Hơn trăm công nhân mất việc trong "nháy mắt":

"Ngóng" kết quả xử lý kỷ luật Đảng với lãnh đạo Công ty Cấp nước Cà Mau

(Dân trí) - Tháng 3/2017, UBND tỉnh Cà Mau có văn bản gửi Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh này đề nghị xem xét xử lý kỷ luật về mặt Đảng đối với lãnh đạo Công ty Cấp nước Cà Mau. Thế nhưng, đã gần 4 tháng trôi qua, Đảng ủy Khối doanh nghiệp vẫn “im lặng” một cách khó hiểu.

Mặc dù phía UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, xử lý nhưng phía Công ty Cấp nước vẫn không chịu nhận lại người lao động.
Mặc dù phía UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, xử lý nhưng phía Công ty Cấp nước vẫn không chịu nhận lại người lao động.

Liên quan đến vụ hơn trăm người lao động tại Cty Cấp nước Cà Mau bị cho nghỉ việc sai quy định và những vấn đề “lùm xùm” tại công ty này, nguồn tin của PV Dân trí cho biết, 27 lao động bị cho nghỉ việc hồi tháng 5/2016 đã tiếp tục gửi đơn cầu cứu đến Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, yêu cầu sớm chỉ đạo người đại diện phần vốn Nhà nước nhận lại người lao động làm việc, chi trả lương cùng các khoản chế độ theo quy định pháp luật và theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Theo đơn của người lao động, thời gian qua, họ đã bị người đại diện phần vốn Nhà nước giữ chức vụ lãnh đạo Cty Cấp nước chấm dứt hợp đồng lao động mà theo kết luận của cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau là sai quy định.

Về vấn đề việc làm của người lao động nói trên cũng đã được lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau kết luận, chỉ đạo bằng nhiều văn bản, trong đó có việc đề nghị sắp sếp bố trí lại đối với 27 lao động bị cho nghỉ việc hồi tháng 5/2016; lấy tiền từ nguồn quỹ lương của công ty để chi trả lương, bảo hiểm và các chế độ khác đối với 27 lao động này theo quy định pháp luật.

Về phía Cty Cấp nước, ngày 4/1/2017, Giám đốc công ty đã ký Tờ trình số 01 gửi Chủ tịch Hội đồng quản trị thừa nhận có sai sót trong vấn đề cho người lao động nghỉ việc do tái cơ cấu, đồng thời đề nghị nhận lại 27 lao động nói trên. Tuy nhiên, ông Lý Hoàng Trung (người đại diện phần vốn Nhà nước giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty) đã không đồng ý.

Ngoài ra, Cty Cấp nước Cà Mau đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Cà Mau về giải quyết lao động dôi dư trong quá trình thực hiện tái cơ cấu tổ chức bộ máy và bố trí lại lao động tại công ty. Trong báo cáo này, lãnh đạo Cty Cấp nước đã xin ý kiến UBND tỉnh cho phép sử dụng nguồn kinh phí lấy từ cổ tức của cổ phiếu Nhà nước năm 2016 để chi trả lương, các loại phí bảo hiểm và đền bù thiệt hại khác cho 27 lao động trong thời gian không làm việc tại công ty cho đến khi trở lại làm việc.

Đơn thỉnh cầu của người lao động gửi Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau.
Đơn thỉnh cầu của người lao động gửi Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau.

Dựa trên cơ sở báo cáo của phía Cty Cấp nước, UBND tỉnh Cà Mau đã có công văn chỉ đạo: Đối với việc sử dụng nguồn kinh phí lấy từ cổ tức của cổ phiếu Nhà nước năm 2016 tại công ty để chi trả các khoản lương, bảo hiểm và đền bù thiệt hại khác cho 27 lao động trong thời gian không làm việc tại công ty đến nay theo kiến nghị của công ty thì UBND tỉnh đã có Công văn số 2921 (ngày 17/4/2917).

Theo công văn 2921, năm 2016, công ty đã xác định mức lao động kế hoạch đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh và xác định quỹ tiền lương kế hoạch của người lao động theo định mức, trong số đó có 27 lao động cho nghỉ việc do tái cơ cấu và đã được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có ý kiến thẩm định tại Công văn số 944 (ngày 10/8/2016). Vì vậy, việc chi trả lương, đóng các loại bảo hiểm cho 27 lao động nêu trên nên sử dụng từ quỹ tiền lương của người lao động năm 2016 để chi trả theo quy định.

Về xử lý sai phạm đối với người đại diện phần vốn Nhà nước, UBND tỉnh Cà Mau đã kết luận: Với vai trò là người đại diện phần vốn Nhà nước, giữ chức danh quản lý tại công ty, ông Lý Hoàng Trung (Chủ tịch Hội đồng quản trị) chưa thận trọng trong điều hành, phân giao nhiệm vụ cho cấp dưới; nóng vội, thực hiện chưa tốt quy chế dân chủ cơ sở nên chưa tạo được sự đồng thuận, để nội bộ mất đoàn kết; giải quyết hợp đồng lao động chưa đảm bảo đúng quy định dẫn đến thưa kiện kéo dài, phức tạp; thực hiện chưa đúng quy định về công tác cán bộ; chưa chủ động báo cáo chủ sở hữu tình hình hoạt động và các vụ việc phức tạp phát sinh tại công ty;...

Đối với Giám đốc, Phó Giám đốc Cty Cấp nước: Với vai trò là người đại diện phần vốn Nhà nước giữ chức danh quản lý tại công ty đã để xảy ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ; chưa quyết đoán và nhất quán trong giải quyết, chấm dứt hợp đồng lao động; bổ nhiệm cán bộ chưa đúng quy định; chưa kịp thời báo cáo chủ sở hữu những sự việc sai phạm xảy ra tại công ty;…

Công văn ngày 13/3/2017 của UBND tỉnh Cà Mau nêu rõ, chậm nhất 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo, tổ chức Đảng quản lý đảng viên phải xem xét xử lý kỷ luật về Đảng. Thế nhưng, đã 4 tháng trôi qua, phía Đảng ủy Khối doanh nghiệp vẫn im lặng một cách lạ thường.
Công văn ngày 13/3/2017 của UBND tỉnh Cà Mau nêu rõ, chậm nhất 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo, tổ chức Đảng quản lý đảng viên phải xem xét xử lý kỷ luật về Đảng. Thế nhưng, đã 4 tháng trôi qua, phía Đảng ủy Khối doanh nghiệp vẫn "im lặng" một cách lạ thường.

Theo đó, sau khi triển khai quyết định kỷ luật cảnh cáo đối với Chủ tịch Hội đồng quản trị, khiển trách đối với Giám đốc và Phó Giám đốc Cty Cấp nước, ngày 13/3/2017, UBND tỉnh Cà Mau đã có văn bản đề nghị xử lý kỷ luật về mặt Đảng đối với người đại diện phần vốn Nhà nước tại Cty Cấp nước Cà Mau, thời gian thực hiện theo quy định là 30 ngày làm việc. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại đã 4 tháng trôi qua, Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh này vẫn “im lặng” một cách lạ thường.

Ngày 10/7, PV Dân trí đã liên hệ với ông Trần Biên Thùy (Phó Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh Cà Mau) để tìm hiểu vì sao việc xử lý kỷ luật lại “kéo dài”, nhưng ông Thùy cáo bận không thể tiếp xúc báo chí. “Chúng tôi đang khẩn trương xử lý, khi có kết quả sẽ cung cấp thông tin sau cho báo chí”, ông Thùy nói.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.

Tuấn Thanh