Những lời ru

(Dân trí) - <i>Cái cò cái vạc cái nông/Sao mày dẫm lúa nhà ông hỡi cò...</i>

- Chiều chiều ra đứng bờ sông

Muốn về quê mẹ mà không có đò...

Những lời ru ấy sinh ra từ đâu ư?

Hình như ngày bằng tuổi con, mẹ cũng đã từng hỏi bà những câu như thế. Có lẽ bắt đầu từ ngày xửa ngày xưa, những người mẹ hết đời này qua đời khác đã vỗ về con bằng những lời ru. Và những đứa con cũng hết đời này qua đời khác luôn ngóng chờ, thèm khát được nghe lời ru của mẹ.

- Chồng ta áo rách ta thương

Chồng người áo gấm xông hương mặc người

- Trèo lên cây bưởi hái hoa

Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân

Những lời ru sinh ra từ đâu ư?

Con biết không, mẹ đang hát ru con những lời ngày xưa bà thường ru mẹ đấy. Và mẹ nhớ bà đã từng nói rằng bà hát ru mẹ những lời cụ đã ru bà. Hình như lời ru đã được sinh ra từ đâu đó trong những thương cảm dịu dàng, trong những nhớ nhung thiết tha, trong hạnh phúc ngọt ngào và cả trong khổ đau cay đắng... trong những kiếp người của thế gian.

Ở đâu có những người mẹ và những đứa con là ở đó có những lời ru. Cùng với dòng sữa, lời ru đã nuôi những đứa trẻ lớn lên. Lời ru mang cái ngủ, mang cả dòng sông, cánh đồng, cái cò, cái vạc, khóm trúc, cành tre, con chim bay, con cá lội... về cho thế giới trẻ thơ. Rồi để chúng ở lại đó, mãi mãi, để làm nên một phần của cái gọi là thế giới tinh thần trong mỗi con người.

Lời ru không chỉ yêu thương vỗ về con trẻ, lời ru đôi khi còn chữa lành cho người lớn cả những vết thương lòng. Rồi mai lớn lên con sẽ hiểu.

Hết đời này qua đời khác, theo lời ru, những đứa trẻ nối tiếp nhau lớn lên, trở thành người lớn, rồi già và cuối cùng mất đi. Chỉ những lời ru là còn lại.

Những lời ru còn mãi, còn mãi... để còn ru cho những đứa trẻ mới được sinh ra, lớn lên.

Nga Li

Dòng sự kiện: Dạy con nên người