Nghịch lý VND mất giá với USD

Theo dõi “sức khoẻ” của các đồng tiền trên thế giới, ta có thể thấy, trong 6-7 năm trở lại đây, nhất là từ khi xảy ra khủng hoảng kinh tế thế giới, đồng USD liên tục giảm giá so với bất cứ đồng tiền bình thường nào, nhưng riêng đối với VND thì…

Đồng “mặt xanh” này thậm chí đã và đang mất giá ngày một ngày hai so với những đồng tiền của các nước có nền kinh tế ổn định như NDT (Trung Quốc), Euro, các đồng Kuron của Bắc Âu, Đô la Úc, Yên Nhật… trừ đồng đô la Zimbabwe và một số tiền đang khủng hoảng. Đồng tiền Việt Nam không nằm trong số này 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Trong nhiều năm nay mặc dù Việt Nam luôn tăng trưởng trên 7% nhưng VND vẫn mất giá đều đều so với USD. Từ giữa năm 2008, bất chấp sự can thiệp tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá chợ đen của VND với USD giảm mạnh  giữa  những cơn “loạn nhịp” thất thường...; nếu vào thời điểm tháng 3/2008, 1 USD =15.500 đồng thì hiện nay = 18.500 đồng. Tỷ lệ mất giá này là quá lớn và không bình thường đối với một nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao và ổn định, nhất là khi Ngân hàng Nhà nước nhiều lần khẳng định “không thiếu USD”… 

Ai có dịp đến phố Hà Trung (Hà Nội) hay các cửa hàng ô tô, điện tử… đều ngỡ rằng nơi đây đang dung túng một thị trường “song bản vị”. Thật vô lý và bất công khi một nông dân cần mua xe ô tô hoặc một số mặt hàng thì phải thanh toán bằng đô la Mỹ, và muốn có đô la Mỹ thì cách duy nhất đối với anh ta là “đổi” ngoài chợ đen! Tình trạng mua bán trao tay đô la theo giá chợ đen diễn ra công khai khắp mọi nơi với khối lượng bất kỳ. Chỉ một cú điện thoại để ngả giá và hẹn hò, hai bên mua /bán có thể công khai “vác” bao tải đựng hàng chục tỷ đồng đến quầy ngân hàng để làm thủ tục chuyển khoản.

Hoàn toàn không giống với bất cứ một nước có nền kinh tế ổn định nào, ở Việt Nam các quầy đổi tiền tư nhân có thể tự ấn định tỷ giá của mình phớt lờ tỷ giá chính thức do Ngân hàng Nhà nước ban hành. Thậm chí nhiều trường hợp các nhân viên ngân hàng cũng công khai đổi tiền cho khách theo “giá thoả thuận”. Đó là chưa kể các thủ đoạn lạm dụng nguồn đô của Ngân hàng Nhà nước để “ăn” giá đổi chợ đen.

Với cách quản lý ngoại hối “vừa chặt vừa lỏng” như nói trên, chuyện "thua thiệt" đối với người tiêu dùng đã quá rõ. Nhưng thiệt hại lớn hơn là nền kinh tế đất nước do đã và đang  bị thua thiệt một cách hữu hình và vô hình trong các mối quan hệ có liên quan đến yếu tố đồng đô la Mỹ. Vô hình trung VND đang “tự nguyện” trượt giá theo đồng USD; và người tiêu dùng Việt Nam đang chịu “thiệt kép” so với người tiêu dùng thế giới. Doanh nghiệp thì không có tiền đô để nhập khẩu hàng hoá vật liệu phục vụ kinh doanh trong khi nguồn đô thực sự vẫn được “gim giữ” trong ngân hàng hoặc trôi nổi ngoài thị trường tự do với tỷ giá cao hơn nhiều tỷ giá chính thức. Chỉ có những kẻ buôn bán đô la chợ đen và một số kẻ đầu cơ trục lợi trong một số ngành có liên quan xuất nhập khẩu là được lợi.  

Rõ ràng, tình trạng nói trên cho thấy không chỉ đơn thuần là “quy luật cung-cầu”; nó phản ảnh một “khoảng trống” trong khâu quản lý tiền tệ của đất nước, khi mà thị trường chợ đen vẫn có “thực quyền” thao túng không chỉ tỷ giá mà cả nguồn cung USD.  Để tìm giải pháp cho vấn đề, thực ra không có gì quá phức tạp như người ta tưởng; nguyên nhân chủ yếu là sự quản lý yếu kém của các cơ quan chức năng nhà nước đồng thời với tâm lý hám lợi và sùng bái đô la vẫn còn đeo bám trong đại đa số người dân. Thiết nghĩ, chỉ cần các cơ quan chức năng “thực sự” vào cuộc bắt đầu bằng việc thực thi nghiêm chỉnh các quy định hiện có, trước hết là việc áp dụng thống nhất tỷ giá hối đoái đồng thời  cấm ngặt tất cả các hoạt động đổi tiền phi pháp dưới bất cứ hình thức nào, thì tình hình sẽ mau chóng trở lại ổn định.

T.K.Nghị <trankinhnghi@yahoo.com

LTS Dân trí - Một Nhà nước pháp quyền quản lý thật sự có hiệu lực không cho phép tồn tại “thực quyền” chi phối của bất kỳ khu vực chợ đen nào, nhất là chợ đen ngoại tệ trực tiếp làm suy yếu giá trị của đồng nội tệ.

Trong khi nền kinh tế nước ta tăng trưởng đều đều nhiều năm vào loại khá trong khu vực và trên thế giới, vậy vì sao đồng tiền Việt Nam lại mất giá đều đều so với một đồng tiền liên tục mất giá như USD? Câu hỏi đó đặt ra từ bài viết trên đây không phải không có lý. Và nguyên nhân chính có phải là do sự yếu kém trong khâu quản lý tiền tệ? Ngân hàng Nhà nước và những ngành liên đới chịu trách nhiệm trong khâu quản lý này như thế nào?

Đấy là vấn đề mà cử tri muốn đề nghị Quốc hội đặt ra trong chương trình nghị sự kỳ họp lần này.