Bạn đọc viết:

Nói không với bệnh thành tích: “Cần phối hợp cả chiều ngang - chiều dọc”

(Dân trí) - Không riêng gì ngành giáo dục, mà tôi thấy hầu hết ở tất cả các lĩnh vực, chúng ta chống cái gì thì dường như lại tạo điều kiện cho cái đó phát huy hơn. Ví dụ như chống bệnh thành tích, chống tiêu cực, chống tham nhũng…

Nói không với bệnh thành tích: “Cần phối hợp cả chiều ngang - chiều dọc” - 1
Thí sinh làm bài thi tại ĐH Thăng Long (ảnh: dhthanglong.net)
 
Bản thân cũng là một giáo viên, tôi cũng rất bức xúc với tình trạng hiện nay của nền giáo dục nước nhà. Mặc dù tỷ lệ đậu tốt nghiệp là cao chót vót nhưng đó chỉ là tỷ lệ ảo, do những lý do khách quan của xã hội và thời thế. Đó là hệ lụy của bệnh thành tích và tiêu cực trong thi cử.

 

Bởi học sinh không cần học cũng đậu vào lớp 10. Thi 3 môn, nhân đôi toán - văn là thành 5 môn cộng với điểm nghề... Vậy mà điểm tuyển sinh nhiều nơi chỉ 15,5, trường lấy cao nhất của huyện tôi cũng chỉ 22.

 

Vào lớp cấp 3 dễ, ra lại càng dễ hơn. Tốt nghiệp năm nào cũng đậu với tỷ lệ trên trời, phần lớn học sinh còn tuyên bố rằng: Học làm gì, tốt nghiệp ai mà được phép rớt đâu. Chỉ có đề giấy trắng mới rớt thôi. Chỉ có những học sinh muốn đậu trường đại học “ngon” thì mới lao vào học thực sự. Nhiều trường mỗi môn 3 điểm cũng đậu, vậy thì cần gì học?

 

Xưa nay vẫn thế: cái gì khó đoạt thì người ta nỗ lực hết mình mà chiếm và sung sướng với chiến thắng đó. Còn những cái dễ dãi thì chẳng thèm. Việc học cũng thế thôi. Chính cái bệnh thành tích và tiêu cực làm cho học sinh chán học và cả không tôn trọng người giáo viên nữa. Bởi thế mà chất lượng giáo dục và đạo đức học sinh, theo tôi, vẫn là 1 điều có thể nói là "ung nhọt" của xã hội.

 
Nói không với bệnh thành tích: “Cần phối hợp cả chiều ngang - chiều dọc” - 2
Học trò ở Úc học thật thoải mái, thi cử ít nhưng phản ảnh đúng trình độ (ảnh: news1.smartweb.vn)
 

Vậy làm thế nào mà chúng ta đẩy lùi nó? Muốn làm được điều đó cần có sự phối hợp cả chiều ngang và chiều dọc. Chúng ta hãy xem một phép thử nhé:

 

Nếu thi tuyển sinh lớp 10 năm 2012, 2013, điểm chuẩn ít nhất mỗi môn phải 5 điểm thay vì 15 điểm/5 môn như bây giờ. Có thể với số điểm như vậy trường không đủ chỉ tiêu 6-7 lớp thay vì 9 lớp. Học sinh không đậu phải học dân lập, bổ túc... Nhưng có như vậy học sinh mới có động lực để phấn đấu. Vai trò của người giáo viên cũng được coi trọng như vốn dĩ của nó.

 

Tốt nghiệp cấp 3 cũng vậy. Phải làm “căng”, năm nay không đậu năm sau thi lại chứ không có chuyện “thương” và dễ dãi đối với các em. Rồi các trường đại, học cao đẳng tuyển sinh cũng vậy, lấy điểm cao rồi lấy tiếp nguyện vọng 2, 3 để có các sinh viên chất lượng chứ không phải cứ “đủ em, đủ tiền” là được.

 

Tôi nghĩ, các cấp học cao phải là động lực thúc đẩy ngành giáo dục phát triển, chứ không phải là xây một tòa nhà cao tầng mà không có nền móng vững chắc.

 

Tôi đang hi vọng đội ngũ nhà giáo cũng như toàn xã hội hãy chung tay vì một nền giáo dục có chất lượng cao, chứ không phải kiểu: "lương thầy đừng ai sờ vào", còn cái khác thì "sống chết mặc bay".

 

Tu Pham 

ngoctupham0110@live.com