Dạy, học thêm:

Phải nói không từ đầu năm học

(Dân trí) - Đã nhiều năm nay, việc dạy thêm, học thêm đã làm cho dư luận phải bận tâm nhiều; Báo chí đã phải tốn không ít giấy mực về vấn đề này, nhưng xem ra không chuyển biến mấy...

Hè vừa qua nhiều trường và nhiều giáo viên ở Nghệ An vẫn tổ chức dạy thêm tại trường và tại các nhà riêng! Trong khi chúng ta đang có chủ trương giảm tải cho học sinh; Các tổ chức xã hội đang tổ chức các trò chơi trong dịp hè cho các cháu như: Tổ chức giải bóng đá cho Thiếu niên và Nhi đồng; Ngành Báo chí, Văn hoá-Văn nghệ... tổ chức các trại viết hay trại hè cho thiếu nhi... Thì không ít thầy, cô giáo vẫn tổ chức, thậm chí lôi kéo học sinh của mình để dạy thêm!

Chúng ta không phản đối việc dạy thêm, học thêm, nhất là với một số học sinh yếu kém, cần được bổ túc thêm kiến thức. Điều đáng bàn ở đây không phải là dạy thêm, bổ túc thêm kiến thức mà là dạy trước chương trình. Ngay cả khi đang trong năm học, không ít giáo viên đã tổ chức học thêm, dạy trước?!

Phải nói không từ đầu năm học - 1
Các cháu học sinh đang vui chơi trong dịp hè.

Em nào chiều trước đi học, thì hôm sau lên lớp làm bài tốt, em nào không đi học thêm thì bị bài kém ngay. Chưa kể đến không ít trường hợp ở nhà dạy kỹ, ở lớp nói qua loa, hoặc cho làm bài tập ở dạng bài mà giáo viên đã dạy ở nhà, để lôi kéo học sinh. Theo chúng tôi việc dạy thêm học thêm vẫn còn tồn tại, nhưng chưa được chấm dứt nhất là trong dịp hè bởi ba lý do sau:

Thứ nhất, do một số phụ huynh không có thới gian quản lý các cháu, nên để các cháu chơi lêu lổng cả ngày, thậm chí tham gia các trò chơi xấu, vi phạm lỗi như tổ chức nghịch, thậm chí trộm cắp, quấy phá... nên đành gửi con nhờ các thầy, cô giáo quản lý bằng cách cho đi học thêm. Được chữ nào thêm tốt chữ ấy, bằng không thì “giữ giúp” các cháu cho bố mẹ yên tâm đi làm. Thực tế cho thấy gần như tất cả các thủ khoa thi đại học lâu nay đều do tự học và chăm học, không ít Thủ khoa vừa làm vừa học. Bên cạnh đó không ít trẻ tưởng đi học thêm nhưng lại lừa dối cha mẹ đi chơi, không ít lớp dạy thêm nhưng thực ra chỉ làm nhiệm vụ “quản lý” vài giờ.

Thứ hai, do trong dịp hè các thầy, cô giáo không có việc làm. Chúng tôi còn nhớ trước đây các giáo viên chỉ được nghỉ hè chưa đầy một tháng, thời gian còn lại trong dịp hè là chỉnh huấn, học tập chính trị, chuyên môn và làm công tác tổng kết năm học trước, chuẩn bị cho năm học mới. Nay gần như ba tháng hè, chí có chưa đầy một tuần tập huấn chuyên môn, thành ra thời gian nghỉ dài. Trong khi ba tháng hè thường lương bổng chậm hơn, nguồn thu nhập không có thường xuyên như lúc đi dạy. Đành tổ chức dạy thêm kiếm đồng ra, đồng vào, thậm chí không ít giáo viên mùa hè là mùa làm ăn lớn như mở lớp ôn thi chuyển cấp, ôn thi Đại học... Không ít người khi đánh giá về việc dạy thêm học thêm là vì lí do kinh tế này?!

Thứ ba, trong dịp hè, hiện nay vai trò của các tổ chức thanh niên, đội viên hoạt động không thường xuyên, không tổ chức cho các cháu sinh hoạt học tập, các loại hình sinh hoạt hè trước đây duy trì bằng các hình thức như hợp tác xã măng non, duy trì sinh hoạt Đoàn, hội, Đội... xem ra gần như không thấy.

Tại các thành phố, trung tâm lớn còn có các tổ chức Nhà văn hoá, khu vui chơi thể thao, còn có chỗ cho các cháu đến sinh hoạt, học hát, học đàn, còn những nơi khác không có cũng là nguyên nhân sinh ra dạy thêm, học thêm. Đây cũng là câu trả lới tại sao các cháu ở thành phố biết nhạc, biết hát đúng nhịp, biết các thể loại bài hát, còn các cháu vùng khác thì không? Tại sao các cuộc thi năng khiếu ca nhạc hoạ các cháu không có giải hoặc không thể tham gia được?!

Tiếng trống trường của năm học mới đã điểm, năm học 2010-2011, là năm học thứ năm, toàn xã hội nói chung và ngành giáo dục nói riêng đang nghiêm túc thực hiện cuộc vận động “hai không với bốn nội dung”. Chúng tôi đề nghị nên đưa thêm nội dung nói không với việc dạy thêm ngay từ đầu năm học, để trả lại sự trong sáng tuyệt đối cho người thầy; Trả lại quỹ thời gian vui chơi, nhằm giảm tải việc học cho các cháu.

Muốn làm triệt để nạn dạy thêm, học thêm, thì nội lực của ngành giáo dục là chủ yếu, đồng thời cần thêm sự giám sát của xã hội.

Phùng Văn Mùi