Đồng Tháp:

Nông dân làm lò sấy “vã mồ hôi” vẫn đóng lãi suất hàng tháng

(Dân trí) - Tháng 9/2012, ông Võ Văn Hưởng đến Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL vay 3,7 tỷ đồng xây dựng lò sấy lúa. Đến nay, ông Hưởng vẫn đóng lãi suất 40 triệu đồng/tháng, mặc dù Chính phủ có quy định đối tượng này được hỗ trợ lãi suất 0% trong 2 năm.

Sau nhiều lần nông dân Võ Văn Hưởng (ngụ tại số nhà 55, Lê Duẩn, P. Mỹ Phú, TP. Mỹ Tho) bổ sung hồ sơ vay tiền làm lò sấy lúa nhưng đến nay Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL – Chi nhánh Đồng Tháp trả lời hồ sơ vẫn chưa thoả “điều kiện” để được ngân hàng cho hưởng lãi suất 0% theo quyết định 65 của Thủ tướng Chính phủ (65/2011/QĐ –TTg ngày 2/12/2011) về chính sách hỗ trợ nhằm giảm thất thoát sau thu hoạch đối với nông sản, thuỷ sản.

Không thể bổ sung thêm hồ sơ được nữa, ông Hưởng làm đơn kiến nghị gửi đến báo Dân trí. Qua đơn kiến nghị, ông Hưởng trình bày ngày 12/9/2012 ông đến Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL – Chi Nhánh Đồng Tháp làm hồ sơ vay 3,7 tỷ đồng xây dựng một hệ thống lò sấy gồm 8 lò, nhà xưởng và băng tải, vít tải với công suất 240 tấn/mẻ (12 giờ) tại ấp Mỹ Thị B, xã Mỹ An, H. Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.

Nông dân làm lò sấy “vã mồ hôi” vẫn đóng lãi suất hàng tháng

Sau khi bổ sung 13 loại giấy tờ theo yêu cầu của ngân hàng phát triển nhà - Chi nhánh Đồng Tháp, ông Hưởng vẫn chưa được hỗ trợ lãi suất theo quyết định 65 của Thủ tướng Chính phủ

Đến ngày 17/9/2012, Ngân hàng Phát triển nhà giải ngân cho ông Hưởng tổng số tiền là 3,7 tỷ đồng và ngân hàng buộc ông Hưởng chuyển khoản cho DNTN Năm Nhã (đơn vị lắp đặt lò sấy cho ông Hưởng) số tiền 2,1 tỷ đồng (chi phí lắp đặt lò sấy), số tiền còn lại 1,6 tỷ đồng ngân hàng cho ông Hưởng nhận tiền mặt.

Ông Hưởng bức xúc nói: “Trước khi làm hồ sơ vay tiền làm lò sấy, ngân hàng một mực khẳng định với tôi sẽ được hỗ trợ lãi suất 0% trong hai năm đầu theo quyết định 65 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách giảm thất thoát sau thu hoạch đối với nông sản, thuỷ sản. Nhưng đến nay đã hơn 3 tháng trôi qua, tôi đã bổ sung 13 loại giấy tờ theo yêu cầu của ngân hàng nhưng đến nay tôi vẫn phải đóng lãi suất hàng tháng trên 40 triệu đồng”.

Trao đổi với PV Dân trí xung quanh sự việc này ông Nguyễn Việt Thanh – Phó Giám đốc Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL – Chi nhánh Đồng Tháp cho biết: “Ông Võ Văn Hưởng là khách hàng đầu tiên ngân hàng giải ngân theo quyết định 65 của Thủ tướng Chính phủ. Do đó chúng tôi cũng rất thận trọng trong việc xem xét hồ sơ? Và trong hợp động xây dựng lò sấy giữa ông Hưởng và DNTN Năm Nhã chưa ghi rõ các hạng mục, ký hiệu,… mà DN Năm Nhã đăng ký với Bộ NN và PT Nông thôn. Để tháo gỡ vướng mắc này, ngân hàng sẽ hướng dẫn ông Hưởng làm lại hợp đồng với DN Năm Nhã, thể hiện chi tiết hơn để chúng tôi dễ xem xét”.

Nông dân làm lò sấy “vã mồ hôi” vẫn đóng lãi suất hàng tháng

Ngoài gửi đơn đến báo Dân trí, ông Hưởng còn gửi đến UBND tỉnh Đồng Tháp, Sở NN và PTNT, Ngân hàng nhà nước,... nhưng đến nay vẫn chưa có đơn vị nào trả lời hay hướng dẫn ông.
 
Theo ông Hưởng, sau đó ngân hàng có mời ông đến làm việc và hướng dẫn ông làm lại hợp đồng với DN Năm Nhã. Tuy nhiên khi cán bộ ngân hàng đến nhiệm thu lò sấy lúa thì cho rằng mái che nhà xưởng, băng tải, lò đốt,… phải đóng nhãn mác DN Năm Nhã. Trong khi các hạng mục này DN Năm Nhã đã được Bộ NN và PTNT xác nhận bằng quyết định 244/QĐ – BNN – CB ngày 10 tháng 02 năm 2012 về việc công bố cá tổ chức, cá nhân sản xuất máy móc, thiết bị giảm tổn thất sau thu hoạch được hưởng chính sách theo quyết định 65/2011/QĐ – TTg ngày 02/12/2011.

Ông Dương Xuân Quả - Giám đốc DNTN Năm Nhã cho biết: “Hiện khu vực ĐBSCL còn thiếu hàng ngàn lò sấy. Nếu quyết định 65 của Thủ tướng Chính phủ được khơi thông thì ý nghĩa giảm thất thoát sau thu hoạch đối với lúa là hết sức ý nghĩa. Vì vậy, là doanh nghiệp chuyên lắp đặt lò sấy lúa tôi rất mong cơ quan ban ngành có liên quan đến vấn đề này cần tìm hướng tháo gỡ để các nông dân đang bị “mắc kẹt” như ông Hưởng được giải cứu, cùng với Chính phủ góp phần giảm thất thoát sau thu hoạch, tăng chuỗi giá trị cho mặt hàng nông sản và thuỷ sản”.

Mới đây ông Hưởng hỏi thăm kết quả, cán bộ ngân hàng cho biết đang chờ xin ý kiến chỉ đạo từ Hội sở chính. Thiết nghĩ, Chính phủ đã có quyết định kịp thời đúng lúc cho ngành nông sản, thuỷ sản (hai ngành chủ lực của kinh tế đất nước -PV)  trong giai đoạn hiện nay. Một mặt góp phần giảm thất thoát sau thu hoạch, giúp nông dân có lời, mặt khác khuyến khích doanh nghiệp trong nước sản xuất và tiêu thụ sản phẩm “made in Việt Nam”. Nhưng với những “rào cản” mà Ngân hàng Phát triển nhà – Chi Nhánh Đồng Tháp đang đè lên người nông dân thì xem ra chính sách hỗ trợ của Chính Phủ còn quá xa vời để người nông dân tiếp cận.

 Nguyễn Hành