Những cô nàng đỏng đảnh mang tên “chung cư”

(Dân trí) - “Một số chung cư hiện nay được ví như những "cô nàng" đỏng đảnh. Lúc đắt khách thì tự tăng giá đến chóng mặt, khi hết khách, khó khăn thì giật gấu vá vai”. Bạn Việt Hưng – Nam – 25 tuổi – từ Hà Nội bức xúc.

Cùng quan điểm trên, bạn Tiến Dũng – Nam – 30 tuổi – Từ Hà Nội bày tỏ: “Tôi thấy nhà ở tập thể xưa cũng coi là một chung cư. Nhà nào cũng có quyền sử dụng sân chơi, hành lang, cầu thang, sân thượng cũng như đi sớm về muộn mà không phải hỏi ý kiến của ai cả nhưng không có quyền chiếm dụng. Mọi cái sinh hoạt đều là tình làng nghĩa xóm. Cũng có ban quản trị đứng ra lo cho dân nhưng ban quản trị muốn làm gì hay có thông báo gì đều phải họp xin ý kiến của dân.
 
Những cô nàng đỏng đảnh mang tên “chung cư” - 1

Ảnh minh họa (ảnh: internet)

"Giờ đây những khu tập thể xưa đã bị phá bỏ thay vào đó là những Lê Thị Chung Cư cao cấp nhưng còn khổ hơn xưa, thế thì thử hỏi cao cấp mà làm gì? không phải làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn sao? Chủ đầu tư đã bán nhà, thu tiền siêu lợi nhuận là không còn cái quyền hạn gì mà chỉ có nghĩa vụ phải đảm bảo chất lượng ở cái chung cư đó thôi. Những hộ dân có quyền bầu ra ban quản trị chung cư là những người nhiệt tình tâm huyết đứng ra lo sinh hoạt cũng như dịch vụ được thống nhất hợp lý theo nhu cầu sử dụng của các hộ dân. Các chung cư đang mọc lên như nấm, nhưng cứ tình trạng này, chắc người dân chả dám ngó tới... Minhtam - Nam - 23 tuổi - Từ Hải Phòng bày tỏ sự lo ngại.

Một bạn Nữ - 29 tuổi - Từ Hà Nội cùng chia sẻ thực trạng nhà tái định cư: “Ở chung cư có cái lợi cái hại, tôi cũng ở chung cư, hàng tháng mình đóng tiền để họ làm vệ sinh chung nhưng chỗ tôi thì chán quá (chắc phân biệt chung cư tái định cư với chung cư cao cấp), 1 tháng may ra họ lên dọn vệ sinh cho 1 lần, mà chả thèm lau hành lang gì cả, chỉ quét vài ba nhát là xong, cầu thang máy cũng k lau, vừa bẩn và kêu, bạn tôi đến chơi có nói đùa rằng, lên nhà em mà cứ như đi máy bay phản lực, 1 bên thì kêu phành phạch 1 bên thì kêu kẹt kẹt rầm rầm. Chúng tôi đã phản ảnh lên BQl thì nhận được câu trả lời cứ từ từ, có sửa thì cũng như không, càng sửa càng hỏng, có lần cầu thang máy 3 tháng không đi được, số thì liệt, điện thoại thì không, máy phát điện dự phòng cũng không, nhiều người còn sợ k dám đi, đi cầu thang bộ cho an toàn.

Đợt vừa rồi nhà nước ban hành ra văn bản thu phí chung cư theo diện tích nhà và dọn dẹp vệ sinh nhưng cả tòa nhà không ai đồng ý, nếu họ thực hiện tốt thì không sao, nhỡ may họ thu tiền rồi lại không thực hiện đúng thì sao? thôi thì hành lang nhà mình có bẩn thì mình cứ cầm chổi ra mà lau mà quét chứ đợi họ làm cho chả biết đến bao giờ, khách đến nhà chơi đi qua hành lang và cầu thang máy ai cũng chê là bẩn, không biết đến bao giờ chỗ tôi mới được sáng sủa lên”.

“Tôi đang sống tại khu tập thể cũ nhưng tôi tự thấy mình còn sướng hơn mấy bác sống tại các chung cư cao cấp như thế này. Có tiền mua đất ở cho khỏe!” - Nguyễn Văn Tới - Nữ - 31 tuổi - Từ Hà Nội.

Đã là quy tắc thì phải chấp nhận!

Bạn Toàn - Nam - 31 tuổi - Từ Tp.Hồ Chí Minh phân tích khá cụ thể: “Bạn ở chung cư thì không thể giống như mình ở nhà độc lập được, phải có quy tắc riêng của nó, nó phải có chủ chung cư, phải có quản lý... nếu không sẽ như thế nào? Bạn ở chung cư như thế nào thì dịch vụ như thế ấy! Tôi là người VN tôi không bênh vực chủ đầu tư nước ngoài nhưng tôi muốn nói đến cái lý của sự việc. Ở chung cư KeangNam ở HN là chung cư cao cấp nên vận hành thì chi phí rất cao, nếu người ở không chịu đóng phí thì lấy đâu ra phí mà vận hành? còn người đóng phí người không đóng thì thiếu công bằng, bạn thử đặt mình vào tình huống là quản lý chung cư thử xem ? Tôi nghĩ chủ đầu tư là người nước ngoài họ đầu tư ở nhiều nước và họ cũng phải biết phí thế nào là hợp lý chứ. Có thể nhiều người chưa quen với vấn đề chung cư cao cấp nên mới có chuyện như vậy! khi mua chung cư thì bạn đã biết những điều bất tiện khi ở chung cư rồi nhưng đó là quy tắc rồi nên phải chấp nhận, chứ ở chung một tòa nhà lớn mà mỗi người một kiểu thì làm sao được! vì vậy các bạn đừng đỗ hết lỗi lên nhà đầu tư mà hãy xem lại mình đã tìm hiểu kĩ về chung cư chưa? mình đã sẵn sàng để sống trong chung cư chưa?”

“Chúng ta đã có những khu chung cư ở Hà Nội từ lâu rồi như Kim Liên, Trung Tự, Tân Mai... và nó không có thang máy, PCCC, camera an ninh... chỉ ví dụ nhỏ như cấp và thoát nước của chung cư cũ cũng khác xa chung cư hiện đại thời nay. Hay như mối quan hệ cộng đồng tổ nhóm, mọi khúc mắc, vui buồn...rất dễ dàng giải quyết thông qua một vài buổi họp rồi có thể trao đổi, cùng nhau cầm chổi vệ sinh cuối tuần là cảnh quan cũng như việc chung cũng đã gọn gàng... Ngày nay, mối quan hệ giữa chủ đầu tư khu nhà và chủ sở hữu căn hộ trong khu nhà cao tầng là mối quan hệ được thể hiện, giám sát chi tiết, rạch ròi thông qua Hợp đồng, Phụ lục, Quy chế... khi cần sẽ nhờ đến pháp luật... Nói nôm na đó là Hợp đồng mua bán, dịch vụ... ví như anh mua bát phở 30 ngàn, anh sẽ có bát phở tương đương 30 ngàn còn quẩy hay trứng là thứ anh phải bỏ thêm tiền nếu anh muốn. Chúng ta bây giờ đâu còn cảnh tôi tưởng tôi đã mua thì tôi phải được hưởng... Tất cả mối quan hệ kinh tế thì phải theo hợp đồng kinh tế đã ký. Thu Hà - Nữ - 51 tuổi - Từ Hà Nội .

“Chung quy lại cũng chỉ tại những người mua chung cư, lúc mua thì không xem kỹ các điều khoản hợp đồng. Nếu cảm thấy quá mất tự do và không thỏa đáng, các bạn có thể bán nhà cho người khác và ra ngoài sinh sống, đó là quyền tự do và tự nguyện”. Thu Loan - Nữ - Từ Hà Nội nói lên quan điểm.

Khả Vân (tổng hợp)