Nhân dịp Quốc khánh, mạn đàm chuyện treo Quốc kỳ

Việc treo cờ Tổ quốc vào những ngày lễ lớn của đất nước lâu nay đã trở thành nghi lễ quen thuộc, thể hiện lòng tự hào dân tộc, lòng yêu nước, ý chí độc lập, tự chủ của nhân dân ta.

Tuy nhiên hiện nay có một thực tế tại một số các cơ quan, xí nghiệp và cộng đồng dân cư, việc treo cờ chỉ mang tính hình thức, treo cho có, làm tổn hại đến ý nghĩa thiêng liêng của nghi lễ này. Việc treo Quốc kỳ sao cho đúng cách vẫn là một câu chuyện đáng bàn.

Có thể nói, những năm gần đây ý thức về việc treo Quốc kỳ của người dân trong những ngày lễ trọng đại đã được nâng cao rất nhiều. Minh chứng trong một số ngày lễ như tết Nguyên Đán, dịp 30/4, 1/5… khắp các ngả đường, ngõ phố, từ nông thôn cho đến thành thị, hầu hết người dân đều tự động nghiêm chỉnh chấp hành, góp phần làm tăng thêm ý nghĩa của các sự kiện trên.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Quan niệm về việc treo cờ trong cộng đồng dân cư cũng đã tiến bộ hơn. Thay vì việc cứ mỗi khi đến dịp cần treo Quốc kỳ, tổ trưởng dân phố hay trưởng các thôn, bản lại phải tới từng hộ dân để phát cờ, đôn đốc như trước đây, thì nay, nhiều gia đình đã chủ động treo cờ từ rất sớm, thậm chí còn tự bỏ tiền túi để mua sắm lá cờ mới thay thế cho những lá cờ đã cũ hỏng. Một hộ dân sống ở quận Đống Đa (Hà Nội) từng tâm sự với chúng tôi như thế này: “Trước đây, hai vợ chồng làm nghề buôn bán, đầu tắt mặt tối ngoài chợ thành thử cũng chẳng chú ý đến việc treo cờ. Vào những ngày lễ lớn thấy hàng xóm, nhà nào cũng có cờ cắm trước cửa nhà, thấy mình lạc lõng quá. Sau này, cứ trước mỗi sự kiện quan trọng, nếu hai vợ chồng bận không có thời gian thì lại nhắc bọn trẻ “ phải nhớ treo cờ”. Lâu dần thành quen, nếu không làm thì thấy như thiếu thiếu thứ gì ấy.”

Nói như thế để thấy rằng, nghi lễ trên đã thực sự trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống nhân dân. Thế nhưng, việc treo cờ sao cho đúng cách để thể hiện sự trân trọng với biểu tượng thiêng liêng của Quốc gia thì dường như vẫn chưa được chú ý đúng mức.  Những ngày này, cả nước đang tưng bừng trong khí thể kỷ niệm 65 Quốc khánh 2/9, đi dọc các tuyến đường của Hà Nội có thể dễ dàng nhận thấy cờ đỏ sao vàng được treo khắp nơi, trông rất đẹp mắt. Tuy nhiên, chỉ cần quan sát kỹ một chút thôi cũng thấy rằng, việc treo cờ trong các khu dân cư còn khá lộn xộn, mỗi nhà một kiểu, không theo quy cách nhất định nào cả. Cùng một dãy phố, có nhà cắm cờ trước cửa nhưng có nhà lại cắm tít trên sân thượng, hoặc trên cây bàng, cột điện… Phần lớn chủ hộ đều không chú ý đến hình thức treo sao cho đúng quy cách nên hiện tượng lá cờ bị cắm ngược, đỉnh ngôi sao quay xuống rất phổ biến. Đó là chưa kể đến một số hộ bỏ quên cờ cả tháng ngoài trời, trải qua mưa nắng khiến cờ bị bạc màu, ủ rũ, cán cờ trúc ngược xuống dưới…

Không chỉ ở các khu dân cư, việc treo cờ tại một số đơn vị, cơ quan nhà nước cũng nằm trong tình trạng trên. Chẳng hạn như tại trụ sở Công an của một phường nọ thuộc Quận Hoàng Mai, lá cờ được cắm trên một… cái que, dài chưa đầy 2m. Đã vậy, “cán cờ” này còn được buộc tạm bợ trên cột điện, lá cờ quấn vào dây điện trông rất mất thẩm mỹ. Nhiều cơ quan khác tại Hà Nội, lá cờ còn bị gió thổi quấn quanh cán tới hơn ½ nhưng cũng không thấy có người đến chỉnh trang lại.

Phải chăng việc treo Quốc kỳ chỉ được chúng ta làm cho có, còn treo thế nào cho đẹp, cho hợp lý thì vẫn chưa thực sự  được lưu tâm. Khi chúng tôi hỏi về vấn đề này, một tổ trưởng dân phố tại Thịnh Quang (Đống Đa) tỏ ra khá bất ngờ: “Từ trước tới nay chúng tôi chỉ biết phổ biến, nhắc nhở tới các hộ dân chấp hành việc treo Quốc kỳ những dịp có sự kiện lớn chứ có thấy cơ quan nào quy định là phải hướng dẫn cho người dân cách treo thế nào cho đúng đâu”.

Việc treo Quốc kỳ như thế nào cho đúng tưởng chừng chỉ là chuyện nhỏ nhưng đó cũng là một cách thể hiện lòng tôn trọng của chúng ta với đất nước, với biểu tượng thiêng liêng của dân tộc. Với riêng tôi, mỗi lần dạo phố, thấy lá cờ tổ quốc kiêu hãnh tung bay hai bên đường, trong lòng lại dâng trào niềm tự hào mình là người con đất Việt. Thiết nghĩ, mỗi người trong chúng ta chỉ cần nâng cao ý thức và lưu tâm hơn một chút thì hình ảnh lá cờ tổ quốc sẽ càng thêm thiêng liêng, trang trọng, ý nghĩa của nghi lễ treo Quốc kỳ sẽ trọn vẹn hơn./

Trần Tiến Lâm

 Nhà 135, ngõ 97, Thái Thịnh 1, Đống Đa – Hà Nội

 

LTS Dân trí - 65 năm qua, từ Ngày Cách mạng Tháng Tám, Cờ đỏ Sao vàng - Lá quốc kỳ thiêng liêng của chúng ta đã đi vào tâm khảm của biết bao thế hệ người Việt Nam. Đấy là lá cờ đã từng nhuộm thắm máu đào của bao chiến sĩ cách mạng, cũng là Lá cờ bách chiến bách thắng trong các cuộc kháng chiến trường kỳ, đánh thằng những đế quốc lớn, giành lại nền độc lập và thống nhất đất nước.

Ngày nay, vào những dịp lễ lớn, Lá quốc kỳ Cờ đỏ Sao vàng được mọi cơ quan, mọi gia đình treo lên một cách trang trọng, làm cho không khí các ngày lễ thêm tưng bừng, trang trọng. Điều đó đã trở thành một nghi lễ, được mọi cơ quan, mọi nhà tự giác thực hiện. Tuy nhiên, vẫn còn những người thiếu sự cẩn thận hoặc còn thiếu ý thức trong việc treo Quốc kỳ như tác giả bài viết trên đây nêu ra. Đúng là việc treo quốc kỳ sao cho chuẩn xác và trang trọng là trách nhiệm không thể xem thường của mọi công dân Việt Nam. Các cấp chính quyền cũng như các tổ chức đoàn thể ở cơ sở nên lưu tâm hướng dẫn và nhắc nhở mọi cơ quan, mọi gia đình tại địa bàn mình thực hiện cho đúng với trách nhiệm và lương tâm của người công dân đối với Lá Quốc kỳ vinh quang của dân tộc.