Niềm vui và áp lực nghề báo

(Dân trí) - Tôi là một giáo viên và có tham gia viết báo hai năm nay. Đã có khoảng 100 bài, tin được đăng trên các báo. Nhân dịp Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, tôi muốn chia sẻ niềm vui cũng như áp lực của nghề báo, dù không phải là nhà báo chuyên nghiệp.

Tôi còn nhớ những ngày đầu viết bài gửi báo, khi chưa được đăng, tôi hồi hộp chờ đợi, đợi hoài đợi mãi mà chưa thấy báo đăng thì đâm ra thất vọng. Khi báo đăng rồi thì tôi vui sướng vô cùng và so sánh bài mình viết với bài được đăng có những chỗ nào đã biên tập cho hoàn chỉnh hơn. Từ đấy rút kinh nghiệm về cách thức viết một bài báo, làm sao sử dụng những chi tiết “đắt” để thể hiện chủ đề có tính thời sự và được dư luận xã hội quan tâm.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Sau những phút hồn nhiên khoe với bạn bè, với người thân, tôi ngẫm nghĩ sâu hơn về nghề cầm bút, quả thật không dễ dàng gì, phải đi nhiều, đọc nhiều, lại phải biết phân tích để thấy được bản chất của vấn đề, từ đấy xác định chủ đề để viết. Nhưng sau một số bài được dăng, tôi phải gánh chịu nhiều áp lực đến từ người thân, gia đình, bạn bè, cơ quan, đồng nghiệp …vì chính những bài báo đó. Có lúc nản chí, tính “bỏ quách” niềm đam mê này đi cho yên ổn với nghề dạy học. Nhưng rồi không sao từ bỏ được “cái nghiệp” đã trở thành một phần “máu thịt” của đời mình.

Vì sao một giáo viên phải lên tiếng phản biện xã hội?

Tôi vốn không phải nhà báo chuyên nghiệp lại không được đào tạo ở Trường báo chí một cách có bài bản như những anh em đồng nghiệp khác. Tôi bước chân vào làng báo cũng chỉ vì mình thích nó từ hồi còn học phổ thông mà không có điều kiện để học. Thành thử, bây giờ đi viết báo vì lòng đam mê mà thôi, vừa viết vừa học hỏi ở đồng nghiệp, các anh chị Phóng viên chuyên nghiệp.

Đầu tiên, là tôi đi tìm và viết về các địa chỉ tình thương, tấm lòng nhân ái, phát hiện các nhân tố tích cực trong xã hội, rồi gương người tốt việc tốt. Nhưng càng về sau, khi càng đi nhiều, càng biết nhiều, suy nghĩ quan sát nhiều, tôi càng thấy xã hội còn nhiều điều cần phê phán. Những cây bút có trách nhiệm đối với cuộc sống thì đi đôi với việc biểu dương những nhân tố tích cực cần phải phê phán mạnh mẽ những hiện tượng tiêu cực, cần phản biện những mặt trái để xã hội tiến lên.
Niềm vui và áp lực nghề báo - 1

Có làm nghề báo tôi mới thông cảm và thấy rất thương các Nhà báo chuyên nghiệp, họ phải đối mặt với rất nhiều áp lực khi viết những bài có tính chất phản biện xã hội, dẫu rằng “cây ngay không sợ chết đứng” nhưng nhiều khi cũng phải chịu thiệt thòi. (Nguồn ảnh: Internet)

Đó là các hiện tượng tiêu cực tha hóa của xã hội, vì đồng tiền người ta có thể chém giết nhau, thậm chí con giết cha, vợ giết chồng; rồi nhà trường cũng không thiếu chuyện đáng trăn trở:  thầy không ra thầy-trò không ra trò; nhân viên các cơ quan công quyền thì hống hách và làm phiền hà dân… Nhiều giá trị xã hội bị đảo lộn, con người ngày càng đánh mất niềm tin…Sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội ngày càng sâu sắc. Không ít người có chức có quyền thì giàu lên nhanh chóng còn người dân thì dù chịu thương chịu khó mà nghèo vẫn hoàn nghèo”; nạn tham nhũng phổ biến tới mức trở thành “quốc nạn”!…

Trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước ta cũng như toàn dân đang nỗ lực bài trừ những tệ nạn xã hội và phấn đấu xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh nhưng không thể biến mục tiêu đó thành hiện thực trong một sớm một chiều. Vì vậy, tùy vào vị trí của mình, mỗi công dân phải có trách nhiệm đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực, xây dựng xã hội ta ngày càng tốt đẹp hơn.

Và những người cầm bút nói chung cũng như một thầy giáo cầm bút nói riêng như tôi không thể không tham gia phản biện xã hội, đấu tranh không khoan nhượng với những mặt trái của có chế thị trường, làm cho người ta bị mờ mắt trước sức cám dỗ của đồng tiền cũng như sự cám dỗ của quyền lực.

Hậu quả của những bài báo phản biện xã hội

Sau những bài báo “trung ngôn nghịch nhĩ”, nhằm đưa Tiếng Dân đến tai một số lãnh đạo ở địa phương và cơ sở, mong gíup cho công tác lãnh đạo tốt hơn cho Dân được nhờ. Ai ngờ “phản tác dụng!” Tôi chịu bao nhiêu áp lực, may mà còn đủ lòng kiên định để thấy những việc làm của mình không sai, không trái với đạo lý ở đời.

Nhưng thật lòng, có lúc tôi hoang mang, không biết Dân sẽ được nhờ lãnh đạo do thiện tâm của mình hay nhân cớ nào đó lãnh đạo lại trù úm thêm người Dân? Tiếc rằng bây giờ, người lãnh đạo biết bắng nghe ý kiến người dân còn ít quá, kẻ thích nịnh bợ, thích nghe nói dối thì nhiều vô kể. Than ôi! Họ không biết: "quan nhất thời, Dân vạn đại". Lối tư duy nhiệm kì (nếu có?!) thật ảnh hưởng ghê gớm đến sự phát triển, tiến bộ xã hội.
 
Niềm vui và áp lực nghề báo - 2

Cảm ơn cuộc đời dâu bể, cảm ơn cuộc sống muôn màu và cảm ơn những được-mất trong nghề làm báo, dù chỉ là “nghề tay trái” nhưng đã giúp tôi lớn lên, biết sống có ý chí và kiên định hơn. (Nguồn ảnh: Internet)


Sau một số bài báo có tính phản biện xã hội được đăng, có những người có chức có quyền tại địa phương không thèm gọi điện trực tiếp cho tôi, mà gọi điện “đe nẹt” các “Sếp” của tôi.  Thế là, có sếp nhát gan liền nhắc nhở giữa cuộc họp hội đồng; rồi gặp đâu lại nhắc nhở đó, cả trước mặt quan khách, trước mặt anh em bạn bè, đồng nghiệp…Tất nhiên là tôi phải “ngồi im” nghe huấn thị ... Sếp còn hỏi tôi: “anh đi viết báo thế có thẻ nhà báo không, nghe nói công an họ sẽ mời anh sang gặp…” Toàn là những chuyện “giật gân” không đúng nội dung các bài báo tôi viết. Nghe sếp nói mà ngỡ như tôi đã phạm tội tày đình, sắp phải từ bỏ nghề nghiệp mà mình yêu thích. Đó là áp lực từ phía cơ quan còn áp lực từ phía gia đình thì sao?

Gia đình, bố mẹ tôi thì cũng lo sốt vó, bảo tôi phải dừng lại ngay công việc viết lách, ảnh hưởng đến cả bố mẹ đang làm công chức nhà nước. Bố mẹ tôi bảo: Có ai lội ngược dòng thác như con, một là rất vất vả, hai là sẽ bị thác cuốn trôi. Chẳng phải học ở đâu xa lạ mà cứ nhìn vào các bài học từ thiên nhiên, cỏ cây…con ơi là con! Báo chí đâu bố mẹ có biết, chỉ thấy con “báo hại” gia đình.

Vợ tôi là một người phụ nữ được giáo dục trong một gia đình có nền nếp của một vùng quê có truyền thống. Vợ tôi vốn là người lao động và có bản chất thật thà, cả tin, lại hay thương người. Khi biết tôi viết báo về mặt trái xã hội và nghe người ta nói qua nói lại thì lại càng lo lắng tưởng như chính tôi đi làm giặc không bằng. Năm lần bảy lượt, vợ tôi bồng con về nhà ngoại ở vì sợ liên lụy do những bài báo mà tôi đã viết và đã đăng báo.

Thật lòng, tôi cũng rất buồn vì vợ không hiểu mình nhưng cũng có lúc phải phì cười. Không biết xuất phát từ đâu mà cả cơ quan, bố mẹ và vợ con tôi…sợ “phạm húy”, phạm thượng, sợ mang tiếng “chống cấp trên”đến vậy. Bây giờ, nghĩ lại tôi rất thông cảm và thấy rất thương các Nhà báo chuyên nghiệp, họ phải đối mặt hằng ngày với biết bao nhiêu áp lực khi viết những bài có tính chất phản biện xã hội, dẫu rằng “cây ngay không sợ chết đứng” nhưng nhiều khi cũng phải chịu thiệt thòi.

Làm báo đã cho tôi nhiều thứ


Tham gia làm báo, giúp cho tai tôi luôn lắng nghe, chân tôi luôn đi nơi này  nơi khác, đến nhiều vùng đất, tiếp xúc nhiều mảnh đời nhiều số phận người trong cuộc sống, đầu óc luôn luôn phải tư duy, suy nghĩ. Tôi thấy cuộc đời thật nhiều ý nghĩa. Ở đời không nhất thiết phải đam mê và cạnh tranh nhau về quyền lực. Cuộc sống con người quả là rất ngắn ngủi, làm được gì cho xã hội, cho người khác thì cần làm ngay, đừng do dự chần chừ nữa. Làm báo cũng vậy, không được lên tiếng muộn màng mất hết tính thời sự của vấn đề; hơn thế, làm báo còn phải luôn nghĩ đến việc bảo vệ quyền lợi của dân nghèo.

Đặc biệt, từ ngày tham gia làm báo đến nay, những bài giảng của tôi cho học sinh mà chủ yếu là con nhà nghèo ở một vùng quê nghèo Hà Tĩnh bớt đi nhiều điều thuần lý thuyết khô khan, giáo điều, mà trở nên sinh động hơn nhờ vốn sống thực tế. Ngoài chuẩn kiến thức, kĩ năng đã được Bộ GD-ĐT quy định thì bài giảng cần có hơi thở cuộc sống, giúp các em học sinh có nhiệt tình và kĩ năng sống, trau dồi nhân cách làm người.

Và như vậy, từ khi tôi tham gia làm báo “nghiệp dư” đến nay, thú thật tôi mất nhiều nhưng cũng được nhiều. Cuộc sống là vậy, có cho thì có nhận, có được và có mất, được cái này thì phải chấp nhận mất cái khác, có hi sinh thì sẽ có thành quả… Cuộc đời vốn dĩ rất công bằng, không cho không ai bao giờ và không lấy đi của ai tất cả bao giờ. Cảm ơn cuộc đời dâu bể, cảm ơn cuộc sống muôn màu và cảm ơn những được-mất trong nghề làm báo, dù chỉ là “nghề tay trái” nhưng đã giúp tôi lớn lên, biết sống có ý chí và kiên định hơn.

Nhân đây, tôi cũng xin bầy tỏ tấm lòng tri ân đối với những tờ báo đã giúp tôi có cơ hội được đăng bài, nhất là những bài có tính phản biện xã hội, đấu tranh không khoan nhượng đối với các tệ nạn xã hội. Tôi cũng xin chân thành gửi lời chúc mừng tới các đồng nghiệp làm báo nhân Ngày báo chí cách mạng Việt Nam.

 

                                      Lê Quốc Châu

              GV Trường THPT Cù Huy Cận-Vũ Quang-Hà Tĩnh

 

LTS Dân trí - Trong số các nhà báo không chuyên nghiệp, không ít người đang làm nghề dạy học. Có lẽ nghề thầy giáo và nghề cầm bút vốn gần gũi và có duyên nợ với nhau, tạo tiền đề thuận lợi cho nhau. Riêng về lĩnh vực văn hóa, giáo dục, những giáo viên cầm bút vốn có thế mạnh vì đấy là lĩnh vực hoạt động quen thuộc của mình, có nhiều vốn sống thực tế, cho nên đóng góp nhiều bài viết có chất lượng.

“Đã mang cái nghiệp vào thân…”, bên cạnh những “cái được” và những niềm vui chính đáng, khó tránh khỏi những điều trăn trở, nghĩ suy và đôi khi phải gánh chịu những thiệt thòi. Đấy cũng là lẽ thường tình như tác giả bài viết trên đây đã bộc bạch lòng mình.

Mong sao những đồng nghiệp làm báo giữ trọn lòng kiên định và cái Tâm trong sáng của mình để mãi mãi xứng đáng là “người lính xung kích” trên mặt trận tư tưởng và luôn phấn đấu không mệt mỏi vì lợi ích của dân của nước.