Hệ lụy từ “con tàu đắm” Vinashin:

Nhiều “ông chủ” trước nguy cơ sạt nghiệp

(Dân trí) - Vì tin đối tác, nhiều doanh nghiệp xuất thân từ “chân lấm tay bùn” đã chi hàng tỷ đồng để đầu tư. Tuy nhiên, hệ lụy từ “con tàu đắm” Vinashin đã kéo theo nhiều công ty con, cháu của Tập đoàn chây ỳ nợ nần đẩy “bạn hàng” đến nước… sạt nghiệp!

 Doanh nghiệp lao đao trước nguy cơ… “ra đường”

Gần 4 năm nay, ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Công ty TNHH Đức Trọng (trụ sở tại TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) như ngồi trên đống lửa. Ngần ấy thời gian cũng là quảng ngày vất vả chạy đôn đáo hết Hà Nội lại Quảng Ninh với hy vọng đòi được nợ. Tuy nhiên, phía đối tác thì chây ì, còn Ngân hàng đòi… siết nợ!

Theo phản ánh của ông Sơn, tháng 3/2007, ông Phạm Thanh Bình - Chủ tịch HĐQT Vinashin ra quyết định cho phép chuẩn bị đầu tư dự án san lấp giai đoạn I khu kinh tế cảng biển Hải Hà (Hà Cối, Quảng Ninh) và làm đường công vụ khởi công Nhà máy đóng tàu Hải Hà (thuộc H.Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh). Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Cái Lân (Công ty CNTT Cái Lân) được giao làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư dự kiến 945 tỉ đồng. Từ tháng 10/2007, Công ty CNTT Cái Lân giao lại cho 4 nhà thầu chính là thành viên của Vinashin và các nhà thầu này tiếp tục giao lại cho 9 doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó có công ty ông Sơn thực hiện các hạng mục về san lấp mặt bằng.

Đơn kêu cứu gửi báo
Đơn kêu cứu gửi báo Dân trí và Giấy đòi nợ của công ty CP Vận tải biển Trường Xuân - Nam Định.

Công việc san lấp mặt bằng bắt đầu được tiến hành từ đầu tháng 10/2007 đến tháng 2/2008, chủ đầu tư và 4 công ty thành viên của Vinashin bất ngờ chấm dứt hợp đồng với các nhà thầu phụ vì lý do kinh tế khó khăn, không thể tiếp tục dự án. Theo các hợp đồng ký kết, khối lượng công việc đã thực hiện có nghiệm thu giữa các bên thì các nhà thầu chính đang nợ các công ty 130 tỉ đồng, riêng đối với Công ty TNHH Một thành viên Cảng Hòn Gai Vinashhin đang nợ doanh nghiệp của ông Sơn gần 9 tỷ đồng.

“Cũng bởi khoản nợ kéo dài nên gần 4 năm qua không đòi được, để có tiền trả nợ gốc và lãi ngân hàng, tôi đã phải bán tống bán tháo tài sản. Trong đó, 1 chiếc tàu tôi mua 2,9 tỉ phải bán 1,4 tỉ. Cuối tháng 5 vừa rồi lại phải thế chấp ngôi nhà lấy 1 tỉ đồng trả ngân hàng . Hiện, 2 tàu vận tải, 2 lô đất đã bị ngân hàng xiết nợ. Căn nhà hơn chục người thuộc ba thế hệ đang sống cũng bị ngân hàng kê biên, khiến cả nhà tôi phải đi ở nhờ” - ông Sơn giãi bày.

Được biết, Công ty TNHH Đức Trọng đang bị Ngân hàng Công Thương Việt Nam (chi nhánh Việt Trì) hoàn tất hồ sơ để khởi kiện ra tòa để thu hồi nợ, với số tiền lên tới gần 4 tỷ đồng. Nếu nhà thầu chính không kịp thời trả nợ để công ty trả nợ cho ngân hàng thì tài sản của công ty sẽ bị ngân hàng phát mại và ngày “khai tử” công ty cũng không còn xa.

Tan mộng ra khơi

Ở Thái Bình, có những người dân chân chất ngày ngày chắt chiu từng đồng tiền mồ hôi nước mắt, góp vốn thành lập công ty nuôi ước vọng ra khơi. Tuy nhiên, ông Giám đốc nông dân Vũ Đức Then cùng số phận Công ty CP Vận tải biển Trường Xuân (Công ty Trường Xuân), có địa chỉ Khu 8, TT Diêm Điền (Thái Thuỵ - Thái Bình) đang rơi vào cảnh “khốn cùng” bởi sự chây ì của  đối tác là Công ty Cổ phần Công nghiệp Tàu thủy Hải Dương.

Giám đốc Vũ Đức Then:  Công ty chúng tôi đang lao đao vì món nợ nhiều tỷ đồng nhiều năm từ

Giám đốc Vũ Đức Then: " Công ty chúng tôi đang lao đao vì món nợ nhiều tỷ đồng nhiều năm từ Công ty Cổ phần Công nghiệp Tàu thủy Hải Dương không chịu trả..."

Câu chuyện cũng bắt đầu từ năm 2007, khi thị trường vận tải đang lên, ông Then gom tiền đến đặt hàng công ty CP CNTT Hải Dương, đóng tàu 2.000 tấn với giá trên 14 tỷ đồng. Tin tưởng đối tác nên ông chuyển tiền trước 7,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, sự việc vỡ lỡ khi ông phát hiện ra số tiền ông trả để công ty CNTT Hải Dương mua thép đã bị công ty này mang… trả ngân hàng cho một khoản vay khác. Tàu của ông đặt hàng nhưng phía công ty CP CNTT Hải Dương không thực hiện đúng tiến độ mà 2 bên đã thống nhất trước đó.

Bức xúc, ông Then đề nghị dừng đóng tàu và yêu cầu phía công ty CP CNTT Hải Dương trả lại tiền, không cần phạt. Theo đó, Cty CNTT Hải Dương đã cam kết sẽ thanh toán toàn bộ tiền gốc cho công ty Trường Xuân chậm nhất ngày 31/3/2009.

Nhưng sau 8 lần thanh toán đến ngày 8/4/2009, CNTT Hải Dương mới trả cho Công ty Trường Xuân số tiền là 2,8 tỷ đồng và số tiền còn lại 3,2 tỷ đồng đến nay chưa trả. Nếu tính cả lãi suất cho số tiền này thì tổng số nợ đã lên tới gần 6 tỷ đồng. Cho đến nay, CNTT Hải Dương vẫn luôn tìm cách khất lần, không chịu thanh toán dứt điểm.

Normal

Công ty CP CNTT Hải Dương còn nợ hơn 3,2 tỷ đồng của công ty Trường Xuân từ năm 2007, đến nay chưa biết lấy đâu để trả cho xong nợ.

“Với số tiền bị chiếm dụng đã 4 năm nay, khiến công ty tôi từ một doanh nghiệp có nguồn lực tài chính mạnh, đến nay phải đi vay mượn để lo cho anh em công nhân. Điều đáng buồn nhất là đến nay dù tôi biết công ty CP CNTT Hải Dương còn hơn 20 tỷ đồng đang nằm trong công ty tài chính Vinashin, tức là công ty này có điều kiện trả nợ, nhưng họ vẫn không trả cho chúng tôi” - ông Then ngậm ngùi kể.

Giờ đây, ông Then vẫn kiên trì đi lại giữa Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội để đòi tiền của công ty CP CNTT Hải Dương. Thậm chí, ông đang tính phương án sẽ tố cáo hành vi cố ý làm trái của một số cán bộ thuộc công ty CP CNTT Hải Dương ra cơ quan điều tra vì đã dùng tiền của công ty ông để trả ngân hàng thay vì mua tôn đóng tàu cho công ty ông như đã cam kết.

Tìm hiểu của PV Dân trí cho thấy, không riêng gì các công ty Đức Trọng hay Công ty vận tải biển Trường Xuân mà nhiều doanh nghiệp khác cũng chung số phận. Các doanh nghiệp  này gần như đang bên bờ vực phá sản, công nhân nhiều nay sống lay lắt, số nợ của công ty ngày một lớn lên.

Quốc Cường - Anh Thế