Bài 5:

Người lính hy sinh hơn 60 năm chưa được công nhận liệt sỹ: Uẩn khúc ở đâu?

(Dân trí) - Sở LĐTB&XH tỉnh Thái Bình cho rằng qua quá trình rà soát danh sách liệt sỹ huyện Đông Hưng lập từ những năm 1960 lưu tại Phòng LĐ-TB&XH huyện thể hiện ông Nguyễn Văn Hồng chết do bị ốm sưng phổi nằm quân y rồi chết ở Thái Ninh, Thái Bình. Điều này khiến gia đình bức xúc đặt câu hỏi về Huân chương Chiến thắng hạng 3 do Đại tướng Võ Nguyễn Giáp ký với liệt sỹ Nguyễn Văn Hồng.

Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thái Bình cho rằng đã thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc của cơ quan

Theo Công văn số 1308/CV-SLĐTBXH về việc “phúc đáp nội dung phản ánh trên chuyên mục Bạn đọc báo Dân trí” của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thái Bình về trường hợp của chiến sỹ Nguyễn Văn Hồng hy sinh 63 năm chưa được công nhận liệt sỹ, mặc dù có Huân chương Chiến thắng hạng 3 do Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký ngày 27/7/1962, Theo QĐ số 191 ngày 21/4/1958, đã ghi vào sổ Bộ Quốc Phòng sổ 2757 T.S.6. Trong Huân chương kháng chiến này có ghi rõ là: “liệt sỹ”.

Theo công văn này, phía Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thái Bình đã phối hợp với Bộ CHQS tỉnh, UBND huyện Đông Hưng, Thái Thụy và các cơ quan chức năng liên quan kiểm tra, xác minh các thông tin, làm việc với đại diện thân nhân chiến sĩ Nguyễn Văn Hồng (bà Hà, ông Sơn, ông Chính Ngọc).

Công văn số 1308/CV-SLĐTBXH về việc “phúc đáp nội dung phản ánh trên chuyên mục Bạn đọc báo Dân trí” của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thái Bình
Công văn số 1308/CV-SLĐTBXH về việc “phúc đáp nội dung phản ánh trên chuyên mục Bạn đọc báo Dân trí” của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thái Bình

Ngày 12/9/2017 Sở LĐ-TB&XH đã có báo cáo số 190/BC-SLĐTBXH về việc xác lập hồ sơ và đề nghị xác nhận liệt sĩ đối với chiến sĩ Nguyễn Văn Hồng. Qua kiểm tra, rà soát hồ sơ tiếp nhận tại trung tâm hành chính công, số công văn đi - đến; sổ theo dõi đơn thư lưu trữ tại Sở; toàn bộ hồ sơ đề nghị giải quyết chính sách của cá nhân, tổ chức được tiếp nhận tại Trung tâm Hành chính công tỉnh, đơn thư phản ánh kiến nghị từ 2013 đến nay không thấy có hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ của ông Nguyễn Văn Hồng.

Ngày 10/4/2017, cán bộ theo dõi huyện Đông Hưng tiếp nhận đơn đề nghị làm thủ tục truy tặng liệt sĩ Nguyễn Văn Hồng, Đơn do ông Nguyễn Ngọc Mạnh, Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Đông Hưng chuyển đến.

Quá trình rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng theo Chỉ thị số 23/2013/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và rà soát hồ sơ đề nghị xác nhận người có công còn tồn đọng theo Kế hoạch số 67/KH-UBND ngày 06/10/2016 của UBND tỉnh, trên địa bàn tỉnh không thấy có hồ sơ đề nghị suy tôn liệt sĩ của chiến sĩ Nguyễn Văn Hồng còn tồn đọng, vướng mắc cần xem xét giải quyết.

Như vậy, hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ đối với chiến sĩ Nguyễn Văn Hồng chưa được gửi tới các cơ quan chức năng thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.

Cũng theo công văn này, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thái Bình đã yêu cầu cán bộ tiếp thân nhân chiến sĩ Nguyễn Văn Hồng viết báo cáo tường trình về việc hướng dẫn làm thủ tục. Đồng thời, rà soát sổ theo dõi khách ra vào cơ quan (do bảo vệ ghi chép), trong sổ thể hiện ông Nguyễn Thanh Sơn (chồng bà Hà) có đến Sở đăng ký vào phòng thường trực ngày 9/2/2017 và bà Nguyễn Thị Hà có đến Sở ngày 24/4/2017.

Việc thân nhân ông Nguyễn Văn Hồng đến Sở chỉ có như thế, không gửi trực tiếp đơn thư, không đi lại nhiều lần. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc của cơ quan.

Gia đình quyết liệt phản đối thông tin chiến sỹ Nguyễn Văn Hồng chết do bị ốm sưng phổi!

Sở LĐTB&XH tỉnh Thái Bình cho rằng trong quá trình xác minh đã phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh thông tin liên quan đến quá trình lập hồ sơ và đề nghị xác nhận liệt sĩ đối với chiến sĩ Nguyễn Văn Hồng.

Kết quả xác minh tại xã Bạch Đằng, huyện Đông Hưng, ông Nguyễn Văn Hồng không có tên trong danh sách quản lý liệt sĩ của xã Bạch Đằng lập từ năm 1960, danh sách được lưu giữ tại Phòng LĐ-TB&XH huyện Đông Hưng không có tên trên bia đá ghi tên liệt sĩ của xã xây dựng năm 2003.

Trong tài liệu lưu trữ của xã Bạch Đằng hiện không có tài liệu thể hiện về việc cấp bằng Tổ quốc ghi công cũng như thu hồi bằng Tổ quốc ghi công đối với chiến sĩ Nguyễn Văn Hồng. Theo cán bộ lao động - thương binh và xã hội xã Bạch Đằng (nhận công tác từ năm 2010) cho biết từ năm 2010 đến hết năm 2016 xã Bạch Đằng không nhận được bất cứ đơn thư, hồ sơ nào đề nghị suy tôn liệt sĩ của công dân.

Cuối năm 2016, ông Nguyễn Chính Ngọc (đại diện gia đình ông Hồng) có đơn đề nghị sao lục hồ sơ liệt sĩ Nguyễn Văn Hồng. Tháng 3/2017 ông Ngọc và ông Khải (cán bộ LĐ-TB&XH xã Bạch Đằng) có tới Sở LĐ-TB&XH để đề nghị sao lục hồ sơ nhưng được trả lời không có hồ sơ liệt sĩ đang quản lý tại Sở.

Biên bản làm việc về việc giải quyết đề nghị công nhận liệt sỹ đối với ông Nguyễn Văn Hồng
Biên bản làm việc về việc giải quyết đề nghị công nhận liệt sỹ đối với ông Nguyễn Văn Hồng

Kết quả xác minh tại huyện Đông Hưng, theo danh sách liệt sĩ huyện Đông Hưng lập từ những năm 1960 lưu tại Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện thể hiện: danh sách liệt sĩ của xã Bạch Đằng lập ngày 14/11/1960 có xác nhận của Ủy ban Hành chính huyện Tiên Hưng ngày 15/11/1960 có thông tin về ông Nguyễn Văn Hồng (tức Tạ) cụ thể như sau:

Họ và tên: Nguyễn Văn Hồng (tức Tạ), nguyên quán: Hậu Trung, Bạch Đằng. Chức vụ và đơn vị: chiến sĩ Ban cung cấp Tỉnh đội Thái Bình; ngày thoát ly: tháng 4/1949; ngày chết: 2/7/1954; Trường hợp chết: Bị ốm sưng phổi nằm quân y rồi chết ở Thái Ninh, Thái Bình. Cột theo dõi cấp bằng Tổ quốc ghi công: chưa. Cột tiền tuất: ghi 132.62 (con số này thể hiện mức trợ cấp tiền tuất áp dụng cho quân nhân mất tích, quân nhân từ trần tại Thông tư số 53-NV/TT ngày 19/10/1960 của Hội đồng Chính phủ về chính sách ưu đãi gia đình quân nhân mất tích).

Kết quả xác minh tại huyện Thái Thụy, theo lịch sử Đảng bộ xã Thái Học (là đơn vị hành chính của vùng Thần Đầu, Thần Huống trước đây) phát hành năm 1997, các trận đánh chống lại địch càn quét tại Thần Đầu, Thần Huống diễn ra từ năm 1950 - 1952. Cuối tháng 2/1952, quân dân Thần Huống có sự trợ chiến của bộ đội đã quét sạch bọn địch đóng ở chợ Cổng, nhà Ang. Trên địa bàn xã đã sạch bóng quân thù.

Các thông tin về việc chiến sĩ Nguyễn Văn Hồng đã được cấp bằng Tổ quốc ghi công thu thập từ gia đình ông Hồng: Ngày 7/9/2017, Sở LĐ-TB&XH đã mời bà Nguyễn Thị Hà và ông Nguyễn Thanh Sơn đến làm việc để đề nghị cung cấp các thông tin liên quan đến việc chiến sĩ Nguyễn Văn Hồng đã được cấp bằng Tổ quốc ghi công thì được bà Hà và ông Sơn cho biết thông tin đó được dựa trên nội dung phản ánh trong đơn đề nghị của bà Nguyễn Thị Quy (vợ ông Hồng). Tại buổi làm việc bà Hà và ông Sơn cũng không cung cấp được căn cứ pháp lý nào về việc chiến sĩ Nguyễn Văn Hồng đã được cấp bằng Tổ quốc ghi công.


Huân chương Chiến thắng hạng 3 do Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký ngày 27/7/1962, Theo QĐ số 191 ngày 21/4/1958, đã ghi vào sổ Bộ Quốc Phòng sổ 2757 T.S.6. Trong Huân chương kháng chiến này có ghi rõ là: “liệt sỹ”.

Huân chương Chiến thắng hạng 3 do Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký ngày 27/7/1962, Theo QĐ số 191 ngày 21/4/1958, đã ghi vào sổ Bộ Quốc Phòng sổ 2757 T.S.6. Trong Huân chương kháng chiến này có ghi rõ là: “liệt sỹ”.

Theo báo cáo của Bộ CHQS tỉnh, ngày 17/6/2017 Bộ CHQS tỉnh mới tiếp nhận hồ sơ và báo cáo đề nghị xác nhận liệt sĩ đối với chiến sĩ Nguyễn Văn Hồng do Ban CHQS huyện Đông Hưng chuyển đến. Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo Ban CHQS huyện Đông Hưng kiểm tra, xác minh các thông tin về thời gian tham gia quân đội, tham gia Ban cung cấp Tỉnh đội, trường hợp hy sinh và các điều kiện để xác nhận liệt sĩ đối với chiến sĩ Nguyễn Văn Hồng. Trên cơ sở đó sẽ báo cáo các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết theo đúng quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, sau khi biết tin về công văn phúc đáp của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thái Bình, gia đình ông Nguyễn Thanh Sơn (cháu ruột chiến sỹ Nguyễn Văn Hồng, người được ủy quyền hợp pháp) cho biết, trong công văn phúc đáp này còn có nhiều thông tin gia đình chưa đồng ý. Đặc biệt về thông tin chiến sỹ Nguyễn Văn Hồng chết vì lý do viêm phổi (?). Ông Sơn cho biết: “Nếu bác tôi chết do bị ốm sưng phổi nằm quân y rồi chết ở Thái Ninh, Thái Bình (?), thì sao lại có Huân chương Chiến thắng hạng 3 và có ghi rõ là “liệt sỹ” do Đại tướng Võ Nguyễn Giáp ký. Trong sự việc này còn có nhiều thông tin mà gia đình chúng tôi đã tìm hiểu và hoàn toàn có nhiều tình tiết rất mập mờ”.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Đức Văn