Nỗi bất an sau một phiên toà

(Dân trí) - Đọc xong bài “Bị bắn vì “tư tình” với bồ nhí của đại ca” trên Dân trí ngày 19/5, tôi bàng hoàng, lo lắng. Phải chăng đây là vụ xử án thiếu công minh, sẽ tạo ra một tiền lệ xấu cho việc xét xử các vụ án khác?

Thoát tội nhờ... "hoang tưởng"

 

Nghi ngờ Bùi Công Trung “tư tình” với vợ bé của mình, đối tượng Đỗ Tiến Cường (TPHCM) cùng Đỗ Đức Tài đã đến tận nhà anh Trung. Cường sai Tài trói tay, bịt miệng, cắt gân chân anh Trung. Nửa tháng sau, ngày 15/6/2009, khi anh Trung đang đi bộ trên vỉa hè, đối tượng Đỗ Tiến Cường ngồi sau xe máy do Đỗ Đức Tài chở, đã dùng súng bắn vào hông anh Trung rồi tẩu thoát. Được cấp cứu kịp thời, anh Trung thoát chết nhưng bị thương tật vĩnh viễn 17%.

 

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Đối tượng Đỗ Tiến Cường là một tay giang hồ cộm cán, đã từng nhiều lần vào tù ra khám. Từ năm 2006, y đã tập hợp một đường dây chuyên bảo kê và cho vay nặng lãi. Y đã mua súng K.54 để sử dụng.

 

Trước đó, ngày 6/6/2009, trong một vụ xô xát, đối tượng Cường đã sử dụng súng K.54 bắn sượt đỉnh đầu một người. Công an vào cuộc nhưng không bắt được y.

 

Những tưởng với phiên toà này, người có tội sẽ bị xử lý đúng pháp luật. Thế nhưng, thật bất ngờ khi người bị kết tội nặng nhất là Đỗ Đức Tài với mức án 13 năm tù về tội “giết người” và “không tố giác tội phạm”. Bùi Công Trung, là nạn nhân, bị xử phạt 6 tháng tù về tội “không tố giác tội phạm”.

 

Riêng đối tượng Đỗ Tiến Cường, kẻ chủ mưu và trực tiếp cầm súng giết người lại thoát tội vì được xác định là đang bị “rối loạn tâm thần”, “hoang tưởng ghen tuông và kích thích bởi ma túy nên giảm khả năng nhận thức và điều khiển hành vi”. Vì vậy, đối tượng này chỉ bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh, nếu có cơ sở sẽ xử lý.

 

Những dấu hiệu bất thường

 

Trước hết, đối với bị cáo Đỗ Đức Tài, TAND TPHCM vừa xử sót tội, vừa xử không đúng tội. Tài đã trói tay chân, bịt miệng, rồi cắt gân chân anh Trung (theo lệnh của Đỗ Tiến Cường). Với những hành vi này, Tài phải bị truy tố về các tội danh “hành hạ người khác” và “cố ý gây thương tích” theo điều 104 và điều 110 Bộ Luật hình sự. Thế nhưng, những hành vi này không được nhắc đến trong phiên toà.

 

Trong khi đó, Tài lại bị truy tố về hành vi “giết người”. Trong tình huống Bùi Công Trung bị bắn, Tài chỉ làm nhiệm vụ chở Đỗ Tiến Cường đi gây án và tẩu thoát, còn đối tượng Cường trực tiếp cầm súng bắn anh Trung. Trong sự việc này, Cường là người tổ chức, và trực tiếp giết người, còn Tài chỉ là đồng phạm. Với địa vị là đàn em, Tài bị lệ thuộc vào Cường, và đây là một tình tiết giảm nhẹ. Vì vậy, kết án Tài với tội danh “giết người” là không thoả đáng, đúng ra phải là “đồng phạm giết người”. Đã bị kết tội “giết người” (vai trò đồng phạm), Tài còn bị kết tội “không tố giác tội phạm” là kiểu xử “tội chồng lên tội”. Thông thường, các đối tượng bị xử lý về tội danh này thường là người “ngoài cuộc”, nghĩa là không trực tiếp nằm trong số các đối tượng phạm tội.  

 

Nạn nhân Bùi Công Trung bị TAND TPHCM kết tội “không tố giác tội phạm” với mức án 6 tháng tù giam, theo chúng tôi là quá nặng. Theo điều 314 Bộ Luật hình sự, tội danh “không tố giác tội phạm” có chế tài từ phạt cảnh cáo đến 3 năm tù giam. Tình tiết tăng nặng của tội danh này là tính vụ lợi hoặc gây khó khăn cho cơ quan điều tra.
 
Nỗi bất an sau một phiên toà - 1

Các “đầu gấu” khét tiếng Sài Gòn trước vành móng ngựa

 

Trong tình huống này, Bùi Công Trung là nạn nhân, thủ phạm vốn là “đại ca” của hắn, lại có vũ khí nóng nên việc tố giác rất nguy hiểm cho bản thân. Mặt khác, đối tượng Đỗ Tiến Cường đang là đối tượng tội phạm của một vụ án trước đó (dùng súng bắn sượt đỉnh đầu người khác). Do đó, nếu như lực lượng công an đã bắt giữ được Cường để xử lý về hành vi sử dụng súng, vũ khí quân dụng trái phép thì Cường không thể thực hiện được hành vi bắn Bùi Công Trung. 

 

Bất ngờ nhất là “ông trùm” giang hồ Đỗ Tiến Cường không bị xử lý hình sự vì lí do được xác định là “bị rối loạn tâm thần”, và giết người trong trạng thái “hoang tưởng ghen tuông và kích thích bởi ma túy nên giảm khả năng nhận thức và điều khiển hành vi”. Đây là một kết luận võ đoán, không có cơ sở.

 

Thứ nhất, sau khi ra tay giết người, biết không thể lọt lưới pháp luật, đối tượng Đỗ Tiến Cường đã gọi điện cho người nhà đến chỗ cất giấu lấy súng nộp cho công an. Đây không thể là hành vi của một kẻ bị “rối loạn tâm thần” hay “hoang tưởng” được.

 

Thứ hai, từ khi Cường gây án (15/6/2009) đến khi bị bắt (5/8/2009) cách nhau 1 tháng 20 ngày. Trong thời gian này, không hề có một xét nghiệm nào của cơ quan chuyên môn để xác định đối tượng này bị “rối loạn tâm thần”, “hoang tưởng ghen tuông” hay “kích thích bởi ma tuý”. Giả sử sau khi bị bắt, cơ quan điều tra có tổ chức xét nghiệm, thì kết quả này cũng không có giá trị. Hiện không có bằng chứng nào chứng minh tại thời điểm gây án, đối tượng Đỗ Tiến Cường có sử dụng ma tuý hay có biểu hiện rối loạn tâm lý. 

 

Thứ ba, theo Tiền phong ngày 7/8/2009, ngay sau khi bị bắt, đối tượng Đỗ Tiến Cường khai nhận bắn Bùi Công Trung là do nghi ngờ Trung quan hệ bất chính với “vợ bé” của mình, không có nguyên nhân “rối loạn tâm lý, hoang tưởng” hay kích thích bởi ma tuý.

 

Chẳng lẽ từ năm 2006 (khi mua súng) cho đến suốt 3 năm sau đó (đến năm 2009 bị bắt), đối tượng Đỗ Tiến Cường đều bị “kích thích bởi ma tuý”?

 

Ai cũng biết ghen tuông có thể làm con người trở nên ích kỉ và tàn nhẫn. Nhưng những người phạm tội do ghen tuông từ trước đến nay đều bị pháp luật xử lý nghiêm minh.
 
Năm 1998, Vũ T.D Q (Hà Nội), do ghen tuông đã ném con riêng 5 tuổi của chồng xuống sông Hồng. Q đã bị toà tuyên án tử hình, sau giảm xuống chung thân nhờ đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi. Năm 2006, Nguyễn DC (Nghệ An) đâm nhiều nhát chí mạng vào bạn gái cũng vì ghen tuông và đã bị kết án 8 năm tù.

 

Cả hai đối tượng này (và rất nhiều đối tượng khác phạm tội vì máu “Hoạn Thư”) đều không được hưởng tình tiết giảm nhẹ “do ghen tuông”. Do đó, khái niệm “hoang tưởng ghen tuông” hay “hoang tưởng vì ghen tuông” có thể nói là một “sáng tạo độc chiêu” của TAND TPHCM!

 

Tiền lệ nguy hiểm

 

Thật khó tin, TAND TPHCM đã dựa vào lời khai của hung thủ, xem đó như là căn cứ để quyết định tạm thời đình chỉ điều tra, không trừng phạt kịp thời một trùm tội phạm nguy hiểm đã có nhiều tiền án, tiền sự, ngang nhiên lộng hành, sử dụng vũ khí nóng, coi thường tính mạng người khác. Chỉ với những căn cứ mơ hồ như “rối loạn tâm lý”, “hoang tưởng ghen tuông”, “kích thích bởi ma tuý”, một tên trùm giang hồ cực kì nguy hiểm  đã dễ dàng “lọt lưới” pháp luật.

 

Liệu cách hành xử của TAND TPHCM đã đúng với nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa? Khoản 2, Điều  3 Bộ Luật hình sự nêu rõ: “Nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, lưu manh, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội; người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả nghiêm trọng”.

 

Vụ án này có thể trở thành một tiền lệ vô cùng nguy hiểm, khi mà những tay tội phạm khét tiếng sẽ khai là hành động do “hoang tưởng” hay “bị kích thích bởi ma tuý” là sẽ khỏi phải ngồi tù, dựa cột.

 

Hiện nay trên địa bàn TPHCM nói riêng và cả nước nói chung có rất nhiều đối tượng nghiện ma tuý, trong đó có một tỷ lệ tội phạm (hoặc có khả năng trở thành tội phạm) khá cao. Liệu sau khi dính án, các đối tượng này đều khai hành động do “ma tuý kích thích” thì các cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ “ăn nói” ra sao?

 

                                                                        Trần Quang Đại

                                                                             (Hà Tĩnh)

 

LTS Dân trí-Muốn bảo vệ trật tự và an ninh xã hội cũng như cuộc sống yên bình của mọi người dân thì trước hết những người “cầm cán cân công lý” phải thật sự công minh, khách quan, trừng trị đúng người đúng tội, nhưng  thực tế vụ xét xử vừa qua của Tòa án TPHCM đã diễn ra không đúng như vậy.

 

Bài viết trên đây nói lên nhiều điều không thể chấp nhận qua vụ xét xử đã gây ra sự bất bình đối với nhiều người có lương tri này. Mong rằng TPHCM cũng như cơ quan Tòa án cấp trên xem xét lại vụ án đó và xử lý nghiêm khắc kẻ chủ mưu, kiên quyết không để lọt tội vì những lý do vu vơ không có căn cứ đáng tin cậy.