Nhiều bức xúc trước lý do khiến giá xăng không thể giảm

(Dân trí) - Vì “lúng túng”, vì không có “hướng dẫn” nên Petrolimex tuột mất cơ hội giảm giá xăng trong tháng 6/2011 cho người tiêu dùng. Nguyên nhân theo lý giải của bà Đàm Thị Huyền, Phó tổng GĐ Tổng Cty Xăng dầu VN(Petrolimex), gây nhiều phản ứng trong dư luận.

Cần sự minh bạch

 

Vũ loàn: vuloanktn49dh@gmail.com nêu rõ: “Tất cả nghe như có vẻ rất hợp lý cho các doanh nghiệp trong việc để kinh doanh có lãi. Trên thực tế mà nói, nếu không có lãi thì không doanh nghiệp nào có thể tồn tại được, nhưng tất cả những lý do trên chỉ là để biện minh cho việc tăng giá hay không giảm giá của Petrolimex mà thôi.

 

Không hiểu nhà nước có những chính sách gì mà để người tiêu dùng toàn phải chịu thiệt thòi. Chi phí sinh hoạt tăng lên - không thấy rằng mỗi khi giá xăng dầu tăng là bao nhiêu thứ giá tăng theo và hậu quả lại là do người tiêu dùng phải gánh chịu. Dân có giàu thì nước mới mạnh, mà dân cứ thế này thì chỉ nghèo mãi mà thôi.

 

Đề nghị các cấp các ngành có những chính sách và biện pháp để bình ổn giá xăng dầu, ổn định cuộc sống của người dân”.

 

Thế: danh_danh1981@yahoo.com phản ứng:

 

“Tại sao lại chưa kịp giảm giá trong khi giá xăng dầu thế giới thì giảm như vậy. Sao lúc tăng thì lại tăng kịp thời và nhanh như vậy? Sao lúc đó không thấy “lúng túng”.

 

Cùng chung quan điểm, Nguyễn Văn Trí: tringuyen@gmail.com nêu thực trạng muôn thuở của tập đoàn “luôn kêu lỗ” Petrolimex:

 

“Chịu thua. Khi nào cũng nói theo cơ chế thị trường, khi giá xăng dầu thế giới tăng thì đòi tăng giá xăng trong nước, kêu lỗ. Khi xăng dầu thế giới giảm thì chả thấy giá xăng trong nước giảm đồng nào. Đã thế còn kêu lỗ. Petrolimex kinh doanh hay quá. Làm gì cũng lỗ thế mà tồn tại hay nhỉ??? Tăng 1000-2000đ mà nếu có giảm thì giảm 100-200. Mà tăng 3 -4 lần mới giảm 1 lần”.

 

“Việc giá xăng dầu cần được minh bạch là nhu cầu hết sức chính đáng của người dân. Việc điều chỉnh giá xăng theo cơ chế thị trường có sự kiểm tra của nhà nước là đúng, người kinh doanh phải hạch toán điều chỉnh theo từng thời điểm cho phù hợp vì xăng dầu là một trong những yếu tố quyết định tới giá cả thị trường”, độc giả này nhấn mạnh.
 
Nhiều bức xúc trước lý do khiến giá xăng không thể giảm - 1

(nguồn ảnh: internet)

 

Quản lý và điều hành

 

Cho rằng cách quản lý cũng như kinh doanh của các doanh nghiệp xăng dầu là chưa hợp lý, nên đã góp phần làm gia tăng lạm phát khiến cuộc sống của người dân thêm khó khăn, Dung: dndungvthatay@gmail.com phân tích:

 

Việc tăng, giảm giá xăng dầu phù hợp theo đơn giá dầu của thế giới là hoàn toàn hợp lý (không nhất thiết phải điều chỉnh giá hàng ngày vì còn phụ thuộc nhiều yếu tố liên đới khác). Tuy nhiên, với cách quản lí điều hành xăng dầu hiện nay là không phù hợp. Thực tế cho thấy khi xăng dầu thế giới tăng thì các doanh nghiệp xăng đồng loạt tăng giá, nhưng khi giá dầu thế giới giảm, các doanh nghiệp xăng dầu không giảm!? Như vậy với hình thức kinh doanh này thì khi kinh doanh lỗ nhân dân phải gánh chịu chứ không phải doanh nghiệp, còn khi kinh doanh có lãi thì lại viện minh cho việc phải bù lỗ (nhà nước bù lỗ) để hưởng thêm lãi xuất, kéo dài thời gian kinh doanh.

 

Điều này chứng tỏ chỉ có người tiêu dùng là phải chịu thiệt, vì khi kinh doanh xăng dầu ai biết được doanh nghiệp có lỗ thực không hay lãi lớn? Một thực tế khác cho thấy giá xăng dầu cao sẽ kéo theo nhiều mặt hàng tăng giá, góp phần thúc đẩy lạm phát ... Vậy đến bao giờ người dân mới hết khổ!?”

 

Thất vọng trước lý giải về bài toán lỗ - lãi của Petrolimex, Thái Bình: fancy_free1989@yahoo.com đặt câu hỏi:

 

“Tôi thấy chán với mấy cái bài lỗ lãi của những ngành độc quyền này rồi. Lỗ, lãi cứ kêu còn dư luận kệ dư luận. Lúc tăng thì đề xuất tăng tiền "nghìn đồng" giảm lại có 200 - 300 đồng/ lít. Thử hỏi trên đất HN này tiêu được đồng 500 đồng cũng còn khó, 200- 300 đồng không hiểu còn nghĩa lý gì? Một doanh nghiệp luôn kêu lỗ là vậy nhưng cuối năm hay dịp lễ Tết thì tiền thưởng cứ gọi là tới tấp. Tóm lại phải chịu thua thiệt cũng lại chỉ là người dân thôi”. 

 

Không ít người cùng chung suy nghĩ đầy nghi vấn như vậy, Trương Hoàng: truonghoang6657@yahoo.com gay gắt:

 

“Người dân chán lắm rồi. Ông xăng dầu, ông điện, ông nước, ông hành chánh cứ độc quyền, độc đoán thế này vì ngoài họ ra thì hầu như có đơn vị nào cung ứng đâu. Lỗ thì sao không tuyên bố phá sản... Hay công ty lỗ nhưng cá nhân lãi lớn, tiền thưởng công nhân cuối năm cao nhất các đơn vị trên cả nước... Còn các cơ quan quản lý hay liên quan thì tỏ ra ung dung một cách rất khó hiểu. Chỉ có người dân là phải chịu mà thôi...”     

 

“Tôi thấy với cách quản lí điều hành như thế này thì tỉ lệ lạm phát nước ta còn tăng cao, do xăng dầu là một yếu tố quyết định tới giá cả thị trường. Khi xăng dầu thế giới tăng các doanh nghiệp xăng dầu đòi tăng giá, thì chậm nhất một tuần giá xăng dầu lập tức tăng. Khi giá dầu thế giới giảm, Chính phủ yêu cầu giảm thì các doanh nghiệp xăng dầu lại đưa ra nhiều lí do không chính đáng để tránh giảm giá như còn hàng tồn kho nhập khẩu khi giá xăng dầu thế giới cao. Như vậy kinh doanh lỗ của doanh nghiệp này nhân dân phải gánh chịu chứ không phải doanh nghiệp. Trong khi đó các bộ ngành liên quan không có những biện pháp cứng rắn buộc các doanh nghiệp xăng dầu hạ giá. Vấn đề này có lẽ phải đặt ra một dấu hỏi trong quản lí của một số cán bộ thuộc Bộ Tài chính.  Hoàng Quốc Lân: hoangquoclan@gmail.com nêu cụ thể.

 
Xăng dầu, điện, nước... luôn được xem là những mặt hàng "nhạy cảm", "phức tạp" vì chỉ một biến động nhỏ về giá các mặt hàng đó cũng sẽ lập tức ảnh hưởng đến đời sống người dân. Trong bối cảnh giá cả nhất là của những mặt hàng thiết yếu luôn là nỗi phấp phỏng âu lo lo canh cánh của người dân, thì cần lắm sự minh bạch mọi thông tin cũng như bàn tay quản lý, điều hành nghiêm khắc. 
 
Kinh doanh đúng là cần phải có lãi, nhưng không thể cứ luôn kêu lỗ để tăng giá làm xáo trộn cuộc sống của người dân. Trong khi thực tế cho thấy những ngành kêu lỗ nhiều nhất này lại là niềm mơ ước của biết bao người muốn được vào làm, dù chỉ để hưởng những mức lương - thưởng "lỗ" rất khủng của doanh nghiệp.
 

Bách Thu