Nữ thương binh 30 năm đi đòi chế độ chính sách: Thanh tra Nhà nước tỉnh Cà Mau vào cuộc!

(Dân trí) - Liên quan đến vụ “Nữ thương binh 30 năm “đội đơn” đòi chế độ chính sách” ở huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau), nguồn tin của Dân trí cho biết, UBND tỉnh Cà Mau đã có chỉ đạo Thanh tra Nhà nước tỉnh này vào cuộc làm rõ nguyên nhân vụ việc.

Ông Lê Tân Thuận (Thanh tra viên của Thanh tra Nhà nước tỉnh Cà Mau, đồng thời là Tổ trưởng Tổ xác minh các vấn đề khiếu nại của bà Lê Hồng Xuân) xác nhận, Thanh tra Nhà nước tỉnh đang tiến hành thanh tra vụ việc của bà Lê Hồng Xuân theo chỉ đạo của UBND tỉnh, nhưng chưa có kết luận.

Theo ông Thuận, nguyên nhân chưa đưa ra kết luận là do trong hồ sơ của bà Lê Hồng Xuân có đến 2 lý lịch Đảng viên, nên Thanh tra tỉnh đã yêu cầu Thường trực Huyện ủy Thới Bình có văn bản khẳng định sự hợp lý, hợp lệ về lý lịch Đảng của bà Xuân.

Trong khi đó, bà Lê Hồng Xuân cho rằng, do quá trình làm việc của bà có nhiều mốc thời gian, được điều động đi nhiều đơn vị khác nhau, một cuốn lý lịch không viết hết nên phải dùng đến 2 cuốn và đã được tổ chức thời điểm đó công nhận.

Biên bản của Hội đồng xét duyệt thuộc Ban tổ chức Huyện ủy Thới Bình đã thống nhất chi trả chế độ cho bà Lê Hồng Xuân từ năm 1999, nhưng đến nay bà vẫn chưa hưởng được đồng nào.
Biên bản của Hội đồng xét duyệt thuộc Ban tổ chức Huyện ủy Thới Bình đã thống nhất chi trả chế độ cho bà Lê Hồng Xuân từ năm 1999, nhưng đến nay bà vẫn chưa hưởng được đồng nào.

Ngoài ra, khi tiếp xúc với PV Dân trí, bà Xuân cũng bức xúc cho biết, ở huyện Thới Bình có ông Lê Văn Tiếu (ngụ xã Tân Phú) công tác cùng thời điểm, chức vụ tương đương với bà nhưng ông Tiếu lại được hưởng trợ cấp từ trước đến nay, còn bà thì không được gì.

Giải thích về sự khác nhau giữa bà Lê Hồng Xuân và ông Lê Văn Tiếu, ông Lê Tân Thuận cho rằng, do ông Lê Văn Tiếu có quyết định lương nên mới được hưởng chế độ.

Khi PV hỏi, ông có thấy được quyết định lương của ông Lê Văn Tiếu không thì vị Thanh tra tỉnh trả lời: “Không, tôi chỉ thấy thể hiện trong báo cáo của huyện Thới Bình”.

PV đặt vấn đề, tại sao công tác cùng thời điểm, chức vụ như nhau nhưng người có quyết định lương, có chế độ, còn người lại không có gì, Thanh tra tỉnh đã xác minh hồ sơ tại cơ quan bảo hiểm chưa ? “Việc sau khi xét duyệt, cơ quan chức năng huyện Thới Bình có gửi hồ sơ lên trên (ý nói cơ quan bảo hiểm) hay không thì tôi đang xác minh làm rõ. Nếu hồ sơ giống nhau nhưng người có, người không thì tôi mới can thiệp được. Tôi cũng không hiểu vì sao cô Xuân lại không có quyết định lương, khổ là vậy”, bản thân ông Thuận cũng cảm thấy thắc mắc.

Nữ thương binh Lê Hồng Xuân bức xúc khi gia đình bà là gia đình cách mạng, luôn thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước nhưng lại không được xét công nhận gia đình văn hóa vào năm 2016, mặc dù trước đó gia đình đã nhiều lần nhận danh hiệu này.
Nữ thương binh Lê Hồng Xuân bức xúc khi gia đình bà là gia đình cách mạng, luôn thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước nhưng lại không được xét công nhận gia đình văn hóa vào năm 2016, mặc dù trước đó gia đình đã nhiều lần nhận danh hiệu này.

Như Dân trí đã phản ánh, hơn 30 năm qua, nữ thương binh Lê Hồng Xuân (ngụ xã Thới Bình, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) đã “đội đơn” đến nhiều cơ quan chức năng để đòi chế độ chính sách cho mình mà trước đó vào năm 1999, Hội đồng xét duyệt Ban Tổ chức huyện ủy Thới Bình đã thống nhất chi trả cho bà. Tuy nhiên, từng ấy năm qua, vụ việc của bà Xuân vẫn rơi vào im lặng một cách lạ thường.

Chẳng nhưng không được chi trả chế độ mà gia đình bà Xuân còn bị địa phương “làm khó” đủ điều, trong đó có việc không công nhận gia đình bà là gia đình văn hóa vào năm 2016. Khi bà Xuân hỏi thì ông Quách Văn Thọ (Bí thư Chi bộ ấp 3, xã Thới Bình) cho rằng, lý do gia đình bà Xuân mất danh hiệu văn hóa vì gia đình bà liên quan đến nhiều đơn kiện, khiếu nại.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc.

Tuấn Thanh