Nhiễm HIV "oan" suốt 19 năm: Ngành Y tế cần “sòng phẳng” với ông Trần Ngọc Khanh

(Dân trí) - Ông Trần Ngọc Khanh, người bị “án oan” HIV mà báo Dân trí đã phản ánh, cho biết: Đến nay ngành y tế tỉnh Bình Thuận vẫn chưa giải thích cho ông rõ vì sao vào năm 1997 ông bị công bố nhiễm HIV, nay lại cho kết quả âm tính. “Án oan” HIV suốt 19 năm qua đã gây hậu quả vô cùng tai hại cho cuộc sống của ông và ông sẽ đi kiện nếu không tìm được tiếng nói chung với ngành y tế.

Quy trình chặt chẽ những vẫn có thể nhầm lẫn

Liên quan đến trường hợp ông Trần Ngọc Khanh bị ngành y tế tỉnh Bình Thuận “tuyên bố” nhiễm HIV, để tìm tiếng nói khách quan trong lĩnh vực này, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Thị Vy Uyên, phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM.

Bà Vy Uyên cho biết, thời điểm năm 1997, các quy định xét nghiệm và công bố lây nhiễm HIV được ngành y tế áp dụng trong Chiến lược 3 của Bộ Y tế về phòng chống HIV/AIDS. Theo đó, các cơ sở xét nghiệm sàng lọc HIV chỉ được làm xét nghiệm ban đầu, nếu mẫu âm tính thì được phép công bố với đối tượng xét nghiệm, nếu mẫu xét nghiệm có phản ứng thì chuyển lên cơ sở xét nghiệm khẳng định. Cơ sở xét nghiệm khẳng định sẽ thực hiện 3 xét nghiệm, sau đó mới công bố kết quả. Như vậy, nếu đối tượng xét nghiệm lấy mẫu tại cơ sở sàng lọc thì mẫu sẽ qua 4 xét nghiệm, nếu đến trực tiếp tại cơ sở khẳng định sẽ qua 3 xét nghiệm.

Ông Trần Ngọc Khanh bị ngành y tế tỉnh Bình Thuận “tuyên bố” nhiễm HIV
Ông Trần Ngọc Khanh bị ngành y tế tỉnh Bình Thuận “tuyên bố” nhiễm HIV

Quy trình thực hiện xét nghiệm HIV được tiến hành rất chặt chẽ nhưng theo kinh nghiệm của thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Thị Vy Uyên thì rủi ro nhầm lẫn vẫn có thể xảy ra, nhất là vào thời kỳ trước trang bị về phương tiện kỹ thuật còn chưa đầy đủ và hiện đại.

Trước đây, nhân viên y tế lấy mẫu thường dùng bút viết mã số, họ tên lên mẫu, hoặc viết lên băng keo rồi dán lên mẫu, nên có thể xảy ra tình trạng bị cồn làm bong tróc hoặc bị mờ. Nếu việc lưu mẫu không được thực hiện cẩn thận thì các mẫu có thể nhiễm lẫn nhau.

Cần “phòng phẳng” với ông Khanh

Trở lại trường hợp của ông Trần Ngọc Khanh, người bị công bố nhiễm HIV suốt 19 năm nhưng nay lại có kết quả âm tính, bà Vy Uyên cho rằng ngành y tế tỉnh Bình Thuận cần xem lại hồ sơ xét nghiệm để xác định đã thực hiện đúng và đầy đủ hay chưa theo quy trình của Chiến lược 3.

Nếu có sự sơ sót hoặc nhầm lẫn trong quá trình xét nghiệm và công bố thì cũng thông báo cho ông Khanh biết để đôi bên tìm được tiếng nói chung. Nếu ngành y tế đã có sai sót gây hậu quả nghiêm trọng đối với ông Khanh thì cần bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật. Việc làm này vừa là trách nhiệm vừa là yêu cầu mang tính nhân đạo.

Các bản xét nghiệm cho kết quả âm tính HIV đối với ông Khanh
Các bản xét nghiệm cho kết quả âm tính HIV đối với ông Khanh

Theo ông Khanh, từ khi có kết quả xét nghiệm âm tính vào cuối tháng 5 đến nay, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Bình Thuận chỉ mới ra thông báo cho y tế địa phương loại bỏ trường hợp của ông Khanh ra khỏi danh sách quản lý người nhiễm HIV.

Trong khi đó, ông Khanh cần được ngành y tế công bố rộng rãi với người dân địa phương để được “giải oan” và không còn bị kỳ thị. Mặt khác, ông cũng cần được ngành y tế giải thích tại sao có sự nhầm lẫn tai hại dẫn đến hậu quả nặng nề trong suốt 19 năm qua. Nếu sắp tới, những yêu cầu này vẫn không được thực hiện thì ông Khanh sẽ khởi kiện ra tòa.

Trung Phương - Công Quang