Bạn đọc viết:

Những người đi tìm cái… chết

Thời gian gần đây, giá thu mua phế liệu chiến tranh tăng mạnh. Nó đã tạo ra một nghề nguy hiểm cho những người dân vùng lửa phía tây tỉnh Quảng Trị, nghề rà phá phế liệu chiến tranh.

Những người đi tìm cái… chết - 1

Em Hồ A Toai (phải) cùng bố và anh trai đi tìm phế liệu chiến tranh

 

Hàng ngày, từng tốp người, trẻ có, già có, len lỏi vào vùng đồi Không Tên, thuộc huyện Hướng Hoá, Quảng Trị, nơi đây khi xưa từng là chiến trường ác liệt. Họ tổ chức với nhau thành các tốp, mỗi tốp có từ 10 – 20 người. Theo giải thích của những người này thì phải dàn thành từng tốp như thế mới dễ phát hiện ra phế liệu. Trung bình, mỗi gia đình ở nơi đây đều có vài ba cái máy rà phá phế liệu, giá mỗi chiếc từ 200.000 – 300.000 đồng. Những chiếc máy này có thể phát hiện ra được kim loại có độ sâu trong lòng đất vào khoảng 0,5m, nhưng cũng tùy theo kích cỡ và loại máy. Có những loại máy cao cấp đắt tiền thì có thể dò được ở độ sâu lớn hơn.

Phương thức “ tác nghiệp”  thông thường là các tốp thợ rà chia nhau thành từng khoảng đồi tại những khu vực khả nghi là có nhiều phế liệu để dò tìm. “Cao cấp” hơn, một số thợ rà khác làm hẳn giấy tờ để qua đất bạn Lào hành nghề. Theo ạnh Hồ A Phúc, một thợ rà ở đây cho biết, trung bình mỗi ngày các thợ rà  tìm được từ 10 – 15kg với giá khoảng 50.000 – 70.000 đồng.

 

Không chỉ có người lớn mới vào rừng tìm phế liệu chiến tranh, mà giờ đây có rất nhiều em nhỏ cũng đã bỏ học để theo chân người lớn hành nghề  thợ rà. Em Hồ A Toai người dân tộc Vân Kiều năm nay 14 tuổi cho biết: “ Em năm ni học lớp 7, nhưng vì nhà nghèo không có tiền để đi học nên phải nghỉ học để cùng ba và anh trai vào rừng tìm phế liệu kiếm tiền”.

 

Theo như nhiều người dân ở đây cho biết, những địa điểm còn tồn tại nhiều phế liệu chiến tranh thường là các khu vực căn cứ điểm quân sự của Mỹ- Ngụy ngày trước  như Khe Sanh, Làng Vây, Tà Cơn... Số lượng bom mìn chưa nổ còn sót lại ở đây rất nhiều.

 

Khi được hỏi về nỗi lo sợ lớn nhất khi làm nghề này là gì, Anh Hồ Văn Phức, một “dân trong nghề” cho biết: “ Bọn miềng (tôi) đi rà sợ nhất là gặp phải  bom bi và đạn 79. Ở vùng ni, mấy cái loại đó còn sót lại nhiều lắm”.

 

Chúng tôi được chứng kiến cảnh bà Nguyễn Thị Gái hốt hoảng đi tìm 2 người con của mình sau khi nghe tiếng một vụ nổ từ thung lũng bên kia vọng lại. Chiến tranh đã qua đi 30 năm, thế nhưng trong sâu thẳm của người mẹ này, nổi ám ảnh về bom đạn đến bây giờ vẫn còn chưa dứt.

 

Hàng năm, số lượng người chết và bị thương hay mất đi một phần thân thể do rà phá bom mìn ở nơi đây ngày một tăng lên. “Biết đi làm cái nghề ni là vô cùng nguy hiểm, có thể chết chỉ sau một nhát cuốc, nhưng vì miếng cơm manh áo nên phải cố mà làm thôi em à!”, anh Nguyễn Văn Lương, một thợ rà ở Cam Lộ, Quảng Trị nghẹn ngào cho biết.

 

Tú-Phi