Thái Nguyên:

Người tố cáo vụ cưỡng chế trái luật ở huyện Đại Từ bị trả thù?

(Dân trí) - Trong lúc chưa đưa ra lời giải thích thấu đáo cho công dân, UBND huyện Đại Từ đã huy động người và xe máy tổ chức cưỡng chế tài sản của gia đình ông Nguyễn Văn Bắc trú tại xã Hà Thượng, là hộ nông dân làm kinh tế V.A.C điển hình của địa phương.

Năm 2004, UBND huyện Đại Từ ra thông báo thu hồi đất phục vụ cho công trình khai thác quặng, trong đó có 2 thửa đất của ông Bắc tại Khu 4-5, xóm 2 xã Hà Thượng. Do thay đổi chủ đầu tư nên dự án đã ngừng trệ, đến năm 2008 UBND huyện mới phục hồi dự án. Mặc dù ông Bắc chưa thống nhất với UBND huyện Đại Từ về phương án đền bù, UBND huyện Đại Từ chưa giao quyết định thu hồi đất, nhưng để dự án được thực hiện đúng tiến độ, năm 2010 gia đình ông Bắc vẫn giao toàn bộ 40.000 m2 đất tại khu 4-5 cho Ban GPMB.
 
Bên cạnh đó, ông Bắc vẫn gửi đơn khiếu nại việc thu hồi đất của UBND huyện Đại Từ. Để giải quyết khiếu nại của ông Bắc, Chủ tịch UBND huyện Đại Từ - ông Nguyễn Hải Đường đã tổ chức 2 buổi đối thoại với ông Bắc. Tại biên bản đối thoại ngày 6/9/2012, Chủ tịch UBND huyện Đại Từ kết luận: Giao cho Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện chủ trì, Ban bồi thường GPMB huyện và UBND xã Hà Thượng thành lập tổ kiểm đếm để lập phương án bồi thường cho hộ gia đình ông Bắc tại xóm 2 xã Hà Thượng; nhất trí giải quyết cho gia đình ông Bắc 1 lô đất tái định cư tại khu Nam Sông Công; đồng thời yêu cầu hộ gia đình ông Bắc tự tháo dỡ công trình.

Ngay sau khi có kết luận của Chủ tịch UBND huyện ông Bắc đã dừng việc xây dựng, ngày 13/9/2012 ông Bắc đã có mặt tại thửa đất nêu trên để cùng Ban GPMB và UBND xã thực hiện việc kiểm đếm tài sản trên đất, trong đó có ngôi nhà xây dựng tạm chuẩn bị cho việc nhận tiền bồi thường và giao đất.

Thế nhưng, chính quyền địa phương lại bỏ qua trách nhiệm của mình đối với gia đình ông Bắc, suốt một thời gian dài không ra văn bản giải quyết khiếu nại việc bồi thường theo nội dung đã thống nhất. Đặc biệt không giao quyết định thu hồi đất cũng như giải quyết cho ông Bắc 1 lô đất tái định cư như lời hứa của Chủ tịch huyện ngày 6/9/2012. Quá bức xúc về thái độ làm việc thiếu trách nhiệm của người đứng đầu huyện, ngày 18/9/2012 ông Bắc làm đơn tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật của Chủ tịch UBND huyện Đại Từ gửi các cơ quan thẩm quyền.

Trong thời gian đơn tố cáo đang được xem xét và chưa có kết luận cuối cùng, ngày 11/12/2012 UBND huyện Đại từ đã đưa máy xúc với lực lượng lớn đến phá dỡ ngôi nhà tạm của gia đình ông Bắc; thu giữ một số tài sản có giá trị là công cụ kiếm sống hàng ngày của ông Bắc như 3 ôtô (2 xe Ben, 1 xe vận tải), 1 máy phát điện, 3 tạ chè khô cùng một số đồ dùng sinh hoạt khác trong lúc cả gia đình ông Bắc vắng nhà.

Trước đó, ông Bắc không hề bị lập biên bản vi phạm về hành vi xây dựng và cũng không nhận được bất kỳ một quyết định xử phạt hay quyết định cưỡng chế nào. Sau hơn 10 ngày xảy ra vụ đập phá ngôi nhà và thu giữ tài sản, ông Bắc mới được UBND huyện Đại Từ thông báo đến trụ sở Công an huyện nhận tài sản .

Lúc này ông Bắc mới biết mình bị xử phạt về hành vi xây dựng công trình trên đất đã có quy hoạch, điều đáng nói là công trình này đã được Ban GPMB, UBND huyện lập Biên bản kiểm đếm ghi nhận tài sản từ ngày ngày 13/9/2012 để tính phương án đền bù. Ngay sau khi bị cưỡng chế, gia đình ông Bắc đã nhiều lần đến UBND huyện yêu cầu làm rõ vụ việc và xin các văn bản hành chính nhưng đều không được giải quyết.
 
Ông Bắc đứng trên ngôi nhà tạm đã bị huyện Đại Từ cưỡng chế trái pháp luật
Ông Bắc đứng trên ngôi nhà tạm đã bị huyện Đại Từ cưỡng chế trái pháp luật

Ngày 7/2/2013, Phó Chủ tịch huyện Đại Từ - ông Nguyễn Mạnh Kiểm ký thông báo số 30/TB-UBND gửi gia đình ông Bắc có nội dung:“Căn cứ khoản 4 Điều 61 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 sửa đổi bổ sung năm 2007 và năm 2008, UBND huyện Đại từ tiếp tục Thông báo và đề nghị ông kể từ ngày nhận Thông báo này cho đến hết ngày 11/3/2013 phải đem giấy tờ chứng minh nguồn gốc của các xe ôtô để làm thủ tục nhận lại tài sản. Nếu trong thời gian trên gia đình ông Bắc không đến nhận số tài sản trên, UBND huyện Đại Từ sẽ ra quyết định tịch thu toàn bộ”.

Trao đổi với PV Dân trí về vụ việc này, Luật sư Ngô Tất Hữu - Trưởng VPLS Thủ Đô và Luật sư Trương Anh Tú - Trưởng VPLS Trương Anh Tú, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết: Việc UBND huyện Đại Từ thực hiện cưỡng chế xây dựng trái phép mà trước đó không lập Biên bản vi phạm, không ban hành quyết định xử phạt hành chính, không giao cho đương sự quyết định cưỡng chế như ông Bắc trình bày là trái với các quy định của pháp luật.

Bởi lẽ, theo quy định tại Điều 56 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính 2002 và Điều 33 Nghị định số 37/2005/NĐ-CP ngày 18/03/2005 quy định thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, cơ quan ban hành quyết định xử phạt phải giao quyết định cho cá nhân bị xử phạt trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày ban hành quyết định.

Đối với quyết định cưỡng chế thì trong thời hạn 5 ngày trước khi tiến hành cưỡng chế, Quyết định phải được gửi đến cá nhân, Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi tiến hành các biện pháp cưỡng chế để phối hợp thực hiện. Đặc biệt Thông báo 30 của UBND huyện Đại từ có nội dung tịch thu các tài sản hợp pháp của gia đình ông Bắc là vi phạm nghiêm trọng quyền tài sản của công dân được pháp luật bảo vệ. Phải tới hơn 20 ngày sau (tức ngày 23/3/2013) UBND huyện Đại Từ mới phát hiện sai vội ra thông báo số 33 có nội dung đính chính.

Vụ cưỡng chế đập phá ngôi nhà tạm đã xong gần 1 năm, nhưng mảnh đất vẫn bỏ hoang chưa sử dụng, UBND huyện Đại Từ vẫn chưa giao quyết định thu hồi đất hợp pháp, đền bù thỏa đáng cho hàng trăm các hộ dân trong đó có hộ nhà ông Bắc, trong khi dự án này không thuộc dự án phục vụ an ninh, quốc phòng, hoặc lợi ích công cộng là hoàn toàn trái quy định pháp luật.

Ban Bạn đọc