Bạn đọc viết:

Nhức nhối nạn buôn bán phụ nữ trẻ em tại Nghệ An

(Dân trí) - Hiện nay tình trạng buôn bán phụ nữ trẻ em qua bên kia biên giới tại Nghệ An đang làm trăn trở dư luận. Vậy, vai trò trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể ở đâu khi xảy ra thực trạng này?

Nhức nhối nạn buôn bán phụ nữ trẻ em tại Nghệ An

Thông tin trên một tờ báo tại Nghệ An cho biết: Chỉ trong thời gian ngắn tại 3 huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông (Nghệ An) có tới 50 phụ nữ mà đa số là trẻ em gái vị thành niên bị bán sang Trung Quốc.

Gia đình và cả các em ra đi là do nhẹ dạ cả tin và cả cái nghèo chi phối, không ít em gái đang tuổi vị thành niên không chấp nhận cuộc sống khó khăn nơi thôn quê nghèo khó. Tưởng ra đi tới “thiên đường” để đổi đời, nào ngờ lại bị rơi vào cạm bẫy của bọn buôn người, để rồi chuốc lấy khổ đau, đi dễ khó về. Điều đáng quan tâm và câu hỏi phải trả lời là: Trách nhiệm và vai trò của các tổ chức đoàn thể ở đâu?

Chúng ta có một hệ thống tổ chức đoàn thể khép kín, rộng khắp từ thôn, bản đến xã, huyện, tỉnh, Trung ương. Ở đâu có dân, ở đó có tổ chức đoàn thể từ Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Chi đoàn thanh niên… Một hệ thống tổ chức chặt chẽ, tuy rằng vài chế độ chính sách chưa tương xứng cần phải điều chỉnh, nhưng ít nhiều các hoạt động của các tổ chức đều do dân bầu ra, ít nhiều được hưởng phụ cấp trách nhiệm.

Nhưng lại không nắm được tình hình, để một vài kẻ lợi dụng, lôi kéo, rủ rê các em một cách dễ dàng như vậy! Trong khi các báo cáo việc tập hợp hội viên, tổ chức nào cũng báo cáo tỷ lệ tập hợp hội viên rất cao trên 90%. Hàng năm cấp trên xếp loại hoạt động của các đoàn thẻ đều xuất sắc, tiêu biểu cả.

Nhưng khi những dòng tin trên báo về với bản làng, các tổ chức mới ngớ ra, phát hoảng vì những con số đau lòng đó lại xảy ra ngay tại thôn, bản mình, xã, huyện mình, là hội viên, đoàn viên của tổ chức mình?

Chúng tôi đã trực tiếp xuống các cơ sở nắm tính hình sinh hoạt của các tổ chức hội, đoàn thể, thì hầu như tất cả không hoặc khó tổ chức sinh hoạt được, nhất là hệ thống tổ chức đoàn thanh niên ở nông thôn không tổ chức sinh hoạt được.

Tổ chức Hội phụ nữ sinh hoạt chủ yếu là nộp tiền lãi vay ngân hàng, nộp xong về, ít thấy bàn bạc vấn đề về tổ chức, quản lý hội viên. Do không tổ chức sinh hoạt, không quản lý được hội viên, đoàn viên, ai muốn đi đâu thì lên Uỷ ban nhân dân xin tạm trú, tạm vắng, thậm chí ra đi không cần xin phép ai. Đây là kẽ hở nguy hiểm cho kẻ xấu lợi dụng.

Sinh ra một tổ chức ngoài nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, giáo dục, bảo vệ quyền lợi cho hội viên, một chức năng rất quan trọng là giúp Đảng, Nhà nước tập hợp, nắm và quản lý con người. Chức năng chính, quan trọng này lâu nay không ít tổ chức đoàn thể coi nhẹ hay nói chính xác là không làm được?!

Hơn 50 phụ nữ của 3 huyện miền núi Nghệ An nói riêng và cả hàng trăm thậm chí hàng ngàn phụ nữ Việt Nam đang bị lừa bán sang bên kia biên giới làm “vợ”, làm “nô lệ tình dục” cho những kẻ không hoàn thiện (do thông tin đa số phụ nữ bán sang làm vợ cho kẻ tàn tật hoặc già cả,..).

Các em đi dễ, khó về, đang ngày đên cầu cứu người giúp đỡ, giải thoát khỏi “địa ngục” bên kia biên giới. Bao người mẹ, người cha đang ngày đêm mong ngóng tin con. Câu hỏi đặt ra và phải trả lời cho dư luận rằng: Các em bị bán sang bên kia! Vai trò trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể ở đâu? Đang chờ tổ chức Đoàn, Hội các cấp trả lời hộ?

Chính Trực