Bạn đọc viết:

Những chiêu lừa tiền nhằm vào các nhà hảo tâm tuổi teen

(Dân trí) - Trong những ngày gần đây, ở các bến xe và khu vực quanh các trường đại học, cấp 3 có thí sinh đi ôn thi đại học, thi đầu vào lớp 10 luôn tái diễn thường xuyên những cảnh tượng lừa tiền của các “nhà hảo tâm” tuổi teen.

Những chiêu lừa tiền nhằm vào các nhà hảo tâm tuổi teen - 1
“Đội quân” chuyên ép khách mua tăm tre, sổ, bút…
tại cổng trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Cho tiền để đỡ bị làm phiền

Mặc dù không ai còn lạ gì những hành vi giả mạo của đội ngũ lừa đảo này, nhưng không phải bạn trẻ nào cũng biết đường đối phó với một lực lượng nhân viên trẻ đang hoặc mới học xong cấp 3 chuyên đi lợi dụng lòng tốt của người khác.

Ở cổng trường Đại học Sư phạm Hà Nội, khi nhiệt độ ngoài trời đang xấp xỉ 37 - 38oC  thì sự níu kéo, mời chào của những kẻ giả bộ đói nghèo hay những kẻ khoác lên mình chiếc áo học sinh phổ thông, cơ sở đoàn Hà Tây khiến rất nhiều người đi qua có cảm giác bực bội.
 
Đang vội vã đi đăng ký lớp ôn thi đại học, Lam Hương (Giảng Võ – Hà Nội) bị một người dưng gọi lại nhét vào tay gói tăm, khi định buông tay trả gói tăm lại cho người bán thì Hương nhận được ánh nhìn đầy đe dọa. Nhùng nhằng mãi cuối cùng cô bạn này phải cam chịu chấp nhận mua gói tăm đắt hơn so với thực tế hàng trăm lần. Với Lam Hương thì việc bỏ 15 ngàn đồng ra là một cách giải quyết tốt nhất: “Số tiền trên cũng không đáng mấy còn hơn là phải đôi co với loại người này, vừa phiền phức vừa mất thêm thời gian”, Hương nói.
 
Những chiêu lừa tiền nhằm vào các nhà hảo tâm tuổi teen - 2
Bạn Lam Hương đang bị "thuyết phục" mua hàng của các đối tượng trên.

Ngược lại, nhiều bạn trẻ khác lại chủ động đi nạp tiền cho kẻ lừa đảo chỉ vì tin vào câu rao hàng của một ông lão nhìn đầy vẻ khắc khổ khác thường xuyên xuất hiện ở khu vực gần trường Sư phạm: “Các con giúp đỡ người nghèo là tích đức, thi cử sẽ được gặp may, đỗ đạt sẽ theo các con cả kì thi”. Vì thế rất nhiều thí sinh đã động lòng thương cảm xúm lại bỏ tiền ủng hộ vào bát nhựa của ông lão.  

Cắn răng để mua danh hão

Trong tâm trạng bức xúc, Mai Ngân (học sinh trường chuyên, thuộc ĐH Sư Phạm Hà Nội) kể: “Hôm trước, ở gần cổng trường có vài người bán tăm, giới thiệu sản phẩm này kia. Biết họ là những người mạo danh các tổ chức đi lừa đảo nên em đã quyết định không mua. Nhưng thật không ngờ giữa đám đông đứng đợi xe bus, chị ta nhìn thẳng vào em và nói rất to: "Học sinh chuyên Sư Phạm mà không có tý lương tâm nào hết, được học hành thì phải biết giúp đỡ người nghèo khó chứ”.

Nóng mặt với câu nói của kẻ lừa đảo, Mai Ngân không dám ngần ngại suy nghĩ gì thêm mặc dù đây là lần thứ 2 cô bạn phải "thẳng tay" rút 20 ngàn đồng để mua một gói tăm mốc. Đây cũng là cách xử lý của rất nhiều bạn trẻ khi bị các nhân viên lừa đảo "khích tướng" vào lòng tự trọng, sĩ diện.

Hầu hết các phụ huynh đưa con đi thi đứng gần đấy nhìn thấy các cảnh tượng trên chỉ biết lắc đầu ngao ngán. Có người nói: “Lẽ ra nhà trường nên dạy học sinh cách giữ bình tĩnh, đối phó với những kẻ lừa đảo hơn là sẵn sàng bỏ tiền ra một cách thiếu suy nghĩ như thế”.

Hay như trường hợp của Trọng Hiếu (ĐH Bách khoa) trong một lần ra bến xe đón người nhà của cậu bạn cùng phòng lên chơi, nhìn thấy một cụ già ăn mày trông rất thảm thương. Bình thường cậu khá tỉnh táo để nhận biết đâu là thật, đâu là giả. Nhưng vì muốn thể hiện với cô gái nên ngay sau khi cô bé bảo: “Nhìn người ta đáng thương chưa anh kìa”. Cậu đã hào phóng rút 50 ngàn đồng cho kẻ ăn mày tốt số kia.

Với Xuân Quang (Đại học Kiến trúc Hà Nội) cũng không kém phần hoành tráng, cậu đã dính bẫy khi phải mua một cuốn sổ mỏng dính với giá 25 ngàn đồng và được kí tên vào danh sách những nhà hảo tâm. Khi giở cuốn sổ làm việc ra thì cô nhân viên lại nhìn cậu ngần lại nói: “Tất cả mọi người đều mua ủng hộ những 50 ngàn đồng, nếu bạn chỉ có 25 ngàn đồng sẽ hơi ít…”. Thấy thái độ ngập ngừng của chị nhân viên cậu đành rút thêm tiền thành 50 ngàn đồng để ủng hộ cho bằng anh bằng em.
 
Đến giờ nghĩ lại Quang vẫn không giải thích được vì sao lúc ấy lại dễ dàng chấp nhận lời mời mọc kia như thế. Xuân Quang hài hước nói tiếp: “Lần sau trước khi đi ra khỏi nhà mình phải thủ sẵn vài cuốn sổ, đến khi người ta mời chào thì giơ ra bảo anh, chị có cần thì em bán lại cho giá rẻ lắm”.
 
Nguyễn Thị Mai Phương
(Lớp Báo in K28A1, Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền)