Ở đâu, chiếc chìa khoá vạn năng?

(Dân trí) - Khi được hỏi về dự định việc làm, hầu hết các sinh viên đỗ thủ khoa của các trường đại học tại Hà Nội, được Thành phố long trọng tuyên dương ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám năm rồi tỏ ra không mấy mặn mà về làm việc tại các cơ quan Nhà nước.

Một thăm dò khác trên báo điện tử, trên 60% sinh viên tốt nghiệp cao học ở nước ngoài muốn làm việc ở nước sở tại hoặc nước thứ ba; chỉ có khoảng chừng 30% muốn về nước mà phần lớn là có nhu cầu lập công ty riêng hoặc tìm việc mới.

Ấy là chưa thống kê hết hàng loạt tài năng đành "rũ áo" đi giảng dạy, nghiên cứu tại nước ngoài; hàng loạt trí thức được đào tạo tại Liên Xô và các nước Đông Âu trở thành “dân phe" ở các chợ của người nhập cư; hoặc làm ăn, bươn chải ở xứ người, lo chạy một cái "giấy" để chính thức làm Việt kiều, "Việt kiều yêu nước"; hàng loạt các thầy giỏi trong nước lấy dạy thêm, học thêm làm sinh kế, còn đâu tư duy cho việc dạy tốt, học tốt...?

Đó là nỗi buồn âm ỉ, bải hoải từ lâu rồi. Rõ ràng chúng ta đã và đang chảy máu, lãng phí chất xám, chảy máu nhân tài cả ở ngoại quốc, nội quốc. Tình trạng lãng phí chất xám, lãng phí cơ hội để bằng anh bằng em trong "sân chơi" Quốc tế đã được báo động từ nhiều năm trước. Vì sao vậy?

Không phải chúng ta không ý thức được hiền tài là nguyên khí quốc gia. Lời của bậc tiền nhân khắc trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám, lẽ nào con cháu ngu ngơ, không hiểu đó là cái căn bản nhất để làm hưng thịnh đất nước. Các nước phát triển khôn ngoan đều lấy giáo dục và dân trí là chiến lược hàng đầu, là chìa khoá vàng để mở cánh cửa phát triển bền vững, hiện đại hoá đất nước. Vì vậy, con mắt nhìn xa trông rộng là con mắt biết đầu tư hàng đầu vào giáo dục-dân trí, sử dụng hiền tài chứ không phải đầu tư vào sân gôn hay dzì dzọt (resort)... như ta vẫn hay lóc cóc theo sau. Càng hiểu vì sao, lịch sử hơn 100 năm nay, phần lớn giải Nobel danh giá đã về tay Mỹ quốc, càng hiểu vì sao thị trường tài chính Mỹ lại chi phối thế giới lớn đến như vậy.

Cách đây vài năm, hàng loạt tỉnh, thành có phong trào "trải thảm đỏ" chiêu hiền đãi sĩ, thu hút các sinh viên tốt nghiệp giỏi về địa phương làm việc với các ưu đãi về nhà ở, vay vốn, các điều kiện vật chất khác...Thế cũng đã là đổi mới tư duy hơn thời tuyển dụng theo chủ nghĩa lý lịch, hoặc ỉ thân quen, thế lực lắm rồi. Tuy nhiên, cho đến giờ phong trào này đã ỉu xìu giảm nhiệt, không mấy hiệu quả. Ngay đến cả trung tâm văn hiến là Hà Nội và các đô thị lớn thì các thủ khoa cũng chê là lương ở các cơ quan Nhà nước thấp; và quan trọng hơn là bộ máy còn quá nhiều trì trệ, rườm rà, tiêu cực; cơ hội để phát huy năng lực, nhiệt huyết hạn chế. Thôi thì, để tự cứu mình, họ muốn làm việc cho các tổ chức, đại diện nước ngoài, các liên doanh có thu nhập cao mặc dù cũng phải "đổ mồ hôi, sôi nước mắt" chứ đâu dễ thở.

Chúng ta có nhiều đốm lửa, ngọn lửa. Vấn đề là làm gì để nhóm lên một ngọn lửa lớn, làm gì để đầu tư, thu hút nhân tài đất Việt với một thái độ cầu thị, trân trọng. Có một chiến lược ưu việt thì dù ở phương trời nào, những "con Hồng cháu Lạc" luôn cảm nhận Tổ quốc là ngôi nhà thân thiết của mình, ngôi nhà mà mình phải có trách nhiệm. Đó là khi chúng ta đã có được chiếc chìa khoá vạn năng.

Trần Quang