Nghe chuyện xứ Nghệ, ngẫm về xứ Quảng

(Dân trí) - Mấy năm nay, Nghệ An và Quảng Bình cùng xảy ra những sự việc trùng hợp đến lạ lùng, khác chăng là chuyện xảy ra ở Quảng Bình thường nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, cách xử sự của chính quyền hai tỉnh xem ra khác nhau nhiều.

Người xứ Nghệ đau xót chứng kiến cảnh gần 20 học sinh thiệt mạng trong vụ chìm đò Chôm Lôm thì xứ Quảng cũng có một cái Tết Kỷ Sửu tang tóc khi 42 người ra đi trên con đò Quảng Hải.

Quảng Bình rúng động bởi hàng loạt vụ tiền, gạo của người nghèo bị “tung hứng” thì Nghệ An cũng mất ăn mất ngủ với cơm áo gạo tiền của người nghèo trong năm đầu tiên chính phủ hỗ trợ tiền Tết.

Ở Nghệ An, cô sinh viên giỏi Phan Thị Cảnh khốn đốn một năm ròng không tìm được việc thì cô kỹ sư trẻ Trần Thị Diệu Hương ở Quảng Bình cũng long đong suốt một nghìn ngày đeo đuổi công lý vì quyết định tréo ngoe của Sở Nội vụ tỉnh nhà.

Đó là những sự trùng hợp buồn, đáng tiếc và nói như một quan chức nói là “không nên xảy ra”. Đó cũng là những sự trùng hợp mà trên một phương diện nào đó thể hiện sự tắc trách, sự thiếu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ.

Ở Nghệ An, cuối cùng hai quan chức đã phải bước ra vành móng ngựa và nhận án tù sau vụ chìm đò ở Chôm Lôm.

Còn ở Quảng Bình, sau hàng loạt hội nghị, cuộc họp, trách nhiệm cuối cùng thuộc về chủ đò, lái đò và… 42 người chết. Cảnh cáo, khiển trách, phê bình, kiểm điểm… là cách mà chính quyền các cấp chọn chế tài kỷ luật cho mình.

Ở Nghệ An, nhiều “quan thôn”, “quan xã” mất việc vì “làm xiếc” với tiền, gạo chính phủ hỗ trợ người nghèo.

Còn ở Quảng Bình, duy chỉ có ông trưởng thôn Thống Nhất (xã An Ninh - Quảng Ninh) bị miễn nhiệm, nhưng chỉ để xoa dịu dư luận rồi sau đó ông lại lặng lẽ “tái đắc cử” vì lý do dân bầu.

Và mới đây nhất, ở Nghệ An cô sinh viên giỏi Phan Thị Cảnh đã nhận lời “đầu quân” cho Vietnam Airlines sau khi đích thân Giám đốc Sở Nội vụ đứng ra xin “rút kinh nghiệm” và lãnh đạo cao cấp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo nhận cô Cảnh ngay lập tức theo đúng quan điểm thu hút nhân tài.

Còn ở Quảng Bình, trong phiên tòa phúc thẩm, đại diện Sở Nội vụ thay vì lý giải việc “chê người học cao” lại tiếp tục bẻ câu chuyện theo hướng tuyển chức danh trên… cung trăng (bởi thực tế chức danh mà Sở Nội vụ phê duyệt không có trong hệ thống mã ngành đào tạo của ngành giáo dục Việt Nam).

Và kết cục, sau một năm lận đận, cô Phan Thị Cảnh đã tìm được công việc tốt. Còn cô Trần Thị Diệu Hương sau 3 năm ròng bẻ nạng chống trời vẫn chưa tìm được lối thoát trong một cuộc chiến pháp lý “hứa hẹn” còn rất dài.

Mới đây, Bí thư tỉnh ủy Quảng Bình đã chỉ đạo giải quyết trường hợp cô Hương và báo cáo trước 17/11. Tuy nhiên, mọi chuyện xem ra không dễ khi mà Sở Nội vụ vẫn cương quyết bảo vệ lập trường, dù sự việc hoàn toàn có thể giải quyết rốt ráo nếu chính quyền tỉnh cầu thị và mong muốn một cái kết có hậu.

UBND tỉnh Quảng Bình có thể rút quyết định đó, TAND tỉnh Quảng Bình có thể trả lại hồ sơ vụ án một cách đúng luật định để giải quyết theo con đường hành chính, Sở Nội vụ cũng có thể tự mình thu hồi quyết định và xin lỗi công dân. Chẳng nhẽ một trong ba việc làm đó đều khó đến thế?

Dẫu biết mọi sự so sánh đều là khập khiễng, nhưng dư luận vẫn cảm thấy rằng trong ba sự trùng hợp nói trên, tỉnh Nghệ An đều giải quyết rốt ráo hơn, cứng rắn hơn dù cả ba sự việc ở tỉnh Quảng Bình đều nghiêm trọng hơn.

Điều đó có hợp logic hay không, khi chúng ta đang sống trong một xã hội pháp quyền, nơi mà mọi hành vi đều được điều chỉnh bởi pháp luật. Phải chăng, tỉnh Quảng Bình chưa có được sự quyết liệt trong xử lý, sự cầu thị đúng mực với người dân?

Chúng tôi nói bằng sự day dứt của một người con đất Quảng, bằng sự đau đáu của một công dân. Mong rằng, giới chức tỉnh Quảng Bình sẽ tìm được một hướng giải quyết sáng suốt, không chỉ để bảo vệ quyền lợi đúng đắn của một con người, mà còn để lấy lại niềm tin nơi vạn người.

Quảng Dân