Bạn đọc viết:

“Nhồi nét, chặt chém”… đến hẹn lại lên

Ngay từ trước Tết, các cơ quan chức năng đã yêu cầu không tăng tiền vé, nhồi nhét khách trong dịp trước và sau Tết Tân Mão, nhưng thực tế hầu hết các nhà xe vẫn cứ “chặt chém” và “nhồi nhét” hành khách gây bức xúc cho nhiều người.

Sau gần 30 phút chờ xe, và cũng qua 5 lần “mặc cả” tôi đều nhận được câu trả lời của nhà xe là: “Đó là giá vé chung ngày Tết, không đi thì cứ ở đó mà đợi”. Sau đó tôi đành lên một xe khác từ thành phố Thanh hóa ra Hà Nội, với giá vé là 120.000đ/lượt. Như vậy, từ Thanh Hóa đi Hà Nội, nhà xe đã “chặt chém” hành khách 70.000đ/lượt so với giá vé ngày thường .
 
Khi lên xe tôi còn được chứng kiến bao cảnh “chướng tai, gai mắt” của nhà xe giành cho hành khách. Tôi lại chợt nghĩ tại sao khi mà hành khách trên xe đã phải trả tiền vé xe gần gấp đôi so với ngày thường. Vậy mà chỗ ngồi tử tế cũng không có, thắc mắc thì chỉ nhận được câu trả lời của nhà xe là ngày Tết đều vậy cả, không đi thì xuống xe”.
 
“Nhồi nét, chặt chém”… đến hẹn lại lên - 1
Tình trạng bắt khách dọc đường vẫn diễn ra thường xuyên

Không chỉ tăng tiền vé xe mà nhà xe còn cố tình nhồi nhét 3 người ngồi trên một nghế, khiến hành khách trên xe rất khó chịu nhưng cũng đành ngậm ngùi chấp nhận. Đó là chưa kể hàng nghế nhựa, sau khi nhà xe này chạy được một đoạn thì bày thêm hàng ghế nhựa ngay giữa lối đi. Cũng may mà tôi lên được xe sớm nên chọn cho mình một chỗ ngồi, chứ không thì chắc cũng phải lâm vào tình trạng ngồi không ra ngồi, đứng không ra đứng như những người lên sau…

Ngoài nhồi nhét hành khách ra, nhà xe còn chạy vòng vo, dừng đỗ đón trả khách trái nơi quy định. Xe còn phóng nhanh vượt ẩu, ở những đoạn đường mà theo lời của phụ xe đó là: “Chỗ này không có cớm đâu?” (cớm ở đây là thuật ngữ mà các nhà xe thường dùng để ám chỉ lực lượng Cảnh sát giao thông), để mong sao về nhanh, và chạy được nhiều chuyến trong ngày. Điều tôi cảm thấy lạ là xe chạy từ thành phố Thanh Hóa ra đến Hà Nội mà nhà xe vẫn “vô tư qua mặt” sự kiểm tra của lực lượng Cảnh sát giao thông các địa phương trên tuyến quốc lộ 1A.

Trước Tết những người làm ăn xa quê, họ làm lụng vất vả tích góp từng đồng để rồi phải cắn răng bỏ ra số tiền gấp đôi về quê ăn Tết. Nhưng để về quê vui xuân đón Tết cùng gia đình, họ cũng đành chấp nhận. Liệu rằng những nhà xe như thế này họ có hiểu được nỗi nhọc nhằn mới kiếm được đồng tiền của những người phải làm ăn xa quê? Hay họ chỉ biết cứ mỗi khi đến dịp lễ Tết là họ cho mình cái "quyền" tăng giá xe lên gấp đôi. Nhiều sinh viên nghèo sinh sống và học tập xa quê không dám về quê ăn Tết vì giá vé quá cao đành chấp nhận ăn Tết trong nỗi nhớ nhà.

Điều đáng nói ở đây là trước Tết nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp trước và sau Tết Tân Mão hầu như Sở giao thông vận tải của các tỉnh đều tăng cường đầu xe phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. Các ngành chức năng cũng đã khẳng định là sẽ không thiếu xe trong dịp trước và sau Tết nguyên đán. Và cũng yêu cầu không tăng tiền vé xe trong dịp trước và sau Tết . Sẽ tập trung lực lượng, xử lý nghiêm các xe khách vi phạm luật như nhồi nhét khách, chạy vòng vo, dừng đỗ đón trả khách trái nơi quy định.

Nhưng tại sao tình trạng nhà xe “chặt chém”, nhồi nhét hành khách vẫn diễn ra phổ biến trong thời gian trước và sau Tết Tân Mão. Trong khi đó các ngành chức năng vẫn đứng ngoài cuộc để hành khách bức xúc trước tình trạng tăng giá vé, nhồi nhét mỗi dịp lễ tết.

Mai Sỹ Thành