Nông dân và những việc làm "khiến người khác cũng phải ngước nhìn"

(Dân trí) - Thường bị xem là kém hiểu biết hơn, quê mùa và... Thế nhưng những việc làm mang đậm tính nhân văn của những “bác nông dân” ấy lại là tấm gương tiêu biểu về tình người trong xã hội ngày nay.

Chúng tôi một lần nữa có được những minh chứng để tự hào rằng đâu phải chỉ có người dân Nhật Bản mới nêu những tấm gương về tinh thần đoàn kết dân tộc, ý chí vươn lên cùng nhau vượt qua bao khó khăn trong thảm họa kép ngày 11/3 vừa qua, mà vẫn có đây đó những việc làm tuy nhỏ bé và có phần lặng lẽ của không ít đồng bào chúng ta cũng rất nhiều ý nghĩa.

 

Thời gian qua, dư luận đã nhiều lần lên tiếng trước những cảnh tượng “hôi của” đáng hổ thẹn hoặc hiện tượng vô cảm đang ngày càng tỏ rõ ở khá nhiều người dân. Và sự xuất hiện trở lại những tấm gương người tốt - việc tốt được báo chí nêu gương có tác dụng tích cực, giúp làm giảm độ nóng bức xúc cho  biết bao người.
 
Nông dân và những việc làm "khiến người khác cũng phải ngước nhìn" - 1

Hai trong bốn chủ nhân của chiếc cầu phao: Ông Trần Duy Bôn và ông Trần Công Chức. (Ảnh: Báo Quảng Trị)

 

Mới đây nhất là câu chuyện về bốn nông dân ở Quảng Trị bỏ tiền tỉ ra xây cầu bắc qua sông Bến Hải để phục vụ bà con đi lại, tiếp tục được đông đảo bạn đọc tôn vinh. Còn gì vui hơn khi ta lại được biết trong xã hội ngày nay vẫn có những con người chẳng hề suy tính thiệt hơn, sẵn sàng làm những công việc thầm lặng giúp ích cho cộng đồng.
 
Đáng quý hơn nữa khi họ là những nông dân – những người mà đôi khi còn bị không ít đồng bào trong chính cộng đồng Việt Nam của chúng ta (nhất là nhiều người tự coi mình là dân thành thị, dân sành điệu...) có phần coi nhẹ, gắn hai từ “nông dân”  với những hiểu biết hạn hẹp khi coi đa phần họ là cục mịch, thô lỗ hay kém hiểu biết…

 

Đã từ lâu thế giới đấu tranh với nạn phân biệt chủng tộc, phân biệt giai cấp. Tệ nạn  phân biệt chủng tộc có thể nói đã lụi tàn, nhưng những biến tướng của nó vẫn còn lẩn khuất đây đó dưới các dạng hình tinh vi hơn, khó nhận biết hơn.
 
Là những con người của thế kỷ 21, cớ sao một bộ phận người trong xã hội chúng ta lại vẫn cứ khư khư những quan niệm cổ hủ, đã quá lỗi thời khi phân biệt nông thông với thành thị, "người nhà quê" với "người thành phố"? Việt Nam đang trong tiến trình phát triển mạnh mẽ và hội nhập thế giới, chính chúng ta sẽ tự kéo mình thụt lùi nếu cứ khư khư sống với tư tưởng hẹp hòi, cá nhân trước đà phát triển như vũ bão của thế giới hiện đại.

 

Qua đây, tôi muốn nhấn mạnh rằng xuất thân hay nghề nghiệp của mỗi người đều không quan trọng, điều quan trọng là bạn đã đóng góp được gì cho xã hội cho sự phát triển của nước nhà. Bạn có thể là người học rộng, biết nhiều nhưng chưa chắc bạn đã có được những việc làm ý nghĩa cho cộng đồng, xã hội như những người nông dân chất phác này.

 

Hãy cùng hướng đến tương lai bằng những hành động thiết thực nhất dù là nhỏ.

Trần Bách