Tư vấn pháp luật:

Người sử dụng lao động có quyền giữ tiền đặt cọc của người lao động?

(Dân trí) - Năm 2006 tôi ký kết hợp đồng lao động với một Công ty tại TP. Vinh, Nghệ An. Trong quá trình làm việc từ năm 2006 đến 2010 tôi đã cố gắng làm việc và được bổ nhiệm là Phó Giám đốc Trung tâm tin học (thuộc công ty).

Nhưng sau 4 năm làm việc, Công ty không những không phát triển mà còn trong tình trạng xuống dốc nghiêm trọng. Trước tình hình đó, tôi đành phải xin nghỉ việc để đi nước ngoài học tập và làm việc. Theo như điều khoản ký kết hợp đồng thì trong vòng 3 tháng kể từ ngày tôi nộp đơn xin nghỉ việc, Công ty sẽ giải quyết dứt điểm việc chấm dứt hợp đồng.
 
Nhưng kể từ ngày 6/9/2010 tôi nộp đơn xin nghỉ việc đến nay Công ty trên vẫn không chịu giải quyết cho Tôi. Vì tôi còn một khoản tiền thế chấp trách nhiệm nộp vào vẫn chưa được nhận lại nhưng Giám đốc Công ty cứ đưa ra hết lý do này đến lý do khác không chịu giải quyết. Vậy tôi xin hỏi quý báo: Bây giờ Tôi làm gì để được giải quyết và cơ quan pháp luật nào có thể bảo vệ quyền lợi cho người lao động như tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn Quý báo! (Tony, Email: vmc1307@gmail.com)

Người sử dụng lao động có quyền giữ tiền đặt cọc của người lao động? - 1

Trả lời:

Tại Thông tư liên tịch số 107/2003/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 07 tháng 11 năm 2003 của Bộ Tài chính - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ tài chính đối với người lao động và doanh nghiệp đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài quy định doanh nghiệp có giấy phép hoạt động chuyên doanh được phép thu tiền đặt cọc và việc đặt cọc phải được ghi rõ trong hợp đồng cung ứng lao động. Pháp luật lao động Việt Nam hiện hành không có quy định nào khác cho phép người sử dụng được quyền thu tiền đặt cọc đối với người lao động làm việc ở trong nước. Vì vậy nếu Công ty có hành vi thu tiền đặt cọc của bạn là vi phạm pháp luật lao động

Theo đó, tại điểm a khoản 4 điều 8 Nghị định 47/2010/NĐ-CP của Chính Phủ quy định: “Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong những hành vi sau đây:

a) Bắt người lao động đặt cọc tiền không tuân theo những quy định của pháp luật;”

Để được bảo vệ quyền lợi, bạn có quyền khiếu nại đến chánh thanh tra lao động cấp sở hoặc nộp đơn khởi kiện đến tòa án nhân dân cấp huyện nơi công ty có trụ sở để yêu cầu tòa án can thiệp theo quy định tại Điều 161 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004: “Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tại toà án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình”.

Luật sư Ngô Thị Lựu

CÔNG TY LUẬT TNHH ĐẠI VIỆT

Địa chỉ: Số 335 Kim Mã - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 04 3 747 8888 – Fax: 04 3 747 3966

Hot-line: 093 366 8166

Email: info@luatdaiviet.vn

 Website: http://www.luatdaiviet.vn

Ban Bạn đọc