Nhiều ý tưởng rút ra từ “xì-căng-đan” thi tốt nghiệp tại ĐBSCL

(Dân trí) - Đề tài nóng nhất hiện nay được báo chí cũng như truyền hình liên tục cập nhật chính là thời “hậu” kỳ thi tốt nghiệp THPT 2011. Có rất nhiều ý tưởng rút ra từ “xì-căng-đan” chấm thi tốt nghiệp môn ngữ văn tại ĐBSCL.

Ngoài những ý kiến không đồng tình với cách chấm thi tại ĐBSCL thì có không ít những người là học sinh, giáo viên, thậm chí phụ huynh học sinh hay những người trăn trở cho nền giáo dục nước nhà lại có một cái nhìn khác.

 

Từ con mắt của những người yêu văn, nhiều người đã phân tích rằng việc làm của ĐBSCL với môn ngữ văn như vậy hoàn toàn hợp lý và thậm chí “Biên bản” của ĐBSCL còn mềm mỏng hơn cách chấm thi của Bộ đưa ra.
 
Nhiều ý tưởng rút ra từ “xì-căng-đan” thi tốt nghiệp tại ĐBSCL  - 1

Thí sinh Cần Thơ trao đổi bài sau khi dự thi môn Vật lý kỳ thi tốt nghiệp THPT 2011. (Ảnh: Huỳnh Hải)

 

Tôi không cho rằng đó là chạy theo thành tích. Tôi là người học văn đạt loại khá, tôi nhận thấy học văn theo hướng mở như hiện nay tốt hơn cho óc sáng tạo của học sinh. Việc sử dụng câu từ của học sinh (ví dụ: màu sương mờ...) chấp nhận được và cũng không cần thiết phải học thuộc lòng như bài viết nêu (màu hồng hồng của ánh sương mai...). Nếu học văn cần phải chính xác câu chữ như vậy thì có lẽ học sinh nên học văn như học toán: viết ra các gạch đầu dòng với ý chính và thuộc lòng các câu nhấn mạnh đó...Và như vậy học sinh sẽ nhớ những điều cần nhớ của một bài văn nhưng ngược lại sự sáng tạo hay cảm nhận sẽ không phát huy tốt đượcduongthiha: duongthiha_vic@yahoo.com.vn   

 

Xem cái đáp án Văn ở "Biên bản...", tôi - một người yêu văn, thấy còn đúng hơn đáp án của Bộ, nhất là ở câu 1, đúng với sự tư duy của thí sinh. Khi trong đề in nghiêng các chữ "nghĩ kĩ" và "nhìn lâu", ý nói đến một cái nhìn toàn diện, nhiều chiều mà đáp án của Bộ không đả động đến vấn đề này.
 
Đáp án theo tôi như vậy không có gì đến mức thoát li hướng dẫn chấm của Bộ. Thậm chí tôi cho rằng "Biên bản..." (đọc kĩ trong ảnh) mới thực sự là một đáp án mở, mềm mỏng, không cứng nhắc.
 
Ví dụ:
- Không trừ điểm bài viết của học sinh dài quá 400 từ

- Nếu thay đổi bố cục thân bài, GK chấm bình thường

- Nêu một vài ý nghệ thuật, không cần triệt để: cho 1 điểm” - Thái Mạnh Cường: manhcuong.cmt@gmail.com  

 

Tôi RẤT NHẤT TRÍ với cách làm của 11 tỉnh ĐBSCL. Chúng ta học văn là học cái tinh thần của tác phẩm, chứ không phải học từng câu, từng chữ trong bài đọc do vậy khi các thí sinh có viết sai một vài từ so với tác phẩm cũng không sao.

 

Nhà văn viết một tác phẩm là họ đang nêu nên quan điểm của mình về một vấn để nào đó, khi tác phẩm này đến với các học sinh, thì các em ấy hoàn toàn có quyển tiếp thu nó theo cách hiểu riêng. Mỗi học sinh, dựa theo hoàn cảnh khác nhau sẽ coi chi tiết này hay chi tiết khi là đặc sắc, là ấn tượng.

Do vậy tại sao chúng ta cứ phải ép buộc các em theo cái ấn tượng này, theo cái đặc sắc kia làm gì. Hãy để các thí sinh của chúng ta tự chủ trong cách làm bài, tự tin nói ra chứng kiến của mình, đừng bắt các em phải học thuộc, phải ghi nhớ một loại đáp án nào cả. NGƯỜI CHẤM THI CẦN PHẢI LINH ĐỘNG, NẾU KHÔNG SẼ KHÔNG KHUYẾN KHÍCH ĐƯỢC TÍNH SÁNG TẠO CỦA CÁC TÀI NĂNG TRẺ
” - Người Bất Bình: hansivan91@yahoo.com  

 

Nhưng đứng ở một góc độ khác nhiều độc giả đã chỉ trích mạnh mẽ việc làm của 11 tỉnh ĐBSCL.

 

Biết bao  hội nghị,biết bao cuộc họp và bao nhiêu ý tưởng của những chuyên gia, những người có tâm huyết đã và đang thực hiện để đưa nền Giáo dục của nước nhà thoát khỏi vũng đầm lầy, kết quả cải thiện chưa được bao nhiêu thì chính những chuyên viên của 11 tỉnh ĐBSCL lại đang ra sức phá đi cái thành quả nhỏ nhoi đó. Họ chỉ vì hai chữ “Thành Tích” mà quên đi trách nhiệm lớn lao của cả cộng đồng Xã hội?” - Hoang Ky Anh: hoangkyanhnd@yahoo.com  

 

Và có không ít người như độc giả Văn Duẩn: vanduan.ktdt@gmail.com xót xa khi nói rằng vụ lùm xùm tại ĐBSCL: “chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, còn những nơi mà tỉ lệ tốt nghiệp tăng cao đến không tưởng. Không biết bao giờ mới có học thật và thi thật đây”.

 

Hay bạn đọc chiendo: chiendovn@gmail.com chua xót viết:

 

Thực ra tôi không bất ngờ lắm khi đọc bài viết này, bởi lẽ tôi nghĩ trước sau gì thì “bệnh thành tích” cũng sẽ tái phát. Chúng ta vẫn đi vào vết xe đổ theo kiểu “đầu voi, đuôi chuột”, lúc đầu bao giờ cũng “hoành tráng”, cũng quyết lắm nhưng rồi sau một thời gian thì sao? Đâu lại vào đó. Tôi nghĩ Bộ đã làm thì nên làm đến cùng, làm đến nơi, đến chốn chứ không phải đưa ra khẩu hiệu “hai không” một thời gian rồi lại để nó tự bị bào mòn!”. 

 

Từ các sự việc xảy ra trong đợt thi tốt nghiệp THPT 2011 vừa qua cũng có ý kiến cho rằng nên xem xét và nghiên cứu đề án bỏ thi tốt nghiệp vì vừa tốn tiền của mà không đạt được hiệu quả.

 

Thiết nghĩ nên bỏ kì thi cồng kềnh này đi là được rồi. Phí tiền của. Sau 12 năm đi học của các cháu, nên xét tốt nghiệp.

 

Cháu nào có lực học trung bình, thì đi học nghề, đi làm. Cháu nào khá giỏi thì đi thi đại học, cao đẳng. Như vậy, ai cũng có cơ hội phấn đấu vươn lên, có ích cho xã hội, mà nhà nước nhẹ gánh 1 khoản kinh phí vô ích” - binh: hoabinhboong_1987@yahoo.com  

 

Theo tôi Bộ giáo dục nên có cơ chế mở với bậc THPT và đầu vào các trường CĐ, ĐH. Học xong 12 có giấy xác nhận, người học tùy vào năng lực và hoàn cảnh của mình để ghi danh vào một trường chuyên nghiệp bất kì. Vào học phải đóng tiền học phí, quá trình học giỏi có hỗ trợ. Tổ chức quản lí chặt chẽ đầu ra của các trường chuyên nghiệp là được. Nên bỏ kì thi TNTHPT, vừa bớt áp lực thi cử cho người học, vừa đỡ tốn kém cho Nhà nước và cả nhân dân, vừa phát huy tinh thần tự giác trong học tập của mọi người” - Đoàn Anh Tuấn: Tuandd45@yahoo.com.vn  

 

Một lần nữa đọc gia: chalalot_blue@yahoo.com.vn nhớ lại thực trạng buồn mà chính mình vừa trải qua trong kỳ thi tốt nghiệp cách đây ít lâu:

 

Thực trạng này không còn xa lạ gì, tôi nghĩ rằng việc thi tốt nghiệp chỉ là một vở kịch đã dựng sẵn mà thôi, không quyết định được điều gì hết, cái chính là những kì thi đại học, cao đẳng quyết định.

 

Tôi đang là sinh viên, mới ra trường được 1 nam, tôi cũng đã bước  vào kì thi tốt nghiệp, cũng lo lắng, hồi hộp vậy mà vào thi mới biết là...quá dễ dàng thầy cô cho chép vô tư. Thực trạng xảy ra quá phổ biến nhưng không ai muốn bóc trần cái sự thật ấy ra ư.

 

Nếu chúng tôi mà không chép được, chính những thầy cô ấy lại khiển trách vì vậy chúng tôi nghĩ trượt mới là khó chứ không phải đỗ. Sao không ai dám lên tiếng, hay vì người ta sống với nhau dưới một lớp cái mặt nạ???”.

 

Bách Linh