Việc xét thầu xây dựng nhà máy sản xuất phân bón Diamon photphat (DAP) tại Lào Cai:

Nguy cơ thiệt hại hơn 500 tỷ đồng đang hiện hữu

(Dân trí) - Mặc dù pháp luật quy định rất chặt chẽ nhưng công tác đấu thầu thời gian gần đây còn nhiều bất cập, tình trạng thông thầu, gây khó khăn cho các nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm với giá chào thầu thấp diễn ra ở nhiều dự án.

Nguy cơ thiệt hại hơn 500 tỷ đồng đang hiện hữu - 1

Hệ quả này gây kéo dài thời gian thực hiện dự án, hao tổn nguồn lực và thêm nhiều chi phí vô hình mà các doanh nghiệp phải gánh chịu. Nếu không có thay đổi thì việc đấu thầu dự án xây dựng nhà máy sản xuất phân bón Diamon photphat (DAP) tại Lào Cai của Công ty cổ phần  DAP 2 - Vinachem là chủ đầu tư dưới đây sẽ lại theo vết xe đổ như thế và sẽ gây thiệt hại cho Nhà nước trên 500 tỷ đồng.

Làm lợi hơn 500 tỷ đồng chưa chắc đã trúng (?)

SINOPEC là tập đoàn lớn thứ 3 về lọc dầu tại Trung Quốc với công suất 200 triệu tấn/năm và là nhà sản xuất hóa dầu lớn thứ 4 trên thế giới, đứng thứ 9 trong danh sách các công ty lớn nhất trên thế giới năm 2008. Công ty SINOPEC Engineering là công ty con của Công ty SINOPEC, được thành lập năm 2007. Hàng năm công ty có doanh thu khoảng 5,2 tỷ USD và lợi nhuận sau thuế khoảng 300 triệu USD.

Tại Trung Quốc, Công ty SINOPEC Engineering chiếm hơn 70% thị phần trong việc cung cấp và xây dựng các nhà máy sản xuất phân bón Diamon photphat (DAP), axít Sunfuric, axít Phốtphoric. Công ty này liên danh với Công ty JGC Việt Nam (công ty Việt Nam, 100% vốn của Nhật Bản, được thành lập năm 2000 tại Tp. Hồ Chí Minh) là nhà thầu EPC tham gia đấu thầu quốc tế rộng rãi gói thầu số 3 (EPC1) xây dựng nhà máy sản xuất DAP số 2 (tại khu công nghiệp Tằng Loỏng, tỉnh Lào Cai) do công ty Cổ phần  DAP 2 – Vinachem là chủ đầu tư. Công ty CP Thành Long là nhà thầu phụ của Liên danh này (cung cấp 100% sắt thép sản xuất trong nước và toàn bộ phần kết cấu, mạ kẽm của dự án).

Tất cả thiết bị và công nghệ của Liên danh nhà thầu Sinopec - JGC đều đáp ứng năng lực kinh nghiệm và tuân thủ đúng các yêu cầu của chủ đầu tư. Do trước đó toàn bộ công nghệ và thiết bị bản quyền đã được chủ đầu tư xét tuyển và lựa chọn cho dự án.

Tại kết quả mở thầu ngày 25/11/2010, liên danh nhà thầu Sinopec - JGC có giá chào thầu thấp nhất (129,28 triệu USD), thấp hơn so với nhà thầu đứng thứ 2 (nhà thầu thứ 2 có giá chào thầu là 153,58 triệu USD - xấp xỉ giá dự toán gói thầu - Đăng trên báo) là 24,3 triệu USD (qui đổi theo tỷ giá 20.900 đ/USD hiện nay là 507,8 tỷ đồng ).

Lẽ ra, với một nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm đã được xét thầu sơ tuyển vòng 1, với giá chào thầu thấp nhất, làm lợi tới hơn 507,8 tỷ đồng thì hiển nhiên sẽ trúng thầu. Nhưng sự thật là rất nhiều khả năng liên danh nhà thầu Sinopec - JGC sẽ bị loại chỉ vì chủ đầu tư cố tình chọn nhà thầu có giá cao hơn, bỏ qua các quy định của Luật đấu thầu.

Bỏ qua các quy định của pháp luật

Nghiên cứu hồ sơ mời thầu (HSMT) có thể thấy, yêu cầu về ngôn ngữ trong đấu thầu của HSMT hoàn toàn trái với quy định hiện hành. Điều 16 Luật Đấu thầu và Thông tư hướng dẫn số 01/2010/TT-BKH ngày 6/1/2010 quy định: “Đối với đấu thầu quốc tế, trường hợp HSMT bằng tiếng Anh thì ghi “Tiếng Anh’’; HSMT bằng tiếng Anh và tiếng Việt thì quy định “Nhà thầu có thể lựa chọn tiếng Anh hoặc tiếng Việt để lập HSDT căn cứ vào nội dung của bản HSMT bằng tiếng Anh”. Thế nhưng, tại Mục 9, Chương 2, HSMT của DAP 2 – Vinachem lại quy định: “Trong trường hợp giữa hai bản Tiếng Anh và Tiếng Việt có sự khác biệt thì lấy bản Tiếng Việt làm chuẩn”.

Một khía cạnh nữa không thể không nhắc là mâu thuẫn giữa đồng tiền dự thầu và đồng tiền thanh toán trên HSMT. HSMT quy định: “Chi phí phát sinh ở nước ngoài được chào bằng USD và chi phí phát sinh trong nước phải chào bằng VND”, song trong phần Mẫu hợp đồng của HSMT (Mục 14.4, Chương 8) lại quy định về đồng tiền thanh toán theo cách: “Trường hợp thanh toán bằng ngoại tệ cho nhà thầu phụ trong nước thì chủ đầu tư sẽ thanh toán bằng đồng Việt Nam theo tỷ giá liên ngân hàng công bố tại thời điểm thanh toán”.

Như vậy, ở đây được hiểu là nhà thầu được chào bằng USD đối với phần công việc, dịch vụ thực hiện trong nước. Trong khi đó, văn bản số 95/QLĐT ngày 25/2/2011 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ rõ rằng “Quy định về đồng tiền thanh toán phải thống nhất với quy định về đồng tiền dự thầu trong HSMT”.

Xét trên lợi ích kinh tế thì liên danh nhà thầu Sinopec - JGC có giá chào thầu thấp nhất, làm lợi cho Nhà nước hơn 507,8 tỷ đồng. Hơn nữa, việc sử dụng lao động Việt Nam, sử dụng vật tư, nguyên vật liệu trong nước theo tỷ trọng yêu cầu của HSMT thì liên danh Nhà thầu Sinopec - JGC đều đáp ứng được (do JGC là doanh nghiệp Việt Nam, vốn nước ngoài). Hơn nữa, trang 71 Chương 2, phần đề xuất thương mại của Hồ sơ dự thầu, liên danh Nhà thầu Sinopec - JGC đã chỉ rõ rằng: “Cơ sở giá dự thầu dựa vào đồng đô la Mỹ. Trong quá trình thực hiện dự án, các thanh toán bên trong Việt Nam sẽ bằng đồng Việt Nam theo tỷ giá chuyển đổi của Ngân hàng Việt Nam”.

Do đó, điều đáng bàn là tại sao nếu thấy Hồ sơ dự thầu chưa rõ hoặc chưa đáp ứng theo đúng yêu cầu của HSMT, bên mời thầu không có văn bản đề nghị nhà thầu làm rõ phần chào đô la Mỹ cho phần công việc và dịch vụ thực hiện tại Việt Nam mà lấy làm cái cớ để cho rằng Hồ sơ dự thầu vi phạm (?!) Phải chăng chủ đầu tư đã có ý định mua của nhà thầu có giá cao hơn rất nhiều và ưu ái nhà thầu đứng thứ 2 (là nhà thầu Trung Quốc)?

Việc xét thầu theo ý chủ quan của chủ đầu tư mà không xét đến lợi ích kinh tế, không đảm bảo khách quan, công bằng sẽ dẫn đến thiệt hại khôn lường cho Nhà nước. Nhưng lớn hơn cả là uy tín, là sự nhìn nhận của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đối với các Tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam.

Vũ Văn Tiến - Tống Toàn