Bạn đọc viết:

Nhàn đàm: “Chạy” thời @

Phải chăng, đã đến lúc chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật, nắm chặt tay nhau “Nói không với nạn “chạy” trong đời sống cộng đồng và bệnh đút lót trong quan hệ xã hội” (?!).

Đất nước phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của dân ta theo đó cũng dồi dào hơn, sung túc hơn. Tất nhiên khi đời sống được phú quý sẽ tạo thuận lợi cho rộng đường lễ nghĩa, đó cũng là cái lẽ thường tình trong nếp sinh hoạt vốn trọng lễ nghĩa của dân ta. Nhưng cũng chính từ cái phú quý thời nay lại bị không ít người lạm dụng ý nghĩa tốt đẹp của nó, làm cho phú quý không còn sinh ra lễ nghĩa thuần tuý, mà lại sinh ra một “nhóm” tiêu cực xin tạm gọi là “lễ…chạy”.

Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo thì có chuyện “chạy trường”, “chạy lớp”, “chạy điểm”, “chạy bằng”; trong lĩnh vực tư pháp thì có chuyện “chạy tội”, “chạy án”…trong lĩnh vực xây dựng thì có chuyện “chạy dự án”, “chạy vốn”; trong chốn công quyền thì có chuyện “chạy chỗ”, “chạy chức”, “chạy ghế”, “chạy quyền”…và một ngàn lẻ một cách “chạy” khác. Những chuyện “chạy” như trên không thể và không bao giờ chỉ có bằng nước bọt, mà phải là “miếng trầu đầu câu chuyện”, “miếng trầu” thời nay là phong bì ngoại tệ, là đất đai, là biệt thự, là ô-tô hạng sang …và còn nhiều loại chạy “trên mức tình cảm” nữa.

Nhàn đàm: “Chạy” thời @ - 1
Quà biếu chạy chức (ảnh: PL TPHCM)
Trước đây, khi dân ta còn nghèo đói, ai cũng “đầu tắt mặt tối” lo làm lụng kiếm cái ăn, tiết kiệm cum củm được chừng nào thì lo mà giữ phòng khi trái gió trở trời, thiên tai địch hoạ, ai còn sức đâu mà lo “chạy”. Nếu hiếm hoi có ai đó có cuộc sống nhỉnh hơn đôi chút thì cũng tằn tiện làm chuyện lễ nghĩa, tạ ơn trên.

Còn bây giờ, khổ nỗi, có người “đợi” mới có người “chạy”, thế là ai “chạy” giỏi thì người ấy được việc, như thế tự nhiên hình thành “cơ chế đưa - nhận”, có người nhận mới có người đưa và ngược lại; thế là chuyện “chạy” tự nó “nóng” lên, “nở rộ” thành ngành nào, cấp nào, địa phương nào, thời điểm nào và hoàn cảnh nào cũng có nạn đưa “miếng trầu”, hễ có dịp thuận lợi là… “chạy”!.

Phải chăng, đã đến lúc chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật, nắm chặt tay nhau “Nói không với nạn “chạy” trong đời sống cộng đồng và bệnh đút lót trong quan hệ xã hội” (?!).

Đây là dịp chúng ta bàn tỏ thái độ tiếp tục hưởng ứng Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, với nhiều cách “làm theo” gương Người, đang có sức lan tỏa trong cộng đồng.

Quả là thực trạng xã hội hiện nay của chúng ta đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện theo hướng ngày càng giàu mạnh, văn minh; nhưng cũng còn khá nhiều điều trái tai, gai mắt, nhức nhối cần phải “nói không” với những vấn đề tiêu cực ấy. Cố gắng làm cho lễ nghĩa sinh ra từ cuộc sống sung túc của người dân luôn giữ được ý nghĩa nhân văn tốt đẹp của nó, cũng đáng bàn lắm thay!.

Mai Mộng Tưởng

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng