Thái Nguyên:

Những bất thường trong vụ cưỡng chế tai tiếng ở Đại Từ

(Dân trí) - Do không được trả lời khiếu nại bằng văn bản và cấp đất tái định cư như lời hứa của Chủ tịch Nguyễn Hải Đường đưa ra hồi tháng 9/2012, ông Nguyễn Văn Bắc đã làm đơn tố cáo Chủ tịch UBND huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Trong khi đơn tố cáo chưa được giải quyết, gia đình ông Bắc liên tục gặp phải những hậu họa. Chính quyền xã và huyện tổ chức 2 cuộc kiểm tra việc sản xuất kinh doanh và nhà đất của ông Bắc đang trong quá trình làm thủ tục chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất ở tại xóm Văn Khúc, xã Bình Thuận do sau khi giao nộp 40.000m2 đất cho nhà nước gia đình ông chuyển về đây sinh sống. Không chỉ cưỡng chế ngôi nhà xây tạm trên mảnh đất 288m2, lực lượng cưỡng chế còn thu giữ nhiều tài sản kiếm sống của ông Bắc tại xã Hà Thượng.
 
Ông Nguyễn Văn Bắc đề nghị làm rõ những điều bất thường trong vụ cưỡng chế
Ông Nguyễn Văn Bắc đề nghị làm rõ những điều bất thường trong vụ cưỡng chế

Chính vì vậy, ngày 21/1/2013 ông Bắc đã làm đơn khởi kiện ông Nguyễn Hải Đường - Chủ tịch UBND huyện Đại Từ ra Tòa án đối với hành vi ban hành quyết định hành chính cưỡng chế, đập phá nhà tạm bằng xi măng và thu giữ tài sản có giá trị của công dân. Tháng 5/2013, TAND huyện Đại Từ đã thụ lý vụ án. Ngày 28/8/2013, theo yêu cầu của ông Bắc, Tòa án tổ chức buổi đối thoại hòa giải 2 bên.

Tại cuộc đối thoại ông Trần Văn Mỳ - Trưởng Phòng TN&MT, là người được ông Nguyễn Hải Đường ủy quyền tham gia tố tụng cho rằng huyện Đại Từ thực hiện đầy đủ các trình tự quy định của pháp luật trong quá trình xử lý vi phạm trật tự xây dựng ngôi nhà bằng xi măng của gia đình ông Bắc.

Liên quan đến vụ án này,UBND xã Hà Thượng và huyện Đại Từ đã đưa ra 47 đầu tài liệu gồm các văn bản chỉ thị, các biên bản vi phạm, các quyết định xử lý, các biên bản giao quyết định xử lý, văn bản đề xuất xử lý …Tuy nhiên, toàn bộ các văn bản này không có chữ ký của ông Bắc kể cả người thân trong gia đình ông Bắc.

UBND xã Hà Thượng lập biên bản kiểm tra đất và ra Quyết định số 92 ngày 11/6/2012 cho rằng mảnh đất này đã có quyết định thu hồi đất cá nhân của cơ quan thẩm quyền. Trong khi UBND huyện Đại Từ lại lập biên bản, còn Chủ tịch huyện ra Quyết định xử phạt hành chính số 6240 ngày 10/10/2012, cho rằng hành vi vi phạm của ông Bắc là xây nhà trên mảnh đất đã có quy hoạch . Vậy ở đây văn bản nào mới là sự thật? Nếu có quyết định thu hồi đất, tại sao không giao cho gia đình ông Bắc?.

Ở đây, chúng tôi xin dẫn ra đây một số chi tiết trên giấy trắng mực đen, có dấu đỏ của Chủ tịch UBND huyện Đại Từ để nói lên trình độ pháp lý của một số cán bộ tham mưu ở UBND huyện Đại Từ. Cuộc họp đối thoại giữa Chủ tịch huyện Nguyễn Hải Đường với ông Bắc được tổ chức ngay tại trụ sở UBND huyện, ngoài Chủ tịch, còn có10 vị Trưởng, Phó phòng của các đơn vị như Công an, Ban GPMB , Kinh tế đô thị, Chủ tịch, Trưởng Công an xã Hà Thượng…Tuy nhiên, biên bản lại quên không ghi ngày, tháng, năm tổ chức đối thoại. Vậy biên bản này có còn giá trị pháp lý?.

Ngày 6/9/2012, Chủ tịch Nguyễn Hải Đường lại tổ chức cuộc họp với ông Bắc, lần này có tới 13 vị Trưởng, phó Phòng, Chủ tịch xã Hà Thượng, Phó Chánh án TAND huyện tham dự nhưng biên bản vẫn còn mắc sơ đẳng khi ghi “Biên bản lập xong lúc 17 cùng ngày” (thiếu chữ giờ).

Về tố tụng, ngày 16/9/2013, TAND huyện Đại từ ra Quyết định số 53/2013/QĐST-HC đưa vụ án ra xét xử vào 7h30’ ngày 30/9/2013, nhưng tới 15h30’ ngày 26/9/2012 thẩm phán tòa án mới giao cho nguyên đơn (từ ngày 26 - 30/9/2013 có 2 ngày nghỉ), buộc ông Bắc phải làm đơn khiếu nại việc thẩm phán có dấu hiệu thiếu vô tư khách quan, vi phạm khoản 2 điều 123 Luật Tố tụng hành chính.

Về vụ việc này, luật sư Ngô Tất Hữu - Trưởng VPLS Thủ đô và luật sư Trương Anh Tú - Trưởng VPLS Trương Anh Tú, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho rằng: Bản chất vụ cưỡng chế là UBND huyện Đại Từ muốn thu hồi đất nhằm phục vụ cho dự án, nhưng cách làm lại là thể hiện bằng việc xử lý hành vi xây nhà trái phép trên đất đã có quy hoạch. Cách làm này phản ánh sự không thẳng thắn và minh b¹chcủa chính quyền khi đã đánh tráo khái niệm” khiến người dân hoài nghi đồng thời dẫn đến vi phạm pháp luật. Nghe chuyện ai cũng thấy việc cưỡng chế ngôi nhà xây dựng tạm trong khi ông Bắc đã giao nộp 40.000 m2 đất; cưỡng chế đập phá ngôi nhà xây tạm xong lại bỏ đất hoang cho đến nay là không cần thiết.

Đặc biệt, ông Chủ tịch huyện lại chưa thực hiện đầy đủ những lời hứa với dân như biên bản ngày 6/9/2012, trong khi ông Bắc bức xúc làm đơn tố cáo chủ tịch huyện, đúng sai cơ quan thẩm quyền chưa có kết luận thì người bị tố cáo đã vội cho kiểm tra việc sản xuất kinh doanh, sử dụng nhà đất và cưỡng chế ngôi nhà tạm, thu giữ một số tài sản có giá trị của gia đình ông Bắc là việc làm không cần thiết, vừa tốn công sức tiền bạc của nhà nước và nhân dân vừa gây phản cảm trong dư luận xã hội dẫn đên việc ông Bắc khởi kiện Chủ tịch UBND huyện Đại Từ ra tòa hành chính.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Ban Bạn đọc