Sóc Trăng:

Người dân đã có điện sử dụng sau phản ánh của báo Dân trí!

(Dân trí) - Liên quan đến phản ánh thực trạng hàng trăm hộ dân ở ấp Hòa Khanh, xã Thạnh Quới, huyện Mỹ Xuyên (tỉnh Sóc Trăng) “khát” điện mấy chục năm qua, ngày 11/10, người dân cho biết: “Ngành điện lực đã kéo điện, bà con có điện sử dụng nên vui lắm. Xin được cảm ơn báo Dân trí đã kịp thời nói lên tiếng nói của bà con”.

Như Dân trí đã phản ánh, hơn 150 hộ dân, chủ yếu là đồng bào Khmer ở ấp Hòa Khanh (xã Thạnh Quới, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) hàng chục năm qua vẫn không có điện để dùng, dù Chính phủ có dự án cung cấp điện cho các hộ dân chưa có điện là đồng bào dân tộc Khmer qua 3 giai đoạn được triển khai từ tháng 7/2011 đến tháng 8/2016.

Mục tiêu của dự án là nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân trong vùng dự án, đặc biệt là của đồng bào Khmer. Vậy mà hàng chục hộ Khmer ở ấp Hòa Khanh, xã Thạnh Quới vẫn mãi sống trong cảnh tối mò, dù các cột điện đều ghi rõ dòng chữ “EVN SPC DỰ ÁN KHMER”, tức là dự án cung cấp điện cho người dân tộc Khmer.

Khi chúng tôi đề cập đến nỗi khát điện của người dân, ông Đào Khương Chí Cường- Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Quới, cho biết: Từ năm 2011, UBND xã có văn bản đề nghị điện lực huyện Mỹ Xuyên kéo điện cho bà con ấp Hòa Khanh vì đa số là đồng bào Khmer và hàng năm đều có công văn nhắc lại nhưng rồi ngành điện vẫn chẳng đoái hoài.

Hết giai đoạn 1 đến giai đoạn 2 rồi tới giai đoạn 3, lần nào xã cũng đề nghị nhưng điện lực huyện Mỹ Xuyên không giải quyết. Thế là hơn 150 hộ không có điện thắp sáng, trong đó hơn 100 hộ sống nhờ điện câu đuôi, mỗi tháng trả cho chủ điện kế từ 250.000 đồng đến 300.000 đồng.

Bàn thờ nhà dân đã có thể treo điền màu.
Bàn thờ nhà dân đã có thể treo điền màu.

Ông Hoa Văn Hớn - Phó Trưởng ban Nhân dân ấp Hòa Khanh, cho biết: “Hàng chục hộ dân ven đường nông thôn vẫn ngóng điện dù cột điện và đường dây hạ thế đã được kéo gần kề cách có hơn 50 mét. Suốt nhiều năm qua, gần như năm nào tôi cũng dẫn cán bộ điện lực đi khảo sát nhưng chẳng thấy gì. Bây giờ có điện rồi, bà con vui lắm”.

Ông Võ Tấn Sĩ (năm nay đã 67 tuổi) bộc bạch: “Tôi về đây ở đã 27 năm rồi, cứ chiều đến là sống trong bóng tối, chưa biết ánh điện ra sao. Nay đã có điện về tận nhà, vui không thể diễn tả được. Bà con cảm ơn báo Dân trí nhiều. Nếu không có báo vào cuộc, không biết lúc nào mới có điện”.

Người dân mua sắm quạt, ti vi,... để sử dụng sau khi có điện.
Người dân mua sắm quạt, ti vi,... để sử dụng sau khi có điện.

Hộ ông Sơn Tây, một hộ Khmer may mắn hơn là được một hộ quen biết, cách nhà gần 1.000 m cho câu đuôi, phải tự mua dây và dùng cột tre, cột tràm chống làm trụ điện nhưng do kéo xa, dây nhỏ nên điện không đủ công suất, ánh điện sáng hơn đèn dầu chút đỉnh. “Bây giờ có điện rồi, gia đình tôi đã mua ti vi, nồi cơm điện, máy bơm về sử dụng trong gia đình”, ông Tây vui vẻ nói.

Chị Kiêm Thị Thanh cho biết: “Đã 20 năm nay, cả nhà tôi chưa khi nào biết đến ánh sáng điện. Tôi có hai con đang học phổ thông, buổi tối các con học bài bằng đèn dầu thấy tội nghiệp quá. Không có điện thì không xem được ti vi, không bơm được nước để sử dụng. Mấy hôm nay có điện mừng đến ngủ không được. Các con tôi thì vui vì đã có điện học bài thay đèn dầu”.

Cháu Thạch Minh Thoại (con chị Thanh) nói: “Hồi trước con và em học bài ban đêm bằng đèn dầu nên rất khó khăn, nhất là mắt bị yếu đi rất nhiều. Bây giờ có điện rồi, học bài khỏe hơn, dễ chịu hơn rất nhiều. Tụi con sẽ cố gắng học tốt hơn”.

Học sinh có đèn điện để thay thế đèn dầu học bài.
Học sinh có đèn điện để thay thế đèn dầu học bài.

Báo Dân trí hoan nghênh tinh thần tiếp thu nội dung mà báo đã phản ánh của lãnh đạo Công ty Điện lực cũng như nỗ lực để sớm có điện cho người dân ở địa phương.

Bạch Dương