Bình Định:

Nông dân lo "thắt ruột" vì cây lúa bị "đầu độc"!

(Dân trí) - Thời gian qua, bà con nông dân ở khối Thiết Đính Nam, thị trấn Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn, Bình Định) rất lo lắng vì nước thải từ khu xử lý của Bãi chôn lấp, xử lý chất thải rắn Hoài Nhơn rò rỉ, chảy thẳng ra đồng ruộng ảnh hưởng đến sản xuất lúa.

Ruộng lúa bị “đầu độc”

Qua tìm hiểu, bãi chôn lấp, xử lý chất thải rắn Hoài Nhơn được xây dựng tại khu vực Gò Bà Nông, thuộc khối Thiết Đính Nam, thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn, Bình Định. Bãi xử lý này có quy mô 8,6 ha, thời gian chôn lấp 17 năm, công suất 35 tấn/ngày, hoạt động từ cuối năm 2016 đến nay.

Đám ruộng của ông Sĩ bị nước thải nhuộm đen ở nhiều nơi, khiến cây lúa bị chết.
Đám ruộng của ông Sĩ bị nước thải nhuộm đen ở nhiều nơi, khiến cây lúa bị chết.

Tuy nhiên, sau thời gian ngắn đi vào vận hành, tại khu vực xử lý nước thải của bãi chôn lấp xuất hiện nước thải rò rỉ ra bên ngoài. Theo người dân địa phương nước thải ngấm ra bên ngoài đều chảy về kênh mương nằm cạnh cánh đồng Bàu Súng. Theo quan sát, nước thải tồn đọng trong mương có màu đen đục, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Nhiều diện tích đất canh tác lúa ở đây bị nước thải nhuộm đen.

Chỉ tay vào đám ruộng diện tích 750m2 (1,5 sào ở phía sau khu xử lý nước thải bãi chôn lấp) bị nước thải nhuộm đen ngòm khắp mặt ruộng, ông Nguyễn Sĩ (64 tuổi, ở khối Thiết Đính Nam), bức xúc: “Trước kia đám ruộng chưa bị nhiễm bẩn từ bãi chôn lấp, mỗi vụ cho năng suất hơn 300 kg/sào. Thế nhưng, từ khi ruộng bị nhiễm chất thải, năng suất giảm xuống còn 170 kg/sào. Lo nhất là mỗi khi xuống giống, cây lúa bị chết tôi phải thuê công dặm đi dặm lại 2-3 lần, khi lúa trổ bông thì hạt bị lép”.

Theo ông Sĩ, trước đây trước khi chuẩn bị sạ lúa người dân thường phải phun thuốc diệt ốc bươu vàng nhưng nay chưa phun thuốc ốc cũng chết dày đặc. “Về lâu dài, chưa biết mức độ ảnh hưởng ra sao nhưng cái lo bây giờ là ai lội ruộng cũng bị ngứa rất khó chịu, lúa non thì bị chết rụi hoặc không thể phát triển nổi. Người dân và cử tri đã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được các ngành chức năng ở huyện giải quyết dứt điểm”, ông Sĩ nói.

Nước thải đen ngòm ngấm ra ruộng của dân.
Nước thải đen ngòm ngấm ra ruộng của dân.

Ông Nguyễn Thanh Long, Khối trưởng khối Thiết Đính Nam, cho biết: “Hiện tượng nước thải rò rỉ, chảy ra đồng ruộng đang gây nhiều khó khăn tới việc canh tác của bà con. Hiện chưa có thống kê chính xác nhưng diện tích bị ảnh hưởng tương đối nhiều. Lo lắng nhất hiện nay là đất đai ở cánh đồng Bàu Súng đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm, lâu dài nguồn nước ngầm có thể bị ảnh hưởng. Trong khi đó, người dân đi làm ruộng cũng lo lắng vì ngứa ngáy, bệnh tật”.

Huyện cam kết khắc phục sớm!

Liên quan đến vấn đề trên, ông Lê Văn Hùng, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Hoài Nhơn (đơn vị được UBND huyện Hoài Nhơn giao quản lý, vận hành bãi chôn lấp, xử lý chất thải rắn Hoài Nhơn), xác nhận có hiện tượng nước thải từ khu xử lý rò rỉ ra bên ngoài.

Hệ thống khu xử lý nước thải của bãi chôn lấp, xử lý chất thải rắn Hoài Nhơn bị hư hỏng khiến nước thải rò rỉ ra bên ngoài, chảy vào ruộng dân.
Hệ thống khu xử lý nước thải của bãi chôn lấp, xử lý chất thải rắn Hoài Nhơn bị hư hỏng khiến nước thải rò rỉ ra bên ngoài, chảy vào ruộng dân.

“Cuối năm 2016, khi bãi chôn lấp, xử lý chất rắn này đi vào hoạt động, nhưng thời đầu chưa có rác, nước rỉ phát sinh chưa có. Vì vậy, hệ thống máy móc ở khu xử lý không thể hoạt động. Khi rác thải có rồi, nước rỉ phát sinh thì hệ thống máy móc xử lý không thể vận hành do hư hỏng. Hiện nay, các van đóng mở nằm dưới các ô xử lý nước thải đã bị rỉ sét, dẫn tới nước thải bị rò rỉ ra bên ngoài”, ông Hùng lý giải.

Theo ông Dương Văn Tùng, Đội trưởng Đội quản lý trật tự đô thị Phòng Quản lý đô thị huyện Hoài Nhơn, hiện UBND huyện đã mời Công ty TNHH Môi trường Vạn Tường (trụ sở đóng tại TP Hồ Chí Minh - đơn vị lắp đặt hệ thống xử lý nước thải của bãi chôn lấp) ra khảo sát để tiến hành sửa chữa. Dự kiến, công việc duy tu, sửa chữa sẽ hoàn thành trước tháng 2/2018.

Đối với lượng nước bị rò rỉ ra kênh mương, thẩm thấu vào ruộng, đơn vị sẽ sử dụng máy bơm, hút vào bể để lưu lại. Riêng bà con nào có đất canh tác bị ảnh hưởng, đơn vị sẽ kiểm tra, đề xuất UBND huyện xem xét, hỗ trợ.

Bà Hồ Thị Hoan cho rằng do nước thải rò rỉ vào đám ruộng bà nên khi lội nước cấy lúa da chân bị lở loét nhiều chỗ.
Bà Hồ Thị Hoan cho rằng do nước thải rò rỉ vào đám ruộng bà nên khi lội nước cấy lúa da chân bị lở loét nhiều chỗ.

Hiện nay, UBND huyện Hoài Nhơn đã lập dự toán chi phí với số tiền 500 triệu đồng để khắc phục sự cố này.

Doãn Công