Nỗi lo mang tên TOEFL, IETLS của các... cao học viên

Ngày 5/8/2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thay đổi Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ. Quy chế này đòi hỏi các học viên trước khi bảo vệ luận văn thạc sĩ phải có trình độ ngoại ngữ là TOFEL ITP 450, TOEFL IBT 45 hoặc IETLS 4.5 trở lên. Nhưng...

Ngày 5/8/2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 45/2008/QĐ-BGDĐT về việc thay đổi Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ. Điểm mới của quy chế này so với trước đó là đòi hỏi các học viên trước khi bảo vệ luận văn thạc sĩ phải có trình độ ngoại ngữ là TOFEL ITP 450, TOFEL IBT 45 hoặc IETLS 4.5 trở lên hoặc tương đương trong thời hạn 2 năm kể từ ngày cấp chứng chỉ; hoặc có bằng tốt nghiệp đại học ngành tiếng Anh, bằng tốt nghiệp đại học tại nuớc ngoài mà ngôn ngữ sử dụng trong giảng dạy là tiếng Anh, bằng tốt nghiệp đại học trong nuớc mà ngôn ngữ sử dụng trong giảng dạy chuyên môn là tiếng Anh không qua phiên dịch. Như vậy, đối với các học viên cao học, môn ngoại ngữ không chỉ là điều kiện cần mà còn là điều kiện đủ để họ có thể bảo vệ luận văn và nhận tấm bằng thạc sĩ.

Theo tôi được biết, thì TOEFL, IETLS - là những bài kiểm tra trình độ tiếng Anh (Mỹ). Bài kiểm tra này bao gồm các kĩ năng: nghe, nói, đọc, viết. TOEFL, IETLS nhằm đánh giá kỹ năng hiểu và sử dụng tiếng Anh chuẩn Mỹ của một người đạt đến trình độ có thể sử dụng ở bậc đại học. Thông thuờng, trước đây người ta chỉ yêu cầu chứng chỉ TOEFL, IETLS khi nhập học ở hầu hết các trường đại học và cao đẳng ở Mỹ.

Vâng, trong thời kì hội nhập kinh tế quốc tế, việc đào tạo nhân tài một cách toàn diện để có thể theo kịp xu thế chung của thời đại là một điều dễ hiểu và hợp lí. Tuy nhiên, khi đề cập đến vấn đề này đã có rất nhiều ý kiến khác nhau, tất cả đều xoay quanh việc liệu quyết định này của Bộ Giáo dục khi đưa vào thực hiện trong thực tiễn có khả quan hay không? Có mang lại kết quả như mong muốn hay không? Ở đây tôi không lấy ý kiến ở những trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục lớn như Hà Nội, TPHCM... mà tôi chỉ ghi lại những nỗi âu lo, băn khoăn của những học viên Cao học ở trường Đại học Vinh - nơi có truyền thống đào tạo thạc sĩ suốt 17 năm qua.

Theo anh Hồ Xuân Bắc (CH Chính trị): “TOEFL, IETLS là những thuật ngữ rất xa lạ. Chỉ khi đã bắt đầu vào năm học thì chúng tôi mới nghe được thông tin này. Từ khi học tiếng Anh, chúng tôi chưa bao giờ được tiếp xúc với cách học tập tiếng Anh với lối học hiện đại, mà chỉ học vẹt, phát âm theo giáo viên, thiên về ngữ pháp. Những kĩ năng như nghe, đọc, nói cũng chưa bao giờ được chú trọng. Ngay cả học đại học cũng chỉ học theo cách đấy. Ra trường vốn liếng tiếng Anh chẳng được bao nhiêu, công việc thì cũng không cần đến, mai một hết cả. Giờ bảo bắt buộc phải có trình độ tiếng anh quốc tế gì đấy, chẳng biết làm sao..."

Theo chị Lê Thị Giang (CH Văn): Khi học Đại học, môn ngoại ngữ bắt buộc của chúng tôi là tiếng Trung, đó là chưa kể có một số khoa còn học cả tiếng Nga. Theo tôi, muốn xây một ngôi nhà đẹp phải có một cái móng thật vững, muốn cây tốt tươi thì phải có gốc rễ. Nhưng trên thực tế thì chỉ những năm gần đây, môn tiếng anh mới thực sự đuợc chú trọng và cũng chỉ là ở những thành phố lớn. Còn ở mấy tỉnh lẻ thì cho đến tận bây giờ cũng chẳng nơi nào dạy một cách bài bản và có khả năng đào tạo học sinh "có trình độ tiếng anh quốc tế" cả.

Theo chị Nguyễn Kim Thư (CH Toán): Giờ Bộ ban hành thế, thì chúng tôi cũng cũng phải chấp hành chứ biết làm gì. Không biết có ra trường nổi không nữa. Tôi học Cao học cũng để về dễ xin việc hơn, giờ cơ chế càng ngày càng khó. Tôi cũng cố gắng tự học tiếng anh, nhưng cái gì tự học cũng có cái hạn chế của nó, người xưa bảo "không thầy đố mày làm nên" còn gì...

Được biết, trước đây ở khu vực Bắc Trung Bộ, không có một cơ sở nào đào tạo chương trình tiếng anh quốc tế, nhưng từ sau khi Bộ đưa ra quyết định này, thì ở Thành phố Vinh mới bắt đầu rục rịch mở các trung tâm, các cơ sở đào tạo và luyện thi Toeft. Việc này âu cũng chỉ là chiêu thức đối phó theo kiểu có cầu thì ắt có cung, liệu chất lượng của nó có đạt theo tiêu chuẩn quốc tế hay không cũng là một điều đáng bàn.

Vì vậy, đối với các học viên Cao học, việc chuyển đổi từ lối học truyền thống với lượng kiến thức hạn chế sang tiếp thu lối học Tiếng Anh hiện đại và mới mẻ đã là một điều khó, đó là chưa kể việc làm sao để tìm kiếm một cơ sở đào tạo Tiếng Anh đủ tiêu chuẩn để có thể tham gia học và thi lấy chứng chỉ Toeft lại còn là một bài toán còn dang dở. Vì thế mà cho đến lúc này, khi quyết định của Bộ Giáo dục đã được đưa vào thực thi, thì anh chị em Cao học ở Trường Đại học Vinh vẫn luôn canh cánh một nỗi lo - nỗi lo mang tên TOEFL, IETLS.
 Ngọc Trang