Nghịch lý giá bán và giá niêm yết của Honda, Yamaha

(Dân trí) - “Giá bán một đường giá hóa đơn một nẻo” là điều mà rất nhiều người tiêu dùng Việt bức xúc và phải chịu hậm hực khi đi mua xe Air Blade hay Exciter của hãng Honda và Yamaha tại các đại lý chính hãng.

Nguyen Thanh Phong: phongtctb75@gmail.com.

 

Tôi vừa mua 01 xe Honda Air Blade phiên bản 2010, số tiền phải trả cho đại lý là 45.000.000đ, trong đó giá trị ghi trong hóa đơn là 33.000.000, và nộp ngoài hóa đơn 12.000.000. Đây không phải là đại lý tạo điều kiện để người mua không phải nộp thêm tiền chước bạ. Thực chất đây là hành vi “móc túi” của người tiêu dùng mà lâu nay chúng ta vẫn cố tình bỏ qua. Từ việc nhỏ này chúng ta không làm được thì hỏi xem tầm vĩ mô chúng ta có làm tốt được không? Vậy nên cơ quan chức năng các cấp cần vào cuộc để bảo vệ quyền lợi người  tiêu dùng, bảo vệ nền kinh tế đất nước, không để các "ông chủ lớn" muốn làm gì thì làm, thao túng cả thị trường. 

 

Nguyễn Chí Cường: nguquaisaigon18@yahoo.com.

 

Thật là không thể chấp nhận được. Nếu mà các đại lý ủy quyền nói là do tiền thuê mặt bằng, mướn nhân viên... thì có thể mắc hơn đôi chút như 1->2 thì không thành vấn đề. Đằng này lại kê lên đến 10 triệu lận thì sao mà người tiêu dùng chấp nhận. Tiền mồ hôi nước mắt chứ có phải trên trời rơi xuống đâu. Hôm 21/4/2011 ra đại lý hỏi Exciter thì hét lên 47 triệu (chưa bao giấy tờ). Thật ra thì Yamaha và Honda yêu cầu các nhà phân phối của mình phải bán đúng với giá bán (như công bố là điều hoàn toàn có thể). Có lẽ đây là cách trốn thuế của Honda và Yamaha chăng, cả đại lý và nhà phân phối đều có lợi. Bán với giá gần 50 triệu mà trong hóa đơn lại ghi đúng giá gốc.

 

duccuong: duccuongmc@yahoo.com.

 

Không hiểu sao lại có cái kiểu bán hàng như vậy. Tôi rất bức xúc vì cũng đang muốn mua 1 chiếc Airblade 2011 mà đại lý ủy nhiệm tại Móng Cái - Quảng Ninh hét với giá 48,5 triệu đồng cả đăng ký là 50,5 triệu đồng - hơn tới 12 triệu đồng 1 chiếc. Nhưng khi mua trên hóa đơn chỉ ghi đúng giá niêm yết, vậy đương nhiên ngươi tiêu dùng bị “móc túi” và họ trốn luôn được 1 khoản thuế đáng kể. Rất mong các cơ quan chức năng vào cuộc để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, để người dân được sử dụng 1 sản phẩm tương xứng với giá trị đồng tiền bỏ ra.
 
Nghịch lý giá bán và giá niêm yết của Honda, Yamaha  - 1

Không phủ nhận Honda Việt Nam chiếm đa phần tại thị trường xe máy Việt Nam. (Ảnh: Việt Hưng)

 

Nguyễn Toàn: anhtoan.dth@gmail.com.

 

Tháng 10 năm ngoái tôi mua Exciter RC 2010 với giá 37 triệu đ tại Yamaha Hồng Hạnh (Bà Triệu-HN). Trước đó, khi tôi ra Yamaha Thái Phiên hỏi thì họ bảo xe này giá 33.200.000đ (bao gồm cà VAT), nhưng nhân viên ở đây bảo muốn mua xe này thì qua các đại lý 3S của Yamaha chứ ở showroom chỉ trưng bày, không bán. Thật vô lý! Mong rằng các cơ quan chức năng sớm vào cuộc.

 

Hoàn Đào: pradovn@yahoo.com.vn.

 

Thật là một nghịch lý. Khi nhà sản xuất công bố giá bán ra trên thị trường thì các nhà phân phối tự đẩy giá lên để bán mà không bán đúng giá niêm yết của nhà sản xuất. Ví dụ như các loại hàng hóa điện tử, nội thất khi đưa ra thị trường các nhà phân phối lại bán rẻ hơn giá ghi trên sản phẩm của nhà sản xuất. Tốt nhất là người tiêu dùng nên có thái độ rõ ràng. 

 

Vũ Ngọc Anh : vungocanh2001@gmail.com/

 

Đây là việc xem thường pháp luật và không minh bạch trong kinh doanh.
- Giá niêm yết và công bố là cơ sở để áp thuế. 
- Giá bán thực tế chênh lệch đến 10 triệu đồng, cái này nhà nước biết không???
- Người tiêu dùng đang bị xem thường và ép vào thế phải trả tiền. 

 

Nghèo: thienscmt@gmail.co

 

Trước kia Honda "làm giá", bây giờ lại thêm YAMAHA, rồi không biết còn mấy hãng làm ăn như vậy trong tương lai? Có phải việc quản lý thị trường VN quá dễ dãi, nên mấy hãng này “móc túi” dân dễ dàng dàng như vậy?

 

Tại sao dân mình không làm theo như dân Nhật: nếu hàng hóa kém chất lượng hay "làm giá" gì đó, chúng ta đồng lòng không sử dụng, có tổ chức có hiệp hội can thiệp để cho dân mình bớt khổ.

 

Châu Thành: chauphuocthanhnhnocm@yahoo.com.vn.

 

Tuy rằng HONDA là hãng sản xuất xe gắn máy nổi tiếng, đồng thời theo chiến lược "tiết kiệm nhiên liệu" đã đưa dần công nghệ mới vào, liên tục tung ra các đời xe có kiểu dáng đẹp, phù hợp với người Việt nam và đường xá hiện tại. Nhưng với chính sách phân phối như hiện nay, liệu rằng HONDA còn giữ được cảm tình của khách hàng ở Việt Nam không ? Tôi đã có lần phản ảnh về trang web của HONDA khi đến mua 1 xe PCX của HONDA ngay khi vừa mới bán, nhưng tại đại lý lại rao giá + thêm 5 triệu đồng.

 

Sau đó, tôi nhận được thông báo sẽ bán cho tôi 1 chiếc ĐÚNG GIÁ. Trường hợp của tôi chỉ là 1/1triệu trường hợp được giải quyết. Sau này khi mua chiếc xe thứ hai, tôi chọn VESPA 125i.e vì thấy không có tình trạng  "làm giá" như khi mua xe HONDA.

 

Mong rằng HONDA nên sửa đổi chính sách phân phối hoặc kiểm tra các cửa hàng HEAD như thế nào, để đứng tạo phiền phức như thế khi khách hàng đến mua xe. 

 

Không ít bạn đọc cũng đưa ra câu hỏi với mong muốn được các cơ quan chức năng có liên quan trả lời, đó là: Cơ quan quản lý thị trường có chức năng giải quyết việc này không? Và những hành vi trên có bị coi là trốn thuế?

 

nguyen van linh: vanlinh2005@yahoo.com.

 

Việc theo qui luật cung - cầu thì người mua cần chấp nhận, nhưng ở đây tôi thấy giá xe bán ra ghi trên hóa đơn 37 triệu đồng, thực tế người dân trả 45,5 triệu đồng (bao gồm làm giấy tờ). Vậy cửa hàng đã trốn thuế, cơ quan thuế có biết tình trạng này không, quản lý thị trường có biết không? Mong các cơ quan chức năng có câu trả lời.

 

Nguyenquochieu: quochieu0209@yahoo.com.

 

Tôi nghĩ đây có thể là hành vi trốn thuế, tức là giá bán phải chịu thuế nhỏ hơn nhiều so với giá bán thực tế. Giả sử giá bán xe vẫn là 46 triệu/chiếc, nhưng nhà sản xuất cố tình công bố chỉ 36 triệu. Tính sức tiêu thụ trên cả nước thì khoản thất thu thuế không nhỏ.

 

Bên cạnh đó cũng có người cho rằng chính việc “cố đấm ăn xôi” dù biết bị mua đắt của người tiêu dùng cũng lại là động thái để hai hãng này “phát huy” bước kinh doanh họ cho là đúng.

 

Nguyễn Bình Dân: binhdan@gmail.com.vn.

 

“Tiên trách kỷ hậu trách nhân". Người tiêu dùng Việt Nam hãy trách chính mình vì thích mốt, thích hình thức. Chứ thực ra xe máy vẫn chỉ là xe máy, có phải ô tô đâu.

 

NHH: kingof_hoang@yahoo.com.

 

Tôi nghĩ về phía người tiêu dùng, nếu giá cao thì không mua nữa, mà mua hãng xe khác. Như thế đại lý không có khách mua thì giá sẽ phải xuống. Hãy là người tiêu dùng thông minh. Bên cạnh các hãng đó còn rất nhiều loại xe chất lượng chấp nhận được. 

 

Trần Minh Hiếu: lapvtq@yahoo.co.

 

Thời buổi này là thời buổi của công nghệ, đất nước ta đang mở rộng hàng hóa theo hướng thị trường, không lý gì mà nhà sản xuất tự tạo tình trạng khan hiếm vô lý để rồi phải trả giá. Tốt nhất người tiêu dùng nên tìm sản phẩm khác có những tính năng tương tự mà không chênh giá, không nhất thiết phải đúng thương hiệu đó. Ngoài ra cũng nên coi đó cũng chỉ là phương tiện không phải là một thứ tài sản để thể hiện đẳng cấp.

 

Hùng Việt Vương: thuonghieuviet83@gmail.com.

 

Giá được các Head đẩy giá cao nhưng vì các "thượng đế" vẫn mua tới tấp nên chẳng có lý do nào để họ hạ giá. Kinh doanh là vậy. 

 

Để làm lời kết bài, chúng tôi mượn ý kiến của bạn Trân: tranhao007vn@gmail.com :“Đã đến lúc chính phủ cần có biện pháp quản lý chặt chẽ tình trạng này để đảm bảo chống thất thu thuế (giá bán một đường, hóa đơn một nẻo), tạo sự minh bạch trong bán sản phẩm của các doanh nghiệp nói chung và cũng là để chống lạm phát. Cứ thế này thì doanh nghiệp tự tung tự tác quá mà các nhà sản xuất xe máy cũng chẳng thấy thể hiện trách nhiệm với quyền lợi của người tiêu dùng”.
 
Nguyệt Thu (tổng hợp)