Ninh Bình: Dẹp bãi cát “lậu”, xưởng dăm gỗ “nhởn nhơ” hoạt động

(Dân trí) - Hàng loạt bãi tập kết cát trái phép bên sông Hoàng Long đã bị huyện Gia Viễn (Ninh Bình) dẹp bỏ sau phản ánh của báo Dân trí, tuy nhiên trên tuyến sông này một xưởng chế biến dăm gỗ quy mô lớn không phép, ngang nhiên vi phạm pháp luật hiện vẫn “nhởn nhơ” hoạt động.

Sau khi báo Dân trí có loạt bài phản ánh về tình trạng hàng loạt bãi cát “lậu” ngang nhiên hoạt động dọc theo tuyến sông Hoàng Long, đoạn qua huyện Gia Viễn (Ninh Bình), chính quyền địa phương đã vào cuộc, mạnh tay dẹp bỏ các bãi cát trái phép này.

Theo ghi nhận của PV Dân trí, đến thời điểm hiện tại các chủ bãi cát đang di dời cát khỏi bãi tập kết để trả lại mặt bằng cho chính quyền địa phương, cũng như giải tỏa hành lang đê điều, phòng chống thiên tai.

Xưởng chế biến dăm gỗ hoạt động không phép, vi phạm Luật Đê điều và Phòng chống thiên tại bên sông Hoàng Long, xã Gia Phú, Gia Viễn (Ninh Bình).
Xưởng chế biến dăm gỗ hoạt động không phép, vi phạm Luật Đê điều và Phòng chống thiên tại bên sông Hoàng Long, xã Gia Phú, Gia Viễn (Ninh Bình).

Chính quyền vào cuộc dẹp các bãi cát “lậu” là thế, nhưng hiện nay trên địa bàn xã Gia Phú (Gia Viễn) một xưởng chế biến dăm gỗ lớn không phép, vẫn ngang nhiên hoạt động, thách thức cơ quan chức năng, “nhởn nhơ” ngoài vòng pháp luật, bất chấp Luật Đê điều và Phòng chống thiên tai.

Theo đó, xưởng chế biến dăm gỗ này tồn tại nhiều năm nay bên bờ sông Hoàng Long, sát với chân đê tả sông này, nằm trên địa bàn thôn Ngô Đồng. Ông Vũ Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Gia Phú thừa nhận, xưởng dăm gỗ này tồn tại đã lâu trên địa bàn, chính quyền xã hiện bó tay trong cách xử lý.

“Trước đây, diện tích đất của công ty chế biến dăm gỗ này là đất công ích được xã cho thuê vào năm 2015, nhưng khi biết đơn vị này xây dựng xưởng chế biến dăm gỗ vi phạm xã đã hủy hợp đồng. Tuy nhiên, đến nay đơn vị này vẫn chưa chịu di dời xưởng chế biến này”, ông Sơn nói.

Khi được hỏi, chủ xưởng dăm gỗ này là ai? Ông Sơn không nhỡ rõ, sau đó gọi điện thoại cho cán bộ cấp dưới để hỏi nhưng cũng không nhận được câu trả lời chính xác. Vị Chủ tịch UBND xã Gia Phú chỉ nhớ tên công ty mang máng là Mai Linh gì đó. Ông Sơn nói: “Giờ muốn biết rõ của đơn vị nào phải xem trong bản hủy hợp đồng thuê đất giữa xã và công ty mới biết được. Nhưng hiện tại cán bộ giữ bản hợp đồng này của xã đang đi vắng nên chưa cung cấp cho các anh (phóng viên) được”

Chính quyền xã bó tay trong cách xử lý xưởng chế biến dăm gỗ vi phạm luật.
Chính quyền xã bó tay trong cách xử lý xưởng chế biến dăm gỗ vi phạm luật.

Theo tìm hiểu của PV Dân trí, xưởng chế biến dăm gỗ tại thôn Ngô Đồng, xã Gia Phú nằm trong hành lang bảo vệ đê và hành lang thoát lũ của sông Hoàng Long, vi phạm Luật Đê điều và Phòng chống thiên tai đã được UBND huyện Gia Viễn đưa vào danh sách phải dẹp bỏ.

Trước đó, trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn khẳng định, huyện cương quyết trong việc dẹp bỏ các bãi tập kết cát, vật liệu xây dựng và dăm gỗ trái phép trên địa bàn. Tuy nhiên, không hiểu lý do vì sao đến nay xưởng chế biến dăm gỗ lớn này vẫn ngang nhiên hoạt động mà chưa có cơ quan chức năng nào xử lý.

Chủ tịch UBND xã Gia Phú cho hay, xã cũng nhiều lần mời chủ cơ sở này đến làm việc nhưng không thấy đâu. “Chủ xưởng chế biến dăm gỗ hiện không có ở đây nên rất khó khăn cho công tác kiểm tra xử lý. Xưởng chế biến bây giờ vẫn còn hoạt động, chủ thì không có ở đây nên không thể làm (xử lý) được”, ông Sơn cho biết.

Cũng theo người đứng đầu xã Gia Phú, UBND xã có giấy mời chủ xưởng chế biến dăm gỗ vi phạm này từ cuối năm 2015 lên để làm việc, nhưng đến nay vẫn chưa xử lý vì chưa gặp được chủ công ty này. Ban ngành chức năng của huyện cũng nhiều lần về kiểm tra lập biên bản vi phạm nhưng xưởng chế biến dăm gỗ vẫn không có động thái gì.

Các bãi cát lậu bên sông Hoàng Long đều đã bị dẹp bỏ, tuy nhiên xưởng chế biến dăm gỗ không hiểu lý do vì sao vẫn ngang nhiên hoạt động mà không bị xử lý.
Các bãi cát "lậu" bên sông Hoàng Long đều đã bị dẹp bỏ, tuy nhiên xưởng chế biến dăm gỗ không hiểu lý do vì sao vẫn ngang nhiên hoạt động mà không bị xử lý.

Ghi nhận của PV Dân trí, toàn bộ xưởng chế biến dăm gỗ này nằm trên diện tích hàng nghìn mét vuông với đủ các hạng mục được xây dựng kiên cố như: nhà điều hành, nhà sản xuất, băng truyền, bến thuyền, khu vực nhà ở cho công nhân… Từ trên đê tả Hoàng Long, một con đường được chủ xưởng gỗ đổ bê tông chắc chắn cho xe chở nguyên vật liệu ra vào thường xuyên.

Xưởng gỗ này hoạt động với quy mô lớn, gỗ nguyên liệu là các loại gỗ keo được nhập về đây sau đó đưa vào hệ thống máy băm nát, chất thành đống to lớn, chất cao như núi. Từ đây, dăm gỗ được chuyển xuống các tàu thủy cỡ lớn đậu dưới sông Hoàng Long, sát bên xưởng chế biến này rồi vận chuyển đi nơi khác.

Xưởng thường xuyên hoạt động và có khoảng 5 công nhân làm việc tại đây. Khi được hỏi về chủ của xưởng chế biến, các công nhân cho hay, giám đốc công ty hiện không có mặt tai đây, họ chỉ là những người làm thuê nên không hề biết gì?

Trao đổi qua điện thoại, một lãnh đạo Hạt quả lý đê điều huyện Gia Viễn cho hay, Hạt cũng đã nhiều lần kiểm tra lập biên bản vi phạm đối với xưởng dăm gỗ vi phạm này. Tuy nhiên Hạt không có trách nhiệm xử phạt hành chính nên hồ sơ đã chuyển lại cho chính quyền địa phương xử lý.

Dư luận hoài nghi về bãi tập kết, chế biến dăm gỗ này có người chống lưng nên không bị xử lý theo quy định.
Dư luận hoài nghi về bãi tập kết, chế biến dăm gỗ này có người "chống lưng" nên không bị xử lý theo quy định.

Như vậy, việc xưởng chế biến dăm gỗ này hoạt động không phép, vi phạm Luật trong thời gian dài nhưng không có cơ quan chức năng nào đứng ra dẹp bỏ khiến doanh nghiệp này “nhởn nhơ” vi phạm. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi, các bãi cát trái phép vi phạm Luật Đê điều và Phòng chống thiên tai trên địa bàn đã bị chính quyền mạnh tay dẹp bỏ, còn bãi tập kết dăm gỗ cũng vi phạm pháp luật này phải chăng có người “chống lưng” để hoạt động nên đến nay vẫn chưa bị xử lý?

Quang Tân