Nhịp cầu bạn đọc số 21: Nhiều hộ dân tại huyện đảo Cô Tô viết tâm thư xin được cứu xét!

(Dân trí) - Tuần qua báo Dân trí nhận được nhiều đơn thư của bạn đọc trên cả nước, phản ánh những vụ việc oan sai trong công tác thi hành án, vấn đề tranh chấp đất đai, việc tồn đọng hồ sơ chứng nhận người có công với cách mạng… Báo Dân trí đã chuyển nội dung đơn của bạn đọc đến các cơ quan chứng năng để xem xét, giải quyết.

Báo Dân trí nhận được đơn của các hộ dân đang kinh doanh trên bãi biển Hồng Vàn, xã Đồng Tiến, huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh, khẩn cầu, mong muốn các cấp lãnh đạo đến khảo sát thực tế việc làm du lịch nghiêm túc, thân thiện của các hộ kinh doanh và cho bà con được kéo dài thời gian kinh doanh theo mô hình home stay bãi biển để thu thêm chút vốn trả nợ ngân hàng.

Đơn có nội dung: “Chúng tôi là những hộ dân có hộ khẩu thường trú tại huyện đảo Cô Tô, hầu hết đều đã đến sinh cơ, lập nghiệp trên đảo từ những ngày đầu Nhà nước đưa đi xây dựng kinh tế mới với nhiệm vụ giữ gìn tuyến đảo tiền tiêu Đông Bắc Tổ quốc (1978-1979).

Từ năm 2013, bà con trên đảo bắt đầu biết đến phát huy thế mạnh sinh thái biển, học làm dịch vụ du lịch với ước mong cải thiện đời sống kinh tế vốn quá khó khăn. Mô hình homestay - nhà gỗ bãi biển xuất hiện trên dải đất sát bãi tắm Hồng Vàn từ thời điểm đó đã có sức hấp dẫn lớn đối với khách du lịch.

Tính đến năm 2017, trên bãi đã có tổng cộng 37 hộ dân đoàn kết làm du lịch, giải quyết công ăn việc làm cho hơn 500 lao động phổ thông là con em nông dân Cô Tô, tiêu thụ hàng trăm triệu đồng nông sản, hải sản cho nhiều hộ gia đình làm dịch vụ cung cấp khác trên đảo.

Bước sang năm 2017, chính quyền địa phương nhiều lần tổ chức tuyên truyền, vận động, ra quyết định buộc chúng tôi phải tháo dỡ các công trình kinh doanh du lịch vì vi phạm lấn chiếm quốc phòng. Tuy nhiên trên thực tế, dải đất ven bãi tắm Hồng Vàn mà chúng tôi đang sử dụng kinh doanh đúng luật (100% các hộ đều có giấy phép kinh doanh cư trú du lịch và đóng đầy đủ các loại thuế, phí hàng năm) chỉ là dải đất có chiều rộng từ 5-7m. Và trên thực tế, đơn vị quân đội quản lý đất quốc phòng tuy vẫn thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con không kinh doanh ở đây, nhưng vẫn thương dân mà tạo điều kiện, không đòi hỏi bất cứ lợi ích nào.

Bà con trên bãi Hồng Vàn nhiều gia đình mới vay vốn 2-3 tỷ đồng, thậm chí vay lãi cao từ xã hội để đầu tư, đi vào kinh doanh 1-2 mùa du lịch chưa thu được vốn, đời sống rất khó khăn. Nay nếu thực hiện chủ trương tháo dỡ các công trình trên bãi biển Hồng Vàn, chúng tôi chỉ còn nước treo cổ tự tử vì không có tiền trả nợ.

Vậy nên chúng tôi khẩn thiết xin các cấp lãnh đạo cứu giúp chúng tôi, cho chúng tôi được kéo dài thời gian kinh doanh đến hết năm 2019 để thu một phần vốn để trả nợ. Bởi vì mô hình này trên thực tế vẫn còn phù hợp với tình hình du lịch của địa phương, giữ được nguyên vẹn nét hoang sơ rừng biển Cô Tô.

Chúng tôi cam kết sẽ giữ nguyên hiện trạng các công trình kinh doanh hiện tại, không phát sinh, mở rộng quy mô; Chấp hành nghiêm các quy định của địa phương, tạo môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh, thân thiện, giữ gìn nghiên ngặt vệ sinh môi trường và cảnh quan sinh thái; Không chiếm dụng đất trái phép mà xin được tạo điều kiện để ký hợp đồng với chính quyền thuê đất từng năm một; không gây rối mất trật tự trị an, không chống đối tạo thành điểm nóng”.

Báo Dân trí kính chuyển nội dung đơn của bạn đọc đến UBND tỉnh Quảng Ninh, Bộ Tư lệnh Quân khu 3; Huyện ủy, UBND huyện Cô Tô xem xét và trả lời đơn thư bạn đọc theo quy định của pháp luật.

Báo Dân trí nhận được đơn của ông Hà Huy Mạnh trú tại thôn Đại Đồng, xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, TP.Hà Nội phản ánh nội dung sự việc liên quan đến sai phạm trong công tác thi hành án và hành vi của Chấp hành viên thuộc Chi cục thi hành án dân sự huyện Đông Anh.

Đơn có có nội dung: “Năm 2013 tôi có cho ông Lương Thế Hưng (tức Quyền) vay số tiền 500 triệu đồng nhưng khi đến hạn thanh toán, sau nhiều lần yêu cầu thanh toán, ông Hưng không trả khiến tôi phải khởi kiện vụ án đến Toà án nhân dân huyện Đông Anh. Đến ngày 30/10/2014, Tòa án đã ban hành Quyết định số 44/2014/QDDS-ST với nội dung yêu cầu ông Hưng và vợ có nghĩa vụ thanh toán cho tôi số tiền là 550.625.000 (theo thỏa thuận giữa tôi và ông Hưng).

Ngày 12/1/2015 tôi đã làm đơn đề nghị Chi cục THADS huyện Đông anh thi hành án đối với ông Hưng, nhưng đến ngày 20/7/2015 Chi cục THADS mới ban hành QĐ số 77/QĐ-CCTHA về việc thi hành án theo đơn yêu cầu, trong đó ghi rõ thời hạn để người phải thi hành án tự nguyện thi hành là 10 ngày, nhưng đến hơn 5 tháng sau chấp hành viên Trần Thị Thanh Tâm mới lập giấy báo cho người phải thi hành án và đến ngày 28/12/2015 mới ban hành Thông báo để xác định tài sản của người phải THA.

Cho đến nay tôi vẫn không nhận được bất kỳ phản hồi nào của Chấp hành viên Trần Thị Thanh Tâm và Chi cục THADS huyện Đông Anh.

Báo Dân trí kính chuyển nội dung đơn của bạn đọc đến Tổng Cục thi hành án dân sự, Cục thia hành án dân sự TP Hà Nội, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đông Anh xem xét giải quyết và hôi âm bạn đọc theo quy định của pháp luật.

Báo Dân trí nhận được đơn của bà Hồ Thị Thu Vân, trú tại thôn Xuân An, xã Cát Minh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định đề nghị trợ giúp sự việc liên quan đến vấn đề chế độ dành cho thân nhân của liệt sĩ.

Đơn có nội dung: “ông bà nội tôi là Hồ Giây (mất 1977), Nguyễn Thị Bé (mất 1991)ở thôn Đức Phổ 1, xã Cát Minh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định đã được nhà nước cấp Bảng vàng gia đình danh dự vì đã có 2 con thoát ly tham gia quân giải phóng đều là liệt sĩ.

Liệt sĩ Hồ Kim Dục - Bằng Tổ quốc ghi công số 8G-361B, cấp ngày 12/5/1978. Liệt sĩ Hồ Kim Chung - không có bằng Tổ quốc ghi công, chỉ có Huân chương kháng chiến hạng Ba - quyết định số 90 ngày 30/3/1988 vào sổ vàng số 1507, được an táng tại nghĩa trang liệt sĩ xã Cát Minh.

Không biết vì lý do gì mà bác tôi là Liệt sĩ Hồ Kim Chung không có bằng Tổ quốc ghi công và mấy chục năm nay gia đình tôi không được hưởng chế độ hay trợ cấp gì của Liệt sĩ Hồ Kim Chung.

Gia đình tôi đã làm đơn gửi các cấp có thẩm quyền, đến ngày 18/12/2015 thì nhận được công văn số 3366/SLĐTBXH-NCC của Sở LĐTBXH tỉnh Bình Định trả lời là: Không có hồ sơ liệt sĩ Hồ Kim Chung và có đơn hướng dẫn tôi về Ban Chỉ huy quân sự huyện Phù Cát để được hướng dẫn làm giấy báo tử. Nhưng BCHQS huyện Phù Cát trả lời là trường hợp của bác tôi hy sinh lâu rồi nên rất khó và không hướng dẫn thêm gì nữa cả”.

Báo Dân trí kính chuyển nội dung đơn của bạn đọc đến Bộ Lao động TB&XH, Cục Người Có công, Sở LĐTBXH tỉnh Bình Định, Ban Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Đình xem xét giải quyết và hồi âm bạn đọc theo quy định của pháp luật.

Báo Dân trí nhận được đơn của bà Đặng Thị Ngọc, trú tại thôn Nội Am, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội phản ánh việc làm sai lệch hồ sơ địa chính của cán bộ địa chính xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì.

Nội dung đơn phản ánh: “Gia đình tôi vo cùng bức xúc vì sự làm sai lệch hồ sơ địa chính từ sau năm 2001 đến nay của cán bộ địa chính xã Liên Ninh trong thời gian lưu giữ hồ sơ địa chính đã tự điền tên chủ sử dụng Hoàng Văn Cánh và Hoàng Văn Quảng vào thửa đất số 44, tờ bản đồ số 10 diện tích 840m2 của chủ sử dụng là Hoàng Văn Tường và vợ là Hoàng Thị Liễu ở thôn Nội Am, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, T.P.Hà Nội. Mà 2 ông Cánh và Quang không phải là người thừa kế của gia đình tôi, không có quyền lợi liên quan gì, gia đình tôi cũng chưa bao giờ mua bán, chuyển nhượng cho 2 ông này.

UBND xã Liên Ninh - UBND huyện Thanh Trì đã tiếp nhận đơn thư không đúng theo quy định pháp luật của Hoàng Văn Cánh và Hoàng Văn Quảng với nội dung: đề nghị công nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích 288m2, đề nghị tháo dỡ nhà thờ của gia đình liệt sĩ Hoàng Xuân Đàm, tiến hành đo và cắm mốc thực địa ở thửa đất của gia đình ông Hoàng Văn Tường.

UBND huyện Thanh Trì dựa vào một tờ giấy viết tay không có cơ quan nhà nước nào có thẩm quyền công nhận do ông Cánh nộp cho huyện, từ đó UBND xã Liên ninh cùng UBND huyện Thanh Trì đã biến đất sử dụng hợp pháp lâu dài của gia đình chúng tôi thành đất đang có tranh chấp với ông Hoàng Văn Cánh, gia đình tôi vô cùng bức xúc trước việc làm vi phạm pháp luật đó, bởi:

Đất của gia đình tôi có nguồn gốc sử dụng ổn định hợp pháp từ đời cụ Nhượng (bố đẻ ra cụ Tường) không có tranh chấp. Sau đó cụ Nhượng để lại cho vợ chồng cụ Tường và vợ là cụ Liễu đứng kê khai Quyền sử dụng từ thời Chính phủ đông Pháp Bắc kỳ bảo hộ năm 1942 do Quan chánh tòa địa chính cấp ngày 17/3/1942 tại tỉnh Hà Đông. Sau cải cách ruộng đất vào hệ bản đò 299 năm 1986 và bản đồ năm 1994 đều đứng tên chủ sử dụng đất Hoàng Văn Tường và vợ Hoàng Thu Liễu, sau đó để lại cho bố chồng tôi là liệt sĩ Hoàng Xuân Đàm hy sinh năm 1967, sau khi bố chồng tôi mất thì ông bà nội chồng tôi đã cho chồng tôi là Hoàng Thanh Mạc quản lý và sử dụng ½ diện tích ở thửa số 44 tờ bản đồ số 10 là 420m2.

Tính đến nay gia đình chúng tôi đã quản lý và sử dụng ổn định vào khoảng 150 năm, tương ứng với 5 đời thừa kế không có một tranh chấp”.

Báo Dân trí chuyển nội dung đơn của bạn đọc đến Thanh tra sở TNMT TP.Hà Nội, UBND huyện Thanh Trì, UBND xã Liên Ninh xem xét, giải quyết và hồi âm đơn thư của bạn đọc theo quy định của pháp luật.

Khả Vân