - Vợ chồng cháu lấy nhau được 3 năm. Trước khi lấy nhau bố đẻ cháu cho cháu một mảnh đất và đứng tên cháu. Sau khi cưới nhau chúng cháu đã xây một ngôi nhà trên mảnh đất ông ngoại cho.

Phân chia tài sản khi ly hôn - 1

Vì chồng cháu hay chơi bời, rượu chè nên chúng cháu về nhà chồng ở và ở đây bọn cháu đã xây một ngôi nhà trị giá 200 triệu đồng, số tiền xây nhà hiện giờ vợ chồng cháu vẫn còn nợ. Toàn bộ đồ đạc ở trên nhà ngoại mà chúng cháu mua bây giờ đã chuyển hết về bên nội.

Gần một năm nay, vì lấy lí do trả nợ tiền nhà lên chồng cháu không đưa cho cháu một đồng tiền nào, trong khi đó con cháu mới được hơn 1 tuổi. Với đồng lương quá thấp cháu cố gắng làm thêm để kiếm đủ tiền lo cho gia đình từ bột bã cho con đến thức ăn  nước uống hàng ngày. Vì mẹ chồng cháu ghê gớm hay mắng chửi cháu, chồng cháu chán nản và đã cặp bồ. Rồi hay mắng chửi, xúc phạm cháu.

Vậy nếu chia tài sản thì mảnh đất bố đẻ cháu cho cháu thì chồng cháu có được chia không?. Nếu đấy là tài sản riêng thì cháu phải làm giấy tờ gì để chứng minh (hiện tại bìa đỏ đang mang tên cháu).

Căn nhà mà vợ chồng cháu xây ở nhà chồng tuy cháu không có tiền để đóng góp xây dựng nhưng tiền sinh hoạt trong gia đình cháu phải lo hết. Vậy cháu có được chia tài sản ngôi nhà này không, đất thì vẫn mang tên bố chồng.

Con gái cháu đã được 14 tháng tuổi, vậy theo luật nếu con ở với mẹ hàng tháng thì chồng cháu phải chu cấp cho cháu bao nhiên tiền nuôi con?

(Bạn đọc có Email: duongdsdonghy@gmail.com

Luật sư Nguyễn Hồng Bách trả lời:

 Phần câu hỏi của bạn được chia làm 03 mục nhỏ như sau: gọi chồng là B, gọi vợ là A

1, Đất của Bố mẹ A cho trước khi kết hôn, sau khi kết hôn A và B đã xây nhà, hiện tại nhà đất đó đã mang tên A.

2, A và B xây dựng nhà trên diện tích do Bố Mẹ B cho hết 200 triệu. Hiện tại, đất vẫn mang tên Bố B.

Hỏi: Khi A và B ly hôn, khối tài sản trên được chia như thế nào?

3, B và A có 01 con chung được 14 tháng tuổi, nếu ly hôn, A nuôi con thì B phải cấp dưỡng cho cháu bé như thế nào?

Thứ nhất: Đất Bố Mẹ A cho trước khi kết hôn

Theo quy định tại điều 32 khoản 1 của Luật Hôn nhân gia đình năm 2000, diện tích đất mà Bố Mẹ A cho trước khi A kết hôn; A cũng không nhập khối tài sản này vào làm tài sản chung của vợ chồng, cho nên là tài sản riêng của A bởi lẽ:

-         Được tặng cho trước thời kỳ hôn nhân;

-         Khi kết hôn và xây dựng nhà trên đất, khối tài sản này vẫn đứng tên A và không nhập vào khối tài sản chung.

“Điều 32 khoản:Vợ chồng có quyền có tài sản riêng

1.     Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản của mỗi người có trước khi kết hôn…..

2.     Vợ chồng có quyền nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung”

Do đó, khi ly hôn, tài sản riêng của bên nào thuộc quyền sở hữu của bên đó:

Điều 90 khoản 1 Luật Hôn nhân gia đình năm 2000:

“1. …Tài sản riêng của bên nào thì thuộc quyền sở hữu của bên đó”.

Bên cạnh đó, khi A và B kết hôn và có xây dựng nhà trên diện tích đất trên thì giá trị  ngôi nhà được coi là tài sản chung của hai người bởi lẽ tài sản này được hình thành trong thời kỳ hôn nhân.

 Theo quy định tại điều 27 khoản 1 Luật HNGĐ:

“1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản cho vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, hoạt động kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân…”

Theo đó, việc phân chia khối tài sản chung là giá trị ngôi nhà xây dựng ngôi nhà này sẽ được chia đôi cho hai người; tuy nhiên, có xem xét đến hoàn cảnh, tình trạng tài sản, công sức duy trì và tạo lập tài sản của mối bên trên cơ sở bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của vợ và con chưa thành niên.

“Điều 90,  khoản 2 Luật Hôn nhân gia đình năm 2000 quy định:

3.     Việc chia tài sản chung được giải quyết theo nguyên tắc sau đây:

a, Tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc chia đôi, nhưng có xem xét tới hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển khối tài sản này…

b, Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của vợ và con chưa thành niên…”

Thứ 2:  Tài sản là đất và nhà của Bố Mẹ B cho

Như bạn đã trình bày, bố mẹ B cho hai vợ chồng khi kết hôn; tuy nhiên việc tặng cho của bố mẹ B không thực hiện đúng theo quy định của pháp luật hiện hành (như được lập thành văn bản và phải được công chứng….) nên không được công nhận đó là tài sản chung của A và B.

Thế nhưng, giá trị ngôi nhà do A và B xây dựng trong thời kỳ hôn nhân thì đó được coi là tài sản chung của B và A nếu hai bạn chứng minh được là đã bỏ tiền ra xây dựng. Nguyên tắc chia khối tài sản chung này được quy định tại điều 90 khoản 2 như đã trích dẫn ở phần trên.

Cuối cùng: Đó là việc cấp dưỡng nuôi con khi ly hôn

Theo quy định tại điều 92 Luật Hôn nhân gia đình năm 2000 quy định về trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con sau khi ly hôn:

-         Sau khi ly hôn, vợ, chồng vẫn có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con;

-         Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con;

-         Con đủ 09 tuổi trở lên, khi giao con cho ai nuôi thì phải xem xét đến nguyện vọng của con;

-         Về nguyên tắc con dưới 36 tháng tuổi giao cho mẹ trực tiếp nuôi, nếu các bên không có thỏa thuận gì khác.

Theo quy định tại mục 11, tiết b, c Nghị quyết 02/2002/NQ – HĐTP ngày 23/12/2002 Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân gia đình năm 2000 ,Về mức cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn được quy định như sau:

“b, Tiền cấp dưỡng nuôi con bao gồm những chi phí tối thiểu cho việc nuôi dưỡng và học hành của con và do hai bên thỏa thuận. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được thì tùy vào từng trường hợp cụ thể, vào khả năng của mỗi bê mà quyết định mức cấp dưỡng nuôi con cho hợp lý.

c, Về phương thức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, một năm hoặc một lần. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định phương thức cấp dưỡng định kỳ hàng tháng.”

 Đối chiếu với các quy định đã trích dẫn ở trên, khi ly hôn, nếu B không nuôi con thì B vẫn phải có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, cấp dưỡng nuôi con hàng tháng. Mức cấp dưỡng do hai bên thỏa thuận hoặc do Tòa án quyết định, mục đích của việc cấp dưỡng đã được ghi nhận tại mục 11, tiết b Nghị quyết 02/2002/NQ – HĐTP ngày 23/12/2002.

Trên đây là quan điểm tư vấn của Luật sư về phần câu hỏi của bạn chúng tôi mong rằng bạn sẽ có những quyết định  đúng đắn và phù hợp cho mình.

Luật sư Nguyễn Hồng Bách

Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty luật hợp danh Hồng Bách và Cộng sự (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội).

Địa chỉ: Số 408 Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội.

Điện thoại: 04.62996666 -  0984049999,   Fax: 04.62558866

E.mail: bach@hongbach.vn; Website: www.hongbach.vn

Ban Bạn đọc