Nỗi niềm của một trí thức vùng sâu

Đọc bài “<a href="http://dantri.com.vn/diendandantri/Vi-sao-can-bo-co-nang-luc-xin-nghi-viec/2008/7/242338.vip">Vì sao cán bộ nhà nước bỏ việc</a>” trên Diễn đàn Dân trí, tôi cũng là người trong cảnh ngộ, cho nên muốn tham gia trao đổi ý kiến về vấn đề này.

Hy vọng rằng sẽ có những chuyển biến cơ bản về chính sách sử dụng trí thức đúng với tinh thần của Hội nghị lần thứ bảy BCH T.Ư Đảng vừa mới họp xong.

Vốn sinh ra ở một vùng sâu của tỉnh Đồng Tháp, thuộc tầng lớp nông dân, tôi phải khắc phục nhiều khó khăn để theo đuổi chí hướng học tập trong lúc nhiều bạn bè cùng trang lứa phải bỏ học giữa chừng.

Đến năm 1994, tôi tốt nghiệp ĐH ngành Kinh tế và được trở về quê hương công tác đúng với nguyện vọng của bản thân. Tôi nhận công tác tại một Chi nhánh Ngân hàng ở một huyện của tỉnh Đồng Tháp. Lúc bấy giờ tiền lương rất ít ỏi, hệ số 1,78 cho bậc ĐH. Lúc đầu vào làm việc tôi nghĩ mình đã có điều kiện để phục vụ cho quê hương sau bao năm học tập, không nghĩ đến những khó khăn vì lương ít. Qua một số năm công tác tại đơn vị, tôi thấy yên tâm phấn đấu vì có điều kiện phát huy và ứng dụng những gì bản thân học được ở nhà trường vào công việc thực tế.

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Rất tiếc những năm sau đó, cơ quan tôi bắt đầu mất đoàn kết sinh ra tình trạng không tập trung chăm lo công việc mà chỉ lo kéo bè kéo phái, thu vén quyền lợi cá nhân và ganh tị nhau… Điều đó làm tôi nản lòng, đặc biệt là thấy bất bình trước tình trạng không công bằng trong việc sử dụng, bố trí và trù dập những người không nghe theo họ. Sống trong tình cảnh như vậy, tôi không thể yên thân chăm lo công việc của mình, đành tìm đến một số cơ quan cấp trên trong tỉnh, mong nhận được sự thông cảm và giúp đỡ để tìm được công việc khác tại quê nhà.

Tuy nhiên, mọi việc hoàn toàn không như tôi nghĩ mà còn nhận được trả lời là không thể giúp đỡ và chấp nhận lời đề nghị của tôi, mặc dù trong quá trình công tác, tôi là một một cán bộ tốt, từng là phó bí thư chi đoàn  TNCS Hồ Chí Minh; hàng năm đều có chứng nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năm 2005, tôi còn nhận được giấy khen của UBND huyện làm tốt công tác Xóa đói giảm nghèo 5 năm từ 2000-2005. Cuối cùng, tôi đành bỏ quê hương, vợ con, lên TPHCM để tìm một công việc làm khác.

Cách đây ít ngày, tôi được nghe đồng chí Tổng bí thư Nông Đức Mạnh phát biểu tại Hội nghị lần thứ bảy BCH T.Ư Đảng về việc sử dụng và trọng dụng tri thức trong thời kỳ mới mà lòng tôi thấy thật bồi hồi xúc động pha lẫn với sự xót xa. Tôi viết bài này không phải thanh minh cho bản thân và đấu tranh với ai vì sự việc đã qua rồi, chỉ muốn nói lên việc sử dụng trí thức ở không ít địa phương không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng và hy vọng rằng sau Hội nghị TƯ 7, chính sách đào tạo, bồi dưỡng cũng như sử dụng đội ngũ trí thức sẽ được đổi mới về cơ bản đúng với yêu cầu của thời kỳ mới, tạo điều kiện cho mọi người trí thức được làm việc và cống hiến hết sức mình cho đất nước dù làm việc ở đâu hay trên cương vị công tác nào.

Nguyễn Văn Tèo
Teo161175@yahoo.com


LTS Dân trí - Đọc bài viết trên đây của một người trí thức vốn quê ở vùng sâu Đồng Tháp Mười, cố gắng phấn đấu học xong đại học và mong muốn được trở về quê hương phục vụ. Đấy là nguyện vọng chính đáng và thật đáng trân trọng nhưng tiếc rằng nguyện vọng đó không được thực hiện đến cùng. Mặc dù lương ít, đời sống khó khăn vẫn khắc phục được, nhưng sự bất ổn của môi trường làm việc tạo nên sự bất an đối với người cán bộ này, cho nên cuối cùng đành ‘rũ áo” ra đi, gác lại ước vọng được phục vụ quê hương, để lại vợ con ở quê nhà, để lên tìm việc ở TP Hồ Chí Minh, nơi không thiếu cán bộ tốt nghiệp đại học như quê hương anh. Đấy thật là một nghịch lý trớ trêu.

Tăng cường cán bộ tốt nghiệp đại học cho các vùng đất còn nhiều khó khăn, những vùng sâu, vùng xa, vùng cao để đưa các vùng này tiến kịp miền xuôi là một chủ trương được Đảng và Nhà nước ta coi trọng, nhất là trong giai đoạn mới. Tạo điều kiện cho họ yên tâm công tác lâu dài tại đây là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng cũng như chính quyền địa phương và trực tiếp là các cơ quan sử dụng cán bộ. Việc khuyến khích người tại chỗ sau khi học xong đại học trở lại quê hương phục vụ là một chủ trương hợp tình hợp lý cần được quan tâm làm tốt hơn nữa. Không để xảy ra trường hợp đáng tiếc như tác giả viết bài trên đây