Nhịp cầu bạn đọc số 10: Đề nghị làm rõ tố cáo giả hồ sơ nhận tiền chế độ của mẹ liệt sĩ

(Dân trí) - Báo Dân trí tiếp tục nhận được nhiều đơn thư của bạn đọc trên cả nước phản ánh những vụ việc: bị hàng xóm lấn chiếm không gian chung, bị đe dọa tính mạng, bị hủy hoại tài sản và xâm phạm chỗ ở trái phép, bị làm giả hồ sơ nhận tiền chế độ. Báo Dân trí đã chuyển các đơn thư đến các cơ quan chức năng xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.

Báo Dân trí nhận được đơn kiến nghị của ông Nguyễn Hữu Sơn, trú tại cụm 8, Hồng Hà, Đan Phượng, TP.Hà Nội cho biết: “Cô ruột tôi là cụ Nguyễn Thị Bình (trú tại cụm 4, Hồng Hà, Đan Phượng, TP.Hà Nội) là mẹ của liệt sĩ chống Mỹ Phạm Văn Liệu. Cụ Bình mất năm 2007, tôi là người được con ruột cụ Bình ủy quyền để nhận các tiền chế độ Nhà nước dành cho cụ Bình. Tôi đã nộp giấy tờ cho ông Đỗ Xuân Trường,cán bộ LĐTBXH xã Hồng Hà. Tuy nhiên tiền mai táng phí và tiền trợ cấp 1 lần khi thân nhân liệt sĩ qua đời đến nay tôi vẫn chưa nhận được.

Ngày 10/10/2016, tôi nhận được công văn số 365/LĐTB&XH của phòng LĐTBXH Đan Phượng với nội dung: ngày 22/8/2007, tôi (Nguyễn Hữu Sơn) đã nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp một lần và mai tang phí đối với người có công. Ngày 13/9/2017, Sở LĐTBXH Hà Tây (nay là Hà Nội) đã ra quyết định giải quyết chế độ trợ cấp với số tiền 6.882.000đ. Phòng LĐTBXH huyện Đan Phượng đã thông báo và tôi là người trực tiếp đến nhận đủ số tiền tại Phòng LĐTBXH huyện vào ngày 22/11/2007.

Ngày 21/10/2016, UBND huyện Đan Phượng tổ chức buổi làm việc giữa tôi với phòng LĐTBXH Đan Phượng, có sự tham gia của một số đại diện ban ngành khác của huyện. Buổi làm việc đã diễn ra với rất nhiều những điều trái ngang khiến tôi vô cùng bức xúc. Khi tôi yêu cầu lập biên bản buổi làm việc thành 2 bản để tôi giữ 1 bản làm căn cứ giải quyết về sau cũng bị từ chối. Vì cách làm việc thiếu thuyết phục đó tôi đã phải viết ý kiến vào biên bản: không đồng ý với buổi làm việc.

Ngay sau buổi làm việc ngày 21/10/2016, liên tiếp trong 2 ngày, UBND xã Hồng Hà cho phát trên loa truyền thanh khắp xã quy chụp tôi là người đã nhận tiền chế độ nhưng giờ lại đi đòi hỏi lần nữa. Đây là việc làm xúc phạm danh dự nhân phẩm của tôi một cách hết sức nặng nề.

Ngày 7/11/2016, sở LĐTBXH Hà Nội chuyển cho tôi bộ hồ sơ mà trước đó Phòng LĐTBXH Đan Phượng đã từ chối cấp cho tôi, tôi khẳng định bộ hồ sơ là giả mạo. Tiền mai tang phí và trợ cấp 1 lần của mẹ liệt sĩ có dấu hiệu bị ăn chặn bởi: Tôi không hề viết bản khai thân nhân liệt sĩ từ trần, toàn bộ chữ viết và chữ kí trong “Bản khai của thân nhân người có công với cách mạng từ trần” đề ngày 23/8/2007 không phải là chữ viết của tôi. Văn bản này là tài liệu giả mạo.

Thứ hai, Giấy chứng tử số 20, quyển số I/2007 là văn bản giả mạo bởi tôi chưa bao giờ đến UBND xã Hồng Hà khai tử cho cô tôi (cụ Nguyễn Thị Bình) bởi cụ Bình mất ở nhà con gái là Nguyễn Thị Minh ở thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ. Người trong gia đình tôi đã khai tử ở nơi cụ mất.

Thứ ba, đơn đề nghị xét hưởng trợ cấp lần 1 và mai tang phí đối với người có công” đề ngày 22/8/2016 cũng không phải do tôi viết, không phải chữ ký của tôi. Đây là tài liệu giả mạo.

Thứ tư, biên bản ủy quyền thân nhân người có công với cách mạng đề nghị hưởng trợ cấp 1 lần và mai táng phí” đề ngày 22/8/2007 là văn bản giả mạo. Tất cả 5 chị em tôi không ai kí vào văn bản này.

Thứ năm, trong danh sách ký nhận tiền tháng 11/2007 cũng không phải là chữ ký, chữ viết của tôi. Văn bản là giả mạo”.

Báo Dân trí trân trọng chuyển nội dung đơn thư của ông Nguyễn Hữu Sơn đến Bộ LĐTB&XH; UBND thành phố Hà Nội; Sở LĐTB&XH TP Hà Nội; UBND huyện Đan Phượng xem xét, giải quyết và hồi âm bạn đọc theo quy định pháp luật.

Báo Dân trí nhận được đơn tố cáo của bà Nguyễn Thị Thắng, trú tại 58B Bà Triệu, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội về việc làm vi phạm pháp luật của ông Nguyễn Văn Minh trú tại 58B Bà Triệu: “Năm 1998, ông Minh mua của HTX inroneo chỉ có 17,8m2 trong hợp đồng thuê nhà và 25,4m2 tự tạo. Sau đó gia đình ông Minh đã lấn chiếm 31,6m2 sân chung trong biển số nhà, phá dỡ ngôi nhà 17,8m2 và diện tích tự tạo trong hợp đồng sửa chữa, nâng cấp thành nhà 2 tầng không đúng theo nguyên trạng cũ. Mới đây ông Minh lại tiếp tục phá dỡ khu 25m2 lấn chiếm để cải tạo và hợp thức hóa những phần đất lấn chiếm trước đây. Trong suốt 16 năm qua tôi liên tục có đơn khiếu nại việc lấn chiếm đất chung, xây dựng nhà không phép của ông Minh nhưng không được giải quyết, công trình vi phạm, lấn chiếm vẫn tồn tại.

Ngày 13/5/2017 gia đình ông Minh đã đưa 4 người đến đe dọa nếu tôi tiếp tục gửi đơn. Tôi đã trình báo Công an phường Hàng Bài sự việc trên”.

Báo Dân trí đã chuyển đơn của bà Nguyễn Thị Thắng đến UBND quận Hoàn Kiếm, Sở Xây dựng TP Hà Nội xem xét, giải quyết, hồi âm bạn đọc theo quy định pháp luật.

Báo Dân trí nhận đơn đơn kêu cứu của bà Nguyễn Thị Đào, trú tại thôn Đồng Đoài, xã Đạo Đức, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc với nội dung: “Con trai tôi là Lê Bình Dương (sinh ngày 09/11/1997) bị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc truy tố về tội giết người theo khoản 2 Điều 93 Bộ luật hình sự. Ngày 7/12/2016. TAND tỉnh Vĩnh Phúc đã đưa vụ án ra xét xử, tuyên phạt con tôi là Lê Bình Dương với hình phạt là tù chung thân”.

Bà Đào cho rằng “Hình phạt này là quá nặng, không thể hiện được tính khoan hồng, khoan dung của pháp luật và không đảm bảo tính nhân văn khi xét xử”.

Báo điện tử Dân trí đã chuyển đơn của bà Nguyễn Thị Đào đến TAND Cấp cao tại Hà Nội; VKSND Cấp cao tại Hà Nội xem xét giải quyết, hồi âm bạn đọc theo quy định pháp luật.

Báo Dân trí tiếp tục nhận được đơn của ông Trần Danh Đính, trú tại thôn 3 xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội.

Nội dung đơn cho biết: “Năm 1977, sau khi rời quân ngũ về quê hương tôi được cha tôi cho một thửa đất rộng 352m2 ở thôn 3 xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội, trên đó có 3 gian nhà thờ bằng gạch ngói do chính cha tôi xây dựng để thờ phụng tổ tiên và 4 gian nhà tranh. Đây là tài sản riêng của gia đình tôi quản lý, xây dựng và nghiêm chỉnh thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của nhà nước về việc nộp thuế ở nông thôn, thuế đất đầy đủ, và sinh sống ổn định lâu dài từ đó đến nay.

Từ 2008 đến nay, một số người trong họ Trần Danh ở xã Yên Sở ngộ nhận đất và nhà thờ của gia đình tôi là của cả họ Trần Danh, khiếu kiện đòi lại nhà đất hợp pháp của gia đình tôi. Tòa án nhân dân huyện Hoài Đức và Tòa án nhân dân TP.Hà Nội đã ra quyết định số 1000/2014/QĐ-GQNK ngày 29/04/2014 về việc không chấp nhận đơn khiếu nại của họ Trần Danh và giữ nguyên quyết định của Chánh án TAND huyện Hoài Đức.

Bất chấp hiến pháp và pháp luật của Nhà nước cũng như các quyết định của TAND thành phố Hà Nội và TAND huyện Hoài Đức, liên tiếp từ ngày 21/2/2017 đến nay 8 ông trong dòng họ Danh Cúc mà đứng đầu là ông Trần Danh Cúc, HKTT: thôn 4, xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội, liên tiếp có hành vi hủy hoại tài sản, xâm phạm chỗ ở, xây dựng trái phép trên mảnh đất của gia đình chúng tôi, buộc gia đình tôi phải rời đi nơi khác ở”.

Báo Dân trí trân trọng chuyển nội dung đơn thư của gia đình ông Trần Danh Đính đến UBND thành phố Hà Nội, UBND huyện Hoài Đức, Công an huyện Hoài Đức xem xét giải quyết, hồi âm bạn đọc theo quy định của pháp luật.

Khả Vân